Chuyên gia: Cần có kế hoạch điều chỉnh giá điện theo mùa vụ
(DNTO) - Việc giữ giá điện thấp lâu dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, gây áp lực lớn lên nền kinh tế trong khi chủ yếu mang lại lợi ích cho doanh nghiệp FDI. Vì vậy cần tạo ra thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo an ninh lương thực.
Diễn đàn Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sáng 6/12 đặt ra vấn đề thị trường năng lượng của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện, chưa theo kịp tốc độ phát triển của các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến tình trạng quá tải và lãng phí. Các chính sách khuyến khích đầu tư chưa đồng bộ, khung pháp lý còn nhiều bất cập, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về tính ổn định của môi trường kinh doanh.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thách thức của ngành năng lượng một phần đến từ việc giữ giá điện thấp. Giá điện thấp đã hạn chế thu hút đầu tư vào ngành, đặc biệt trong các dự án công nghệ cao tiêu thụ năng lượng lớn. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài với công nghệ lạc hậu tận dụng lợi thế giá năng lượng rẻ để đầu tư, kéo theo việc khai thác tài nguyên quá mức và phát thải khí nhà kính tăng cao.
Thống kê cho thấy mức tiêu thụ điện năng trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng 33,5% mức trung bình thế giới, trong khi lượng phát thải CO2 từ hoạt động năng lượng lại tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010 - 2020. Hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế thấp, khiến Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ điện/GDP cao nhất.
“Giá điện thấp không thực sự mang lại lợi ích lớn cho người dân nghèo mà chủ yếu ưu đãi các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ quả là ngân sách nhà nước chịu áp lực lớn trong việc duy trì nguồn cung và hỗ trợ hạ tầng, đồng thời tạo ra những bất cập về cơ cấu đầu tư và phân bổ nguồn lực”, ông Thiên phân tích.
Vị chuyên gia cho rằng để phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh cần một cách tiếp cận mới về tư duy thị trường, chuyển từ chính sách hỗ trợ giá thấp sang cơ chế cạnh tranh thị trường, chủ động đẩy mạnh quá trình thị trường hóa điện song hành cùng giá điện.
Ông Thiên đề xuất triển khai cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất và giá theo sản lượng tiêu thụ). Đây là giải pháp hiệu quả đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, trong đó có Trung Quốc. Cơ chế này không chỉ khuyến khích đầu tư vào năng lượng mà còn giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, cân bằng cung cầu và giảm áp lực lên hệ thống năng lượng quốc gia.
“Để giá điện thực sự mang tính thị trường và công bằng trong xã hội, cần tách bạch vai trò giữa nhà nước và thị trường. Cần trả lại vai trò doanh nghiệp đích thực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng thời đẩy nhanh việc hình thành cơ chế giá điện 2 thành phần cũng như chủ động có kế hoạch điều chỉnh giá điện theo mùa vụ, trừ trường hợp bất thường”, ông Thiên kiến nghị.
Hiện nay nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước còn hạn chế, dẫn đến phụ thuộc ngày càng tăng nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Việc tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia. Dự báo, từ năm 2020 - 2030, nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và 2050 tăng gấp 8 lần so với 2019. Điều này cho thấy, có 3/4 năng lượng tiêu thụ của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu.
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là phù hợp. Đối với việc đẩy mạnh các dự án năng lượng tái tạo như gió và mặt trời cần đi đôi với việc khắc phục bất cập trong vận hành, chẳng hạn như các dự án đã hoàn thành nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo của Đài Loan, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội cho biết từ năm 2009, Đài Loan đã ban hành Đạo luật phát triển năng lượng tái tạo, mở đường cho phát triển năng lượng tái tạo.
Đạo luật quy tụ nhiều doanh nghiệp tham gia với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo nhằm tách khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng có hạn, góp phần giảm lượng khí thải carbon và ngăn chặn những thảm họa do sự nóng lên toàn cầu gây ra.
“Theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo cần tập trung vào các chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Vì vậy, cần chuyển sang cơ chế đấu thầu để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư được chọn lựa để phát triển sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất”, bà Bình đề cập.