Doanh nghiệp chịu tác động kép khi giá điện tăng gần 5%, lo ngại CPI tăng 0,33%
(DNTO) - Với việc điều chỉnh giá điện tăng thêm 4,8%, nâng tổng mức tăng giá điện gần hai năm qua lên tới trên 12%, khiến giá thành sản phẩm leo thang, đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Rủi ro lớn nhất nếu lạm phát cuối năm tăng cao, sẽ tạo nên lạm phát kỳ vọng, gây áp lực cho việc điều hành giá của năm 2025.
Doanh nghiệp chật vật trong bối cảnh tổng cầu còn yếu
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố quyết định tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8%. Giá điện chính thức tăng từ 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định giá bán lẻ điện. Với khách hàng kinh doanh dịch vụ, 547.000 khách hàng, mỗi hộ trả bình quân tăng là 247.000 đồng. Còn với hộ sản xuất là 1,921 triệu khách hàng, mức tăng này thì sẽ làm tiền điện tăng lên 499.000 đồng/tháng; khách hàng xí nghiệp là 691.000 khách hàng, tăng thêm 91.000 đồng.
Thực tế, việc tăng giá điện của EVN trong năm nay là 4,8%, nhưng nếu cộng dồn cho cả 2 năm qua thì mức tăng đã tới trên 12%, tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp và người sử dụng điện.
Giới phân tích nhận định, không chỉ có xăng, dầu mà nước và điện cũng là những mặt hàng ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân khi lo ngại mặt bằng giá cả hàng hóa tăng lên. Với các doanh nghiệp sản xuất phải sử dụng lượng điện tiêu thụ nhiều như luyện kim, hóa chất, may mặc… thì tác động của việc điều chỉnh giá điện có thể thấy ngay lập tức.
"Ước tính chi phí điện chiếm khoảng 10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép. Trong khi với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất, mức này khoảng 9%. Đáng chú ý nhất là lĩnh vực xi măng, do chi phí điện chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán. Còn với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp", Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho hay.
Ông Đào Ngọc Nam, Tổng Giám đốc Công ty UBOFOOD Việt Nam (đơn vị phân phối, cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn lớn tại Hà Nội), cho biết không chỉ là chi phí tiền điện tăng mà các chi phí khác cũng gián tiếp tăng theo giá điện, trong đó giá cả các sản phẩm thực phẩm đầu vào cũng tăng theo.
Vì vậy doanh nghiệp sẽ chịu tác động kép khiến chi phí bị tăng thêm, trong khi doanh nghiệp chưa thể tăng giá bán ngay để giữ ổn định cho khách hàng.
"Trong trường hợp doanh nghiệp chuyển chi phí điện tăng bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào. Tuy nhiên trong bối cảnh sức cầu còn yếu, nhiều doanh nghiệp cho biết rất khó khăn và cân nhắc trong việc tăng giá bán", đại diện doanh nghiệp cho hay.
'Giá điện tăng 10% sẽ tác động làm tăng CPI 0,33 điểm %'
Bình quân 9 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức 4,12% cách đây chỉ hai tháng. Nguyên nhân là do mức nền của cùng kỳ năm ngoái cao hơn về cuối năm giúp lạm phát năm nay có xu hướng giảm nhẹ.
Đây được cho là mức kiểm soát tốt, tạo dư địa khá rộng rãi cho việc kiểm soát lạm phát từ nay tới cuối năm. Tuy nhiên, nếu như lạm phát trong những tháng cuối năm liên tục tăng cao thì sẽ tạo nên lạm phát kỳ vọng, gây áp lực cho việc điều hành giá của năm 2025.
Đặc biệt, việc điều chỉnh giá các dịch vụ do nhà nước quản lý như việc tăng giá điện 4,8% vừa qua có thể gây áp lực lên lạm phát, nhất là quý IV thường trong giai đoạn lạm phát mùa vụ tăng cao. "Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá điện cứ tăng 10% thì sẽ tác động làm cho CPI tăng 0,33 điểm %", bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê nói.
Nêu quan điểm về vấn đề tăng giá điện, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, với mức lỗ của EVN đang gánh hiện nayviệc tăng giá điện là điều "một sớm một chiều", không thể không thực hiện.
"Vấn đề là sau trận bão lũ vừa qua ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp tại các tỉnh phía bắc, dự báo GDP có thể bị giảm khoảng 0,18 - 0,2%. Tăng giá lúc này lại là một gánh nặng cho họ", ông Thịnh băn khoăn.
Rõ ràng, nguyên tắc "vàng" của điều hành giá điện là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý đã được tính đúng, tính đủ. Nếu làm được điều này thì không có hệ quả lỗ của ngành điện, không có việc lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, trong đó có giá điện. Thế nên, phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường.
Ngoài ra, với việc duy trì một cơ chế giá bán điện có sự trợ giá, bù lỗ thì EVN sẽ tiếp tục lỗ về lâu dài và không có đủ nguồn lực để đầu tư các dự án lớn. Do đó, cần phải cải cách cách tính giá điện càng sớm càng tốt.
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm về "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp", ngày 10/10, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường, giá điện cũng phải tách bạch chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo.