Dòng tiền tìm đến thị trường crypto để ‘trú bão’
(DNTO) - Được xem là “vàng kỹ thuật số”, các đồng tiền mã hóa trở thành tài sản thay thế hấp dẫn trong bối cảnh thế giới biến động.
Vì sao crypto được chọn để ‘gửi vàng’?
Theo dữ liệu coinmarketcap hôm 29/8, tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử ở mức 1.053 tỷ USD. Tỷ lệ thống trị của Bitcoin (BTC) vẫn chiếm 48,3%.
Mới đây, Công ty Chứng khoán Nomura đã tiến hành khảo sát 300 tổ chức đầu tư đang quản lý 4.900 tỷ USD tài sản. Kết quả, 96% tổ chức tin rằng, đầu tư vào tiền điện tử là cách tốt để đa dạng hóa danh mục; 82% tổ chức lạc quan về triển vọng của tài sản này trong 12 tháng tới.
Theo TS Ngô Ngọc Thuyên - Trưởng ngành Tài chính - Ngân Hàng Đại học Huflit, đối với góc độ của nhà đầu tư, khi có tình trạng lạm phát xảy ra, mỗi người đều cảm thấy mất niềm tin vào đồng tiền chúng ta đang sở hữu. Khi thấy đồng tiền mất giá, người ta có xu hướng đổi đồng tiền sang loại tài sản mang tính trú ẩn cao hơn, mang tính an toàn cao hơn. Và crypto được xem là loại tài sản trú ẩn vì tính ẩn danh, khả năng rút và nạp bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó là lý do tình trạng lạm phát của Mỹ đâu đó ảnh hưởng tích cực lên thị trường crypto.
Cũng theo vị này, thị trường crypto là phần chính của hệ thống kinh tế toàn cầu. Có nghĩa dù kinh tế thế giới trở nên tốt hơn hay tệ hơn thì nó là đối tượng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. Trong chiến tranh, người dân ở Ukaine đã phải chuyển tài sản của mình thành tài sản crypto, bởi họ không thể giao dịch tại ngân hàng hoặc mua các đồng tiền ngoại hối khác. Trong xu hướng bảo tồn tài sản, họ buộc phải chuyển tài sản hiện có sang tài sản có tính chất an toàn hơn, có thể lấy được khi trú ẩn tại các quốc gia khác. Thị trường crypto đã được họ lựa chọn để bảo tồn tài sản.
“Trong kịch bản Chính phủ đang ở trong thời kỳ khủng hoảng, rất khó để phụ thuộc vào ngân hàng truyền thống. Đó là lý do hệ thống ẩn danh như thị trường crypto càng trở nên hấp dẫn hơn nữa. Đó cũng là lý do có khoảng 100 triệu USD trong crypto trên toàn thế giới đã được gửi đến tài trợ cho quân đội Ukraine và nhóm hacker liên quan”, bà Thuyên nói.
Còn đối với Nga, vị chuyên gia cho rằng, đứng trên góc độ lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ và đồng minh, nó cũng tạo điều kiện cho thị trường crypto phát triển hơn nữa. Lúc này, Nga sẽ càng xa rời dần với Hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và sử dụng loại tiền tệ đơn giản hơn để vận hành nền kinh tế, đó là thị trường crypto. Mới đây, Nga tuyên bố có thể họ sẽ chấp nhận dùng Bitcoin để thanh toán nhiên liệu.
“Chính trong bối cảnh chiến tranh như vậy, thị trường crypto lại giải quyết vấn đề cho cả 2 phía. Xu hướng thị trường crypto sẽ không chỉ gói gọn trong bức tranh ở Nga mà tương lai có thể trở thành đơn vị tiền tệ thay thế, đưa vào hợp đồng tiền tệ sau này”, bà Thuyên nhận định.
Có phải là phong độ nhất thời?
Bên cạnh câu chuyện lạm phát, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho rằng sự phát triển của thị trường crypto liên quan đến câu chuyện thứ hai là thị trường.
Hiện nay, một số đồng tiền mạnh trên thế giới dựa trên sức mạnh của quốc gia đó. Khi quốc gia đó có uy thế về đồng tiền sẽ có khả năng chi phối. Do vậy, các nước khác khi họ nhìn thấy sự lệ thuộc vào một số đồng ngoại tệ mạnh, họ có xu hướng phản ứng lại sự kiểm soát đó bằng nhiều hình thức. Một trong những hình thức đó là sử dụng các đồng tiền thay thế.
“Thời gian qua, một trong những nguyên nhân làm giá vàng tăng là do chiến tranh và Ukaine, người ta sẽ tìm cơ hội trú ẩn vào tài sản ngoài ngoại tệ. Cuộc chiến tranh này cũng ảnh hưởng tới Mỹ và châu Âu nên người ta cũng sẽ dùng các đồng tiền khác. Khi chúng ta cầm đồng tiền của một quốc gia, khi chúng ta có chiến tranh, chúng ta sẽ không biết phải di tản đi đâu, tham gia vào phe nào hay quốc gia của chúng ta ảnh hưởng như thế nào. Vì vậy họ sẽ dùng hình thức đó để dàn trải đầu tư”, ông Dũng nói.
Hơn nữa ở Việt Nam, theo ông Dũng, ngoài việc tiền để trong ngân hàng, người dân còn sử dụng tiền để đầu tư đất, mua vàng và hiện nay là 1 trong 10 quốc gia có lực lượng người nắm giữ crypto lớn nhất thế giới. Cũng trong năm 2021, Việt Nam có xấp xỉ 800-1.000 dự án game NFT, blockchain. Điều này gia tăng lực lượng người chơi game, cũng như trình độ ứng dụng blockchain của người Việt cũng gia tăng.
Ở giai đoạn mùa đông, các dự đoán cho rằng Bitcoin có thể giảm xuống dưới 30.000 USD/Bitcoin. Nhưng trong thời gian vừa qua, do chiến tranh Nga – Ukraine, có lực hút mua vào những đồng crypto để chuẩn bị cho việc khi bị phong tỏa và dùng tiền đó để thanh khoản khi việc thanh toán khó khăn. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư bình tĩnh hơn, có kiến thức hơn và việc nhiều quốc gia tích cực đón nhận crypto đã giúp cho “mùa đông” thị trường tiền số không quá ảm đạm.
“Ngoài hai quốc gia có liên quan, các quốc gia khác, nhà đầu tư khác nhìn thấy rõ ràng đáy của thị trường không bị thủng và có lực mua từ những nhà đầu tư lớn. Truy xuất một số ví lớn có động thái mua vào liên tục, thay vì bán ra như các chu kì khác. Như vậy, rõ ràng việc mua vào – bán ra tại thị trường crypto cũng thay đổi theo thời cuộc chiến tranh, có những câu chuyện trái quy luật”, ông Dũng cho hay.
Trước băn khoăn cho rằng sự tăng trưởng của thị trường crypto là nhất thời hay mang tính trung hạn và dài hạn, TS Ngô Ngọc Thuyên cho biết, thị trường crypto được xem như “vàng điện tử”. Điều đó có nghĩa, không giống các đồng tiền danh nghĩa như VND, USD, Euro hay Yen… đều có thể bị pha loãng khi Chính phủ phát hành thêm. Nhưng với các đồng tiền số như Bitcoin được cố định với số lượng 1 triệu, như vậy không bị pha loãng. Đó là lý do mọi người luôn tin rằng đó là “vàng kỹ thuật số”.