Doanh nghiệp số kể chuyện xuất ngoại sang 30 quốc gia: Luôn đồng hành với khách hàng trên mọi mặt trận
(DNTO) - Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn toàn có thể thành công như Ấn Độ nếu mạnh dạn khai thác thị trường nước ngoài.
10 năm tiến đánh 30 vùng, lãnh thổ trên thế giới
Không giống như nhiều doanh nghiệp mải mê giới thiệu sản phẩm, giải pháp tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2022, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holding Hoàng Tuấn Hải chia sẻ về câu chuyện doanh nghiệp này khai phá thị trường nước ngoài.
Đại diện VMO Holding chia sẻ, khoảng 10 năm trước, khi thị trường Việt Nam lúc đó dồn lực khai thác thị trường Nhật Bản, thì ngay khi bước chân vào thị trường công nghệ số, đơn vị này đã định vị sẽ trở thành công ty toàn cầu vì thấy rằng mọi thị trường đều giống nhau.
Do đó, VMO Holding tập trung khai thác thị trường ngách là các công ty startup và tiến đánh thẳng sang Mỹ. Hiện công ty có các văn phòng ở Mỹ, Nhật, Singapore, Thái Lan, đang phục vụ 500 khách hàng ở 30 vùng, lãnh thổ.
"Chúng tôi chọn startup vì sẽ được tiếp xúc với những ý tưởng tuyệt vời, được tham gia vào toàn công đoạn để phát triển một sản phẩm. Vì vậy, tất cả xu hướng công nghệ hot nhất đều được VMO tiếp thu sớm. Đặc biệt, VMO luôn định vị mình là người đồng hành với khách hàng trên mọi mặt trận, kể cả khi họ thành công hay thất bại.
Chúng tôi luôn ưu tiên thông điệp "Tại sao là Việt Nam?". Khi gặp khách hàng, chúng tôi giải thích Việt Nam có nền kinh tế chính trị ổn định; nhà nước, Chính phủ quan tâm công nghệ thông tin. Cũng nhờ vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định nên doanh nghiệp cũng tạo được niềm tin với đối tác", CEO VMO nói.
Theo ông Hải, thị trường công nghệ thông tin Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng cũng có hạn chế như gồm trình độ ngoại ngữ , tư duy phản biện và chính sách hỗ trợ mở văn phòng và đầu tư ra nước ngoài. Các doanh nghiệp cần chủ động giải quyết hạn chế đó.
CEO VMO đề xuất xây dựng mô hình trường học và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng các hub công nghệ Việt Nam tại các thị trường công nghệ lớn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiến ra thế giới.
Thị trường khổng lồ mà Việt Nam không nên bỏ lỡ
Ông Joseph Saib, đại diện Công ty Tel.red, chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Thung lũng Silicon của Mỹ, cho biết doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội để khai thác thị trường công nghệ số khổng lồ toàn cầu.
Bởi lẽ, hiện có 70% doanh nghiệp có các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số. 40% tổng chi tiêu công nghệ được dành cho chuyển đổi số. Thị trường chuyển đổi số toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025, từ mức 470 tỷ USD vào năm 2020. Ngoài ra, 65% GDP toàn cầu sẽ được số hóa vào năm 2022.
Vị chuyên gia cũng dẫn chứng bài học thành công của Ấn Độ, đất nước đi lên từ việc gia công, tích luỹ và xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo lập nền tảng giáo dục. Việt Nam cũng có thể làm được điều tương tự.
Tuy vậy, trước khi tiến đánh thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp cần giải quyết tốt bài toán thị trường trong nước. Điều này giúp các công ty nhanh chóng nắm bắt được xu hướng thị trường và thích ứng với các yêu cầu mới. Bên cạnh đó, phải xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực chuyên môn, giỏi ngoại ngữ và nhạy bén với những thay đổi.