Khó cả 3 bên khi không có cơ chế đặc thù cho điện tái tạo
(DNTO) - Bên quản lý, bên bán, bên mua đều khó khăn khi các cơ chế về tiêu chuẩn kĩ thuật, cơ chế giá điện... vẫn vướng như hiện nay.
Người mua, người bán đều lo ngại
Theo Quy hoạch điện 8, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung. Việc phát triển nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hoà carbon đến năm 2050. Tuy nhiên, theo tính toán thời gian để một dự án điện khí, điện gió ngoài khơi đi vào vận hành mất 7-8 năm. Trong khi hiện tại, những vưỡng mắc về cơ chế, chính sách chưa được giải quyết, thì việc đạt mục tiêu về các sản lượng điện đến năm 2030 là rất khó khăn.
Là một nhà đầu tư đang thực hiện kế hoạch quy hoạch điện 8, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết ngoại trừ hydrogen, các lĩnh vực liên quan như điện khí, điện gió ngoài khơi đang được tập đoàn rốt ráo triển khai. Nhưng do thiếu cơ chế, chính sách về điện gió, điện khí nên rủi ro cho các nhà đầu tư như PVN là rất cao.
Đơn cử như Luật Đầu tư năm 2020 không định nghĩa cụ thể dự án như thế nào là “dự án có sử dụng đất”. Luật Đất đai hiện hành không có định nghĩa “đất” nói chung mà chỉ quy định về “đất có mặt nước” là một loại đất, còn lòng đất dưới đáy biển thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam... trong khi Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vì vậy, trong Quy hoạch điện 8 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 chưa xác định được tên, địa điểm, quy mô công suất, phương án đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi, chưa có cơ sở để thực hiện khảo sát, đo đạc, điều tra, đánh giá tác động làm cơ sở lập dự án đầu tư điện gió ngoài khơi..
“Do tương đồng nên các dự án điện gió ngoài khơi được các nước gắn với hoạt động dầu khí ngoài khơi như: khảo sát đáy biển, điều tra... Điều này PVN hoàn toàn làm được, vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch, chưa có địa điểm, chưa có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt”, đại diện PVN nói trong cuộc họp với Bộ Công thương về triển khai dự án điện khí, điện gió ngoài khơi hôm 25/12.
Ở góc độ bên mua điện ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tất cả những khó khăn vướng mắc hiện nay rất khó giải quyết vì cơ chế giá. Do vậy nếu giải quyết được cơ chế đầu vào và đầu ra theo thị trường, sẽ khuyến khích được các nhà đầu tư.
"EVN là doanh nghiệp duy nhất bị quản lý theo chế độ đầu vào theo thị trường nhưng đầu ra lại theo sự điều tiết, quản lý giá của Nhà nước. Do vậy, Tập đoàn rất khó hoàn thành nhiệm vụ được giao", ông Tuấn nói.
Theo TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết nếu xác định mua cao bán thấp chỉ có 2 con đường: EVN thua lỗ hoặc nhà nước phải cấp bù hoặc chính sách giảm thuế, phí làm sao để hạ chi phí.
“Đầu vào theo thị trường, đầu ra theo Nhà nước mà không tăng giá thì muôn đời không làm được”, ông Thoả nói.
Cần cơ chế đặc thù
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết cơ chế mua bán điện cần phải làm rõ hơn. Bài học bảo lãnh từ Lọc Hóa dầu Nghi Sơn cho thấy khi Nhà nước can thiệp vào giá, thì phải có cơ chế để đảm bảo việc mua bán.
Tiếp theo là cơ chế chính sách về thuế và tài chính. Thực tế, những tập đoàn lớn nhất khi đầu tư xây dựng các nhà máy điện khí, điện gió, điện ngoài khơi… hàng chục tỷ USD đều phải đi vay. Vấn đề quan trọng là phải có người bảo lãnh, đảm bảo có khả năng trả nợ, thì họ mới dám đi vay. Nhưng hiện cũng chưa có cơ chế cho việc này.
“Nếu theo thị trường thì phải có cơ chế phù hợp, lúc đó, doanh nghiệp bỏ ra hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy điện khí điện gió mới yên tâm”, ông Thịnh nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, cho rằng cần phải có nghị quyết triệt để của Quốc hội cho phép Chính phủ, các bộ, ngành và các doanh nghiệp được triển khai song song với quá trình hoàn thiện các khung khổ pháp lý.
“Nếu chờ sửa đổi, bổ sung từ Luật đầu tư đến Luật điện lực, Luật giá, Luật đấu thầu... sẽ rất lâu. Bộ Công Thương cần tham mưu cho Chính phủ, đề xuất với Quốc hội một nghị quyết triệt để triển khai quyền bình đẳng trong đó có tất cả các nguồn điện như điện gió ngoài khơi, điện khí, điện khí LNG…”, ông Thập kiến nghị.
TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng nhiệm vụ phát triển năng lượng hiện nay rất cấp bách, cần phải có những cách làm mới, quyết liệt, thậm chí có việc phải như “thời chiến”.
Vị chuyên gia khuyến nghị Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, liệt kê các vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc và phân định rõ từng vấn đề của từng Bộ, ngành, địa phương quản lý, chịu trách nhiệm để báo cáo Chính phủ, từ đó báo cáo lên Quốc hội, Bộ Chính trị để có hướng chỉ đạo giải quyết sớm.
“Trước hết đề nghị giải quyết vấn đề giá điện theo cơ chế thị trường mềm dẻo hơn. Đồng thời cần lập nhóm tổng hợp gồm các chuyên gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế - năng lượng… để cùng phối hợp giải quyết. Mặt khác, cần báo cáo Bộ Chính trị giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế khoán, cơ chế giá điện, cơ chế lập các nhóm công tác để tận dụng tiềm năng điện gió và các vấn đề cấp bách khác…”, ông Doanh nói.