Ngân hàng Silvergate vất vả chống đỡ đợt rút tiền hỗn loạn 8.1 tỷ USD
(DNTO) - Silvergate đã phải bán nhiều tài sản, cắt giảm 40% nhân viên để bù lại khoản lỗ từ đợt rút tiền hỗn loạn, nhưng vẫn muốn bám víu vào tiền tệ ảo.
Sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền tệ ảo FTX đã châm ngòi cho một đợt rút tiền hỗn loạn từ Ngân hàng Silvergate Capital Corp., khiến họ phải bán nhiều tài sản với giá lỗ sâu để có thể bù lại khoảng 8.1 tỷ đô la đã bị rút ra.
Các khoản tiền gửi liên quan đến tiền tệ mã hoá (crypto) đã thuyên giảm 68% trong quý 4 năm vừa qua, theo báo cáo lợi nhuận từ chính Ngân hàng Silvergate. Để có thể chi trả cho làn sóng rút tiền hàng loạt, ngân hàng này đã phải thanh lý nhiều khoản nợ họ đang giữ trên bảng cân đối kế toán. Điều này dẫn đến một khoản lỗ lên đến 718 triệu đô la, cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận tổng cộng của Silvergate tính từ 2013.
Cổ phiếu Silvergate đã rớt 40% ngay đầu phiên giao dịch ngày thứ Năm, 5/01.
Ngân hàng Silvergate đã phải sa thải 40% nhân viên, khoảng 200 vị trí, và cho biết họ sẽ tiếp tục cắt giảm để giảm chi phí. Hãng này đã huỷ bỏ kế hoạch tung ra tiền tệ ảo của riêng họ, chấp nhận mất hoàn toàn 196 triệu đô la đã bỏ ra để mua lại công nghệ được phát triển bởi Facebook, vốn đến từ một dự án hệ thống chi trả bằng tiền tệ ảo thất bại.
Silvergate vốn là một ngân hàng phục vụ cho nhu cầu của các công ty trong ngành tiền tệ crypto, nắm giữ các khoản tiền gửi và hoạt động trong một mạng lưới kết nối các nhà đầu tư và các sàn giao dịch tiền tệ mã hoá. Các khoản tiền gửi thuộc FTX và nhiều công ty dưới trướng của nhà sáng lập Sam Bankman-Fried chiếm đến 1 tỷ USD giá trị trong Silvergate.
Khi FTX lụn bại vào hồi tháng 11 năm ngoái, một làn sóng chấn động diễn ra khắp thị trường crypto và đẩy giá cổ phiếu Silvergate xuống sâu đột ngột.
Tuy vậy, Silvergate vẫn có thể trụ lại trước đợt tiền gửi thuyên giảm nghiêm trọng nhờ có cấu trúc rất khác biệt so với các ngân hàng khác. Hãng này đã bán gần hết các hoạt động ngân hàng truyền thống cùng các chi nhánh để tập trung vào cung cấp tài khoản ngân hàng cho các sàn giao dịch crypto và các nhà đầu tư.
Những tài khoản tiền gửi liên quan đến crypto chiếm đến 90% số tiền mà ngân hàng này nắm giữ. Silvergate giữ hầu hết các khoản tiền gửi này dưới dạng tiền mặt hoặc các loại tài sản chứng khoán dễ trao đổi.
Ngân hàng Silvergate cho biết, họ vẫn sẽ theo đuổi ngành tiền tệ mã hoá và có đủ vốn để đối phó với “thời kỳ trung chuyển kéo dài”.
Silvergate cho biết họ có hơn 4.6 tỷ đô la tiền mặt, cao hơn mức 3.8 tỷ đô la vẫn còn trong các tài khoản ký gửi. Và họ vẫn còn giữ hơn 5.6 tỷ đô la các tài sản an ninh như trái phiếu kho bạc Hoa kỳ, có thể dễ dàng thanh lý.
“Trong khi Silvergate đang nỗ lực tiến hành các bước để thích ứng với môi trường hiện tại, nhiệm vụ của chúng tôi vẫn không thay đổi”, ngân hàng này nói. “Silvergate tin tưởng vào ngành tài sản ảo”.
Silvergate từng đối mặt với nhiều điều tra gay gắt vì mối quan hệ chặt chẽ với FTX, và cuộc sụp đổ của sàn giao dịch tiền tệ ảo này cũng đã làm dấy lên lo ngại về tính thực tiễn của mô hình kinh doanh của ngân hàng này. Một nhóm các nhà làm luật Liên bang Mỹ đã cảnh báo các ngân hàng không nên quá “dây dưa” với thị trường tiền tệ crypto.
Cổ phiếu Silvergate đã mất hơn 70% giá trị sau 3 tháng qua, nhưng lại bị lợi dụng bán khống (short) trầm trọng. Đây là cách kiếm lời bằng việc mượn cổ phiếu để bán ra, rồi chờ cổ phiếu giảm giá, mua lại để ăn lời mức chênh lệch. Con số lợi nhuận có thể lên đến 400 triệu đô la trong năm vừa qua, theo dữ liệu của S3 Partners. Nhờ vào đó, trong phiên giao dịch hồi thứ Tư trước đó, cổ phiếu Silvergate đã lên 27%, mức tăng cao nhất kể từ 2020.
Hiện tại, Ngân hàng Silvergate cho rằng đợt rút tiền hỗn loạn này là kết quả của một cuộc khủng hoảng niềm tin trong ngành tiền tệ crypto. Các khoản tiền gửi đã từng giảm xuống đến mức 3.5 tỷ đô la trong quý 4, nhưng sau đó tăng lên lại thành mức 3.8 tỷ vào cuối quý.
Silvergate dự tính sẽ công bố kết quả đầy đủ của quý 4 vào cuối tháng này.