Góc nhìn đại biểu: 'Không để ngân hàng móc nối doanh nghiệp trục lợi chính sách'
(DNTO) - Phát biểu tại Phiên thảo luận Quốc hội ngày 7/1, đại biểu đoàn Thái Bình cảnh báo việc cần có cơ chế giám sát, tránh trường hợp doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, hoặc ngân hàng ưu tiên doanh nghiệp "sân sau" để hưởng % chênh lệch, do lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi.
Nhấn mạnh tầm quan trọng việc ổn định kinh tế vĩ mô, tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình), cho rằng nếu lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp phải chạy theo "vòng xoáy" vay nợ thì lợi ích của chương trình sẽ bị suy giảm.
"Đừng vì ‘một con sâu” nâng khống giá, không xem xét đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ. Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để đảm bảo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng trả nợ trong tương lai. Trong đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp là một trọng tâm. Nhưng hỗ trợ thế nào là vấn đề cần được tính toán cẩn trọng", ông Huy nêu quan điểm.
Theo ông Huy, Chính phủ cần lưu ý một số vấn đề như xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp đáp ứng đúng nhu cầu. Tính toán khả năng, sức hấp thụ của ngành đó đến đâu, phương pháp hỗ trợ thế nào để cân đối giữa ngắn hạn trước mắt và đầu tư phát triển lâu dài.
"Cần cung cấp cho doanh nghiệp hướng đi, cách đi, cung cấp "cần câu" chứ không phải "con cá. Do đó chính sách tài khóa cần xác định trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải”, ông Huy nói.
Ông Huy cũng thẳng thắn cảnh báo việc cần có cơ chế tránh trường hợp doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, hoặc ngân hàng ưu tiên doanh nghiệp "sân sau", tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại gửi ngân hàng để đáo nợ hoặc hưởng % chênh lệch do lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi.
Cụ thể, có tình trạng, một số doanh nghiệp được "ưu tiên" mang USD gửi ngân hàng với lãi suất 0%, sau đó lấy sổ tiết kiệm ngoại tệ này đi vay tiền đồng với lãi suất khá thấp, tầm 5-6% một năm. Từ số tiền này, lại gửi tiếp vào ngân hàng hưởng lãi suất tiền gửi VND 7-8% một năm.
"Như vậy, họ vừa hưởng chênh lệch tiền đồng trên dưới 2%, lại kỳ vọng vào sự tăng giá của đồng USD. Tuy nhiên, đây chỉ mới là số ít, chưa thành xu hướng nhưng cần theo dõi chặt chẽ tình trạng này để có hướng xử lý phù hợp, tránh để dòng vốn chạy lòng vòng, tạo ra sự tăng trưởng ảo trong tín dụng", ông Huy nói.
"Chúng ta nên tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có sức lan toả rộng, đề nghị giám sát chặt đối tượng vay vốn, không để xảy ra tình trạng mất vốn vì đối tượng vay không có khả năng chi trả...", ông Huy cho hay.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) đề nghị, phương án huy động vốn cần xác định rõ hơn số vốn vay trong nước và số vốn vay nước ngoài. Trong đó, nên tập trung ưu tiên huy động vốn trong nước là chủ yếu, vốn vay nước ngoài cũng quan trọng nhưng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về thời gian vay, ân hạn trả nợ, lãi suất không phải là hấp dẫn, hơn nữa cần ràng buộc nhiều điều kiện khác.
“Đề nghị các ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận với chính sách. Đồng thời, kiểm soát chặt nguồn vốn cho vay. Tránh tình trạng vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà lại mang đi đầu tư vào lĩnh vực rủi ro sẽ gây thiệt hại nền kinh tế", ông Hải nói.