Tại sao những dấu hiệu cảnh báo về FTX đã bị làm ngơ? Bài 3: Dưới ống kính dư luận
(DNTO) - Có thể các nhà đầu tư đã sai lầm trong việc thẩm định những mối hiểm họa từ FTX, nhưng chính giới báo chí và các nhà làm luật đã giúp FTX và Sam Bankman-Fried né tránh “ống kính” soi xét và sự chỉ trích của dư luận.
Bài 1: Những nạn nhân 'đáng nể'
Các nhà đầu tư có thể đã bị chiêu dụ bởi tham vọng của Sam Bankman-Fried (SBF) và bỏ ra hàng trăm triệu USD đầu tư vào FTX, nhưng lẽ ra sự sốt sắng đó phải bị kiềm chế bởi cái nhìn soi mói của truyền thông báo chí và sự kiểm duyệt khắt khe từ các nhà làm luật. Nhưng oái ăm, Sam Bankman-Fried đã là một “đứa con cưng” của cả hai giới này.
“Bạn thân” của giới truyền thông
SBF đã là một nhân vật thường xuyên xuất hiện trong các cuộc nói chuyện hay hội thảo. Anh ta là một gương mặt quen thuộc trên bìa tạp chí, luôn sẵn sàng cởi mở chào đón giới truyền thông, hỗ trợ, cung cấp những thông tin cần thiết. Chính sách này khiến SBF gầy dựng một hình ảnh “đáng mến” trong giới truyền thông. Khi FTX trỗi dậy, trở thành một tên tuổi lớn, ít người đặt câu hỏi làm sao mà công ty này phát triển nhanh đến thế.
Nhưng Bankman-Fried không chỉ hỗ trợ giới báo chí, anh ta còn gia nhập vào ngành này. Hồi tháng 6/2022, SBF đầu tư vào Semafor, một công ty startup thuộc ngành truyền thông, sáng lập bởi các cựu phóng viên đến từ New York Times và Bloomberg.
SBF cũng sẵn sàng hé mở câu chuyện về cuộc đời mình cho giới báo chí tài chính. Michael Lewis, tác giả của “The Big Short”, đã được nhìn thấy hay đi cùng SBF để thu thập dữ liệu cho cuốn sách của mình.
Chính mối quan hệ thân mật của SBF và FTX với giới báo chí đã giúp đẩy lùi những sự dòm ngó, chỉ trích.
Khi Brett Harrison, Giám đốc chi nhánh Mỹ của FTX, bất ngờ rời công ty vào hồi tháng 9/2022 mà không đưa ra lý do rõ ràng, tuy việc này làm nhiều người nhướng mày, nhưng các tờ báo lại né tránh đào sâu tìm hiểu nguyên nhân của sự ra đi bất ngờ ấy. Đã có ít nhất một phóng viên thú nhận họ từ chối việc điều tra sâu vào FTX và Alameda vì có mối quan hệ thân thiết với nhà sáng lập của hai công ty này.
Ảnh hưởng chính trị
Giới chính trị gia cũng bị mê hoặc không kém. Có thể là vì Bankman-Fried đã hào phóng ủng hộ 40 triệu USD trong đợt bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, hoặc có thể là vì FTX luôn chào đón các nhà hoạch định chính sách, hỗ trợ họ tìm hiểu về thị trường tiền tệ ảo đang ngày một phát triển, nên “ông hoàng Crypto” SBF trở thành cố vấn tin cận cho Washington.
Trong những năm qua, SBF đã nhiều lần điều trần trước Quốc hội Mỹ các vấn đề về điều chỉnh luật cho tiền tệ ảo. Sử dụng các cơ hội này, SBF kêu gọi các nhà làm luật hỗ trợ cho sự phát triển của Cryptocurrency (tiền điện tử). Đã có ghi nhận anh ta nhiều lần gặp gỡ trực tiếp Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). Đối với các nhà làm luật Mỹ, và cả giới đầu tư, SBF là người phát ngôn không chính thức cho ngành Cryptocurrency.
SBF đã ở vị thế có thể gầy dựng được hình ảnh của “người hùng”, một nhân vật đấu tranh cho quyền lợi của những người tham gia đầu tư Cryptocurrency trên chiến trường chính trị. Và không mấy khi có người dám nghi ngờ một nhân vật anh hùng như thế.
Trong một lần xuất hiện ở Capitol Hill, Bankman-Fried đã khoe tính chất rõ ràng minh bạch mà sàn giao dịch FTX có thể đưa đến các nhà làm luật. Nhưng không ai thấy được những vấn đề kiểm toán của FTX. SBF sau này đổ lỗi “công việc kiểm toán ghi chú các tài khoản ngân hàng” đã rất tệ, dẫn đến tính toán sai lệch các khoản vốn của người dùng trên sàn giao dịch FTX.
Giờ các nhà làm luật đã phải lên kế hoạch buộc Sam Bankman-Fried một lần nữa đứng trước quốc hội, giải thích lý do đằng sau vụ sụp đổ của FTX.
SBF đã không thể góp phần đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn, mà còn khiến ta phải đặt ra câu hỏi: Liệu tiền tệ ảo có thật sự đáng để đầu tư? Ảnh hưởng từ việc FTX sụp đổ và mất niềm tin vào SBF sẽ còn gợn sóng khắp giới đầu tư Cryptocurrency trong thời gian tới.