Các cơ quan pháp lý đang thắt chặt các quy tắc tiền điện tử sau sự sụp đổ của FTX
(DNTO) - Sau một loạt sự cố phá sản của nhiều công ty lớn dẫn đầu thị trường công nghiệp tiền điện tử như FTX, các giám đốc điều hành ngành tài chính và các nhà lập pháp đang vào cuộc để bảo vệ nhà đầu tư tránh khỏi những cạm bẫy của thị trường ‘dễ lung lay’ này.
Tiền điện tử đã trở thành một yếu tố quan trọng và không còn xa lạ với cộng đồng đầu tư trên toàn thế giới. Tiền điện tử được xem là đại diện cho những biên giới mới về tài chính và công nghệ, mang đến những cơ hội thú vị cho thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, ngành này đang là một nguy cơ tiềm ẩn cho các hành vi phạm pháp như rửa tiền, thao túng giá, tham ô…
Lĩnh vực tiền điện tử đã đạt giá trị kỷ lục gần 3 nghìn tỷ USD vào cuối năm ngoái. Bước vào năm nay, trước tình trạng thị trường hỗn loạn do lãi suất tăng và một loạt các vụ phá sản đã ‘thổi bay’ hơn 2 nghìn tỷ USD, vốn hóa thị trường giờ đây chưa đến 900 triệu USD.
Năm 2022 được coi là năm ‘trầy trật’ của tiền điện tử, từ sự sụp đổ của đồng Terra USD và đồng Luna đã kéo theo hàng loạt chuỗi domino phá sản liên tiếp. Thị trường chưa phục hồi lại thì mới đây, một trong những sàn giao dịch thuộc hàng top đầu trên thị trường FTX cũng đã nộp đơn phá sản, để lại hậu quả nặng nề cho hơn 1 triệu chủ nợ lên đến hàng tỷ USD.
Laura Cha, Chủ tịch một sàn giao dịch Hồng Kông cho biết: “Sự sụp đổ FTX đang minh họa tầm quan trọng của tính minh bạch và việc bảo vệ nhà đầu tư theo các quy định phù hợp, yêu cầu quy định đối với tất cả các hoạt động tài chính”.
Sau loạt sụp đổ này, các cơ quan quản lý tại Hoa Kỳ cũng như các giám đốc điều hành ngành tài chính trên toàn cầu đang nhanh chóng phát triển các quy tắc áp dụng vào tiền điện tử xem xét tính khả thi và minh bạch hơn.
Úc là một trong những quốc gia đầu tiên tuyên bố sẽ hành động để thiết lập các quy định nhằm bảo vệ cộng đồng đầu tư. Theo nguồn tin, 30.000 nhà đầu tư Úc bị đóng băng tiền trên sàn giao dịch FTX.
Ở những nơi khác, Singapore và Hồng Kông đang xúc tiến ban hành giấy phép cho các nhà phát triển blockchain và tài sản kỹ thuật số. Châu Âu cũng đang lên kế hoạch cho các quy định mới xung quanh các yêu cầu lưu ký đối với tài sản kỹ thuật số, có hiệu lực vào năm 2024 như một phần của khuôn khổ Thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA).
Hiện tại, các nền tảng giao dịch được đăng ký tại một số quốc gia có khung pháp lý như Pháp hay Châu ÂU đều được các cơ quan giám sát. Tuy nhiên vấn đề là một số nền tảng, chẳng hạn như FTX và nhiều công ty Crypto vì không muốn bị ràng buộc các quy định nên đã đặt trụ sở tại một số quốc gia Bahamas và BVI. Do đó các chuyên gia đang yêu cầu các quy định cần phải hài hòa hóa trên toàn thế giới.
Mặc dù tính phi tập trung hóa là cốt lõi của tiền điện tử, nhưng giờ đây ngay cả những người trước kia đã rất yêu thích tính phi tập trung cũng đều quay lại ủng hộ các quy định của chính phủ vì họ nhận ra các lợi ích sau một loạt sự sụp đổ của thị trường.
Ngành công nghiệp Blockchain nói chung hay tiền điện tử nói riêng đang là một lĩnh vực sôi động và đang phát triển. Hành lang pháp lý được áp dụng và thắt chặt sẽ giúp xây dựng niềm tin của người tiêu dùng, điều này sẽ thúc đẩy và mang lại tính hợp pháp cho các loại tiền kỹ thuật số dưới dạng các lựa chọn thương mại cũng như đầu tư.