30 quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ FTX, Việt Nam có 65.000 người đang 'mắc kẹt'
(DNTO) - Sau sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX vào đầu tháng 11, có đến 30 quốc gia trên toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, Việt Nam với 65 ngàn nhà đầu tư cũng bị tác động bởi ‘thảm họa’ này.
Ngày 11/11, sàn giao dịch tiền số lớn thứ ba thế giới FTX đã đệ đơn xin phá sản, Giám đốc điều hành Bankman-Fried cũng xin từ chức. Ngay sau đó, sắc đỏ bao trùm cả thị trường tiền số khi Bitcoin mất hơn 1.700 USD, giảm xuống đáy chỉ còn 16.350 USD.
Sự sụp đổ của FTX đã làm ‘bốc hơi’ 2,9 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường khi giá token FTT giảm mạnh 92%. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến hàng loạt công ty, quỹ đầu tư mà còn tác động đến hàng triệu nhà đầu tư trên 30 quốc gia toàn thế giới.
Hàn Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất theo Coingecko, nước này có tỷ lệ lưu lượng truy cập cao nhất là 6,1%, trung bình có 297.229 người dùng truy cập FTX hàng tháng. Điều này đã thúc đẩy các quan chức chính phủ Hàn Quốc nhanh chóng soạn thảo Đạo luật cơ bản về tài sản kỹ thuật số, một khung pháp lý toàn diện dự kiến sẽ được hoàn thiện vào năm tới.
Singapore được xem là trung tâm tiền điện tử của châu Á cũng không tránh khỏi tác động, với 5% lưu lượng truy cập bao gồm 241.675 người dùng trung bình hàng tháng, đất nước này xếp thứ 2 quốc gia bị liên đới. Công ty cổ phần nhà nước Singapore, Temasek đã thông báo khoản đầu tư 275 triệu USD vào FTX đang có nguy cơ mất trắng.
Ngoài ra, Việt Nam có 1.3% lưu lượng truy cập với tổng số nhà đầu tư gần 65.000, việc FTX nộp đơn phá sản đồng nghĩa với việc toàn bộ số tiền của người dùng trên sàn bị mắc kẹt, chưa thể rút ra và có nguy cơ mất trắng.
Trong tài liệu xin phá sản gửi lên tòa án, FTX cho biết công ty hiện có hơn 100.000 chủ nợ hợp pháp. Ngoài ra, danh sách mắc nợ có thể mở rộng hơn 1 triệu người. Theo đó, những khách hàng có tài sản bị mắc kẹt trên FTX được xem là một chủ nợ của công ty.
Theo The Wall Street Journal, không rõ bao lâu người dùng có thể lấy lại tiền hay họ có nhận được gì không. FTX hiện đang phải cố gắng huy động tiền chi trả các khoản nợ lên đến 8 tỷ USD.
Chia sẻ với NBC News, một youtuber 35 tuổi có tên Alex Bangle cho biết anh đã mất 3.500 USD cả tiền số và tiền thật trong FTX. Bangle đã đăng một video trên YouTube kể chi tiết về trải nghiệm của mình với tiêu đề ‘tôi đã mất tất cả vào FTX’.
Sự sụp đổ của FTX đang kéo theo nhiều hệ lụy, những ngày gần đây lần lượt những tổ chức lớn nhỏ tuyên bố bị liên đới từ vụ việc này như BlockFi, Genesis Trading, Amber Group, Galaxy Digital, Multicoin Capital... Tất cả đều là các tổ chức có đầu tư vào FTX và đang bị đóng băng tài sản. Tổng số tiền thiệt hại từ nhà đầu tư tổ chức trị giá lên đến hàng tỷ USD.
Vụ việc này không chỉ phá hủy niềm tin vào ngành công nghiệp tiền điện tử mà còn khuyến khích các cơ quan quản lý toàn cầu thắt chặt các quy định. Giao dịch và đầu tư tiền điện tử vẫn là một cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Nhưng cùng với cơ hội đó là rủi ro. Khi những sự kiện liên tiếp đã khiến hàng tỷ USD vốn hóa thị trường thất thoát, các cơ quan quản lý tại các quốc gia trên thế giới đang có nhiều động thái pháp lý để mang lại một số trật tự và bảo vệ nhà đầu tư.