'Cắt' 20% tổng dư nợ tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng sẽ phải chịu áp lực ra sao?
(DNTO) - Mới đây, với việc "mạnh tay" chi gói hỗ trợ lãi suất 2%, sự trợ lực này đã đáp ứng niềm mong mỏi cho doanh nghiệp trong bối cảnh đang rất khát vốn để phục hồi. Tuy nhiên, con số rất lớn về gói hỗ trợ lãi suất này cũng đòi hỏi ngành ngân hàng phải tính toán thận trọng.
Đòi hỏi những "bước đi" cẩn trọng
Dịch bệnh diễn biến khó lường với sự xuất hiện của các biến chủng mới khiến triển vọng kinh tế, lạm phát toàn cầu năm 2022 khó dự báo, đặt ra những khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt. Tuy nhiên theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, năm 2022, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục tập trung hỗ trợ tối đa vốn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, hướng dòng tiền vào những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, mới đây, với việc thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, ước tính lượng tín dụng lãi suất ưu đãi chảy ra thị trường có thể lên tới 2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế thời điểm hiện tại. Con số "khủng" này được hứa hẹn sẽ trợ lực hiệu quả cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và phục hồi, bởi điều mong mỏi lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay chính là câu chuyện vốn để quay trở lại sản xuất, bắt nhịp với yêu cầu mới của thị trường.
Nêu quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, gói hỗ trợ phải có quy trình rõ ràng. Ngoài ra, cần hạch toán, quyết toán thông suốt, nhất là đối với hệ thống ngân hàng. Ngân hàng không thay đổi điều kiện tín dụng, không thay đổi hạn mức tăng trưởng tín dụng và không thay đổi lãi suất cho vay. Những đối tượng được ngân sách tài trợ lãi suất thì sẽ nhận từ ngân sách. Doanh nghiệp, hộ gia đình đều có quan hệ trực tiếp với ngân sách trong việc nộp thuế, quyết toán thuế hàng năm, có thể cấn trừ những khoản này, tránh đi vào bảng cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng vô cùng phức tạp.
Bà Bùi Thuý Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thông tin, hiện, mặt bằng lãi suất giảm so với năm 2020 khoảng 0,5-0,7% là mức giảm khá lớn so với các nước trong khu vực. Với bối cảnh lạm phát năm 2022, việc tiếp tục hạ lãi suất thời gian tới thực sự không khả thi, có thể gây xáo trộn lớn cho nguồn vốn, ảnh hưởng đến thanh khoản toàn hệ thống.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng dù hướng tới phục hồi hay phát triển kinh tế thì vấn đề đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng vẫn là then chốt, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng.
Đặc biệt, thẳng thắn nhìn nhận, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, "Đây là gói kích thích gián tiếp và các quốc gia gần như không bao giờ dùng vì họ quan niệm việc kéo hệ thống ngân hàng thương mại vào trong bất kỳ gói kích thích kinh tế nào đều vô cùng nguy hiểm.
"Không thể để bài học năm 2009 tái hiện bằng việc triển khai dàn trải, lạm phát leo thang, hay đầu tư chệch hướng, nhìn dòng tiền rẻ chạy vào các thị trường tài sản, gây bong bóng chứng khoán, bất động sản... Nếu đã làm thì phải có thay đổi để không làm ảnh hưởng tới lãi suất thị trường, không làm ảnh hưởng đến ngân hàng thương mại.", ông Nghĩa nói.
Ngân hàng sẽ phải điều tiết ra sao?
Gói hỗ trợ trên đây đã nói lên nỗ lực lớn của ngành ngân hàng trong việc đồng lòng, sẻ chia với nền kinh tế vượt qua đại dịch, nhất là khi bản thân hệ thống ngân hàng cũng phải đối mặt với các rủi ro do đại dịch gây ra. Khả năng trả nợ của doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình suy giảm tiềm ẩn rủi ro gia tăng nợ xấu, làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro.
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, việc bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng trong bối cảnh mới là vô cùng quan trọng để bảo đảm cung ứng và lưu thông vốn phục vụ nhu cầu phục hồi kinh tế.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022.
Cụ thể, thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng.
"Yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ phù hợp, nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra. Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục "thắt lưng buộc bụng" để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh…", thống đốc nhấn mạnh.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết làm sao để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, có nguồn cung tín dụng, đáp ứng được nhu cầu của gói này. Song, dù hướng tới mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhưng không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Theo đó, thống đốc yêu cầu hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật.
"Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp", bà Hồng nhấn mạnh.
Đồng thời, nhận diện rõ tác động của dịch bệnh dẫn đến những khó khăn của doanh nghiệp không trả được nợ, tất yếu là nợ xấu sẽ tăng lên, đây là thử thách mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt.
"Ngân hàng Nhà nước đã và đang xác định quy mô, mức độ nợ xấu có thể diễn ra trong năm 2022 và những năm tới để có những giải pháp ứng xử một cách thích hợp. Trên cơ sở vừa ngăn chặn vừa kiểm soát không để nợ xấu tăng thêm, nhưng cũng có những biện pháp cụ thể về hành lang pháp lý cần thiết để trình Quốc hội và Chính phủ, để nâng Nghị quyết 42 trở thành Luật Xử lý nợ xấu", bà Hồng nói.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nguồn lực cho các nhóm đối tượng phù hợp, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục những hạn chế của những gói hỗ trợ trước.
"Vấn đề huy động nguồn lực đòi hỏi sự phối hợp rất chặt chẽ của chính sách tiền tệ đối với chính sách tài khóa. Đặt mục tiêu sẽ tăng vốn điều lệ và được chủ động về quy mô tăng trưởng tín dụng hằng năm cho các ngân hàng thương mại nhà nước để nuôi dưỡng nguồn thu", bà Hồng nhấn mạnh.