Chuyên gia: Đã xuất hiện những rủi ro cho tăng trưởng
(DNTO) - Biến động kinh tế thế giới và chính sách bảo hộ thương mại từ các cường quốc có thể làm giảm đà tăng trưởng của Việt Nam. Thêm vào đó, áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá vẫn có thể ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu và sức mua của người tiêu dùng trong nước.
Tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” diễn ra vào sáng 3/1, TS.Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá nền kinh tế toàn cầu năm 2024 đã có xu hướng hạ cánh mềm hậu đại dịch.
Với Việt Nam, dù đối mặt với không ít thách thức, nền kinh tế đã thể hiện sức bật mạnh mẽ, từ tăng trưởng xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến sự phục hồi ấn tượng của ngành dịch vụ và tiêu dùng nội địa.
Về triển vọng tăng trưởng năm 2025, các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của nền kinh tế trong năm 2025, dự kiến đạt mức 6,5%. Các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển. Đồng USD suy yếu và chính sách giảm lãi suất của Fed hỗ trợ kinh tế vĩ mô sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu, đặc biệt vào Hoa Kỳ. Việt Nam có thể tận dụng chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ để nâng vị thế cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Việt nhận định không ít những rủi ro cho tăng trưởng cũng đã xuất hiện. Rủi ro rõ nhất là biến động kinh tế thế giới và các xu thế chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước lớn có thể giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát vẫn còn. Dù lạm phát 2024 dự kiến dưới 4,5%, nhưng áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua.
Chưa kể, các cuộc xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ làm phân mảng kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu, nhất là các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu như Việt Nam.
Ở trong nước, Việt Nam đối diện với không ít thách thức nội tại. Theo TS Việt, biến đổi khí hậu và dân số già hóa nhanh chóng đang là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự ổn định tài chính vĩ mô của Việt Nam trong dài hạn.
Bổ sung thêm, TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho biết các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng là giải ngân đầu tư công còn chậm, không đồng đều.
Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến pháp lý, chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững, thiếu lao động, năng suất thấp trong khi yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao.
Việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm. Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn và thị trường bất động sản phục hồi chậm, giá cao. Những chính sách cho lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh… còn chậm…
Để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao hơn, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, theo chuyên gia của VEPR, Việt Nam cần tập trung xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và phải đáp ứng được xu hướng thương mại – đầu tư toàn cầu.
“Nếu chúng ta đưa ra chính sách và việc thực thi chính sách không đồng nhất, trùng khớp với xu thế thương mại - đầu tư toàn cầu, cũng như xu thế sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thì sẽ khó nâng cao được vị thế cũng như năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như doanh nghiệp", ông Việt nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7% được đặt ra cho năm 2025, các giải pháp quyết liệt về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết.
Theo đó, cần tập trung giải quyết các rào cản, điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế theo hướng phá bỏ những quy định, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp với cơ chế thị trường.
“Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế”, TS Cung nhấn mạnh.