Nhiều nhà đầu tư nước ngoài không còn đủ kiên nhẫn chờ điện gió ngoài khơi
(DNTO) - Đến nay chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được quyết định chủ trương và giao chủ đầu tư. Một số nhà đầu tư nước ngoài không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi cơ hội từ Việt Nam.
Thông tin mới nhất từ Reuters cho biết tập đoàn năng lượng Enel của Ý đang chuẩn bị rút khỏi Việt Nam. Đây là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới về năng lượng tái tạo, quản lý hơn 1.300 nhà máy với tổng công suất lắp đặt khoảng 64 GW trên toàn cầu. Trước đó, vào năm 2022, Enel cho biết có kế hoạch đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời Việt Nam.
Cuối tháng 8 vừa qua, tập đoàn năng lượng lớn nhất Na Uy là Equinor cũng quyết định ngừng hoạt động phát triển kinh doanh tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên “ông lớn” này đóng cửa văn phòng đại diện phụ trách phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở nước ngoài, mảng kinh doanh đang được doanh nghiệp chú trọng.
Cuối năm 2023, tập đoàn Orsted (Đan Mạch cũng quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam chỉ sau 2 năm hợp tác. Quyết định của “ông trùm” điện gió lớn nhất thế giới được đưa ra ngay trước khi Quy hoạch điện 8 của Việt Nam được phê duyệt. Mặc dù trước đó, tập đoàn đã dành nhiều thời gian và chi phí cơ hội cho thị trường này. Lý do mà Orsted đưa ra là sự chậm trễ và thiếu rõ ràng trong các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ các dự án điện gió ngoài khơi.
Điều này cho thấy các nhà đầu tư không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi cơ hội từ Việt Nam, dù đây là một thị trường vô cùng tiềm năng. Nói cách khác, chúng ta vẫn chưa thể có chính sách, cơ chế rõ ràng trong việc lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế giá và mua bán điện… để các nhà đầu tư yên tâm xuống tiền.
Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phát triển khoảng 6.000 MW điện gió ngoài khơi và đến năm 2050 là 70.000 MW đến 91.000 MW điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện.
Theo Bộ Công thương, Quy hoạch điện 8 được duyệt và kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 7 cũng chưa đủ cơ sở xác định được cụ thể vị trí, công suất các dự án điện gió ngoài khơi. “Việt Nam chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió và tiềm năng gió từng vùng, địa phương cũng như tổng thể toàn quốc, hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển", Bộ Công Thương nhận định.
Theo bộ này, nhiều chuyên gia nhận định suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5 tỉ USD/1.000 MW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện 8 đạt 6.000 MW vào năm 2030 là rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T cho biết, với xuất phát điểm là con số 0, mục tiêu 7 năm để hoàn thành 6.000 MW là rất khó. Bởi phát triển một dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, chỉ riêng giai đoạn khảo sát địa vật lý, thủy văn, đo gió…, có thể đã mất vài ba năm.
Do vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành trong việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho điện gió ngoài khơi. Nên coi đây là một ngành công nghiệp mới, được khuyến khích đầu tư phát triển, cần có tầm nhìn dài hạn.
Theo vị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xem xét cấp phép cho khảo sát, đo gió cho các dự án điện gió ngoài khơi. Chính phủ và các Bộ ngành xem xét cho thực hiện giai đoạn chuyển tiếp trước khi thực hiện chính sách đấu thầu, đấu giá phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
“Giai đoạn này được kiến nghị áp dụng cho 6.000MW đầu tiên giai đoạn đến 2030. Đây là giai đoạn đầu khởi động, định hình phát triển một ngành công nghiệp mới, hiện đại ở Việt Nam. Do vậy, Chính phủ có thể xem xét bắt đầu bằng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, trên cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chí rõ ràng, chứng minh được về năng lực, kinh nghiệm, tài chính...”, ông Cường kiến nghị.
Tại Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam tổ chức mới đây, chính đại diện của Tập đoàn Equinor cũng chia sẻ một dự án điện gió ngoài khơi thường mất 7-10 năm để phát triển (kể từ khi được phép khảo sát khu vực biển). Vì vậy Chính phủ khi mời đầu tư phải đảm bảo giá điện tăng ít nhất theo chỉ số lạm phát và cơ chế giá đó phải đảm bảo khả năng vay vốn ngân hàng của nhà đầu tư trong hợp đồng mua bán điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng phải cam kết với nhà đầu tư về điểm đấu nối trên bờ và hạ tầng lưới điện tiếp nhận công suất điện gió theo đúng tiến độ dự án.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 600 GW, triển vọng nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035. Bộ Công Thương cho biết đang hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.