Cần mở nhiều 'ổ khóa' để thị trường trái phiếu rộng cửa trở lại
(DNTO) - "Đoạn trường" trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa qua, khi 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu giảm mạnh tới 78% so với cùng kỳ. Nếu không có chính sách đột phá để hỗ trợ thị trường, thì số vụ vỡ nợ trái phiếu sẽ còn gia tăng trong bối cảnh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp liên tục "cài số lùi".
Các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã nhen nhóm trở lại nhưng vẫn còn mối lo canh cánh khi giá trị đáo hạn 5 tháng cuối năm 2023 lên tới 132.637 tỷ đồng. Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 7/2023, có 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 5.180 tỷ đồng và 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 7.500 tỷ đồng.
Trước tình trạng này, cơ quan quản lý đã liên tục đưa ra các giải pháp để phát triển thị trường. Một trong những giải pháp được cơ quan quản lý quyết liệt thực hiện là đưa vào hoạt động hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ ngày 19/7. Kỳ vọng là vậy, song theo đánh giá chung sau 3 tuần đi vào hoạt động thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới chỉ đạt giá trị giao dịch gần 5.000 tỷ đồng, với 30 mã trái phiếu phát hành riêng lẻ lên sàn. Hiện hệ thống trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa giúp gia tăng các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp.
Ghi nhận, trong quý 2/2023 có 29 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước thành công với tổng giá trị huy động khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý 1 và giảm tới 83,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, có khoảng hơn 70.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với quý 1. Gần 40% số này đến từ nhóm bất động sản; 37,1% thuộc về nhóm tài chính - ngân hàng.
Từ đầu năm đến cuối tháng 7, đã có khoảng 82 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu với ước tính tổng giá trị của trái phiếu chậm trả là khoảng 183.000 tỷ đồng, chiếm 17% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường. Bất động sản là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 73% lượng chậm trả.
Tại mùa Đại hội cổ đông thường niên 2023, nhiều doanh nghiệp chia sẻ áp lực về tái cơ cấu nguồn vốn nhằm trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2023. Điển hình như tại Bất động sản Phát Đạt, Chủ tịch công ty chia sẻ về việc trong lúc khó khăn nhất, đã chấp nhận bán tài sản 300 tỷ đồng với giá 200 tỷ đồng để có được dòng tiền hỗ trợ công ty.
Số vụ vỡ nợ trái phiếu gia tăng trong bối cảnh kết quả kinh doanh chưa khả quan của các doanh nghiệp và động thái kiểm soát chặt tín dụng bất động sản của ngành ngân hàng cho thấy khó khăn có thể kéo dài.
Mới đây, xây dựng 3 kịch bản về vỡ nợ trái phiếu đến cuối năm 2023, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings cho rằng: Kịch bản thấp: Tỷ lệ vỡ nợ đối với trái phiếu bất động sản ở mức 30% và phần lớn trái phiếu được cơ cấu lại bằng cách gia hạn đến 2 năm theo quy định của Nghị định 08.
Kịch bản cơ sở: Tỷ lệ vỡ nợ của trái phiếu bất động sản tăng lên 40%, với số lượng hạn chế các trái phiếu cơ cấu thành công. Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu doanh nghiệp đã được sửa đổi, nhưng chỉ một số ít tổ chức phát hành sẽ được tái cấp vốn bởi ngân hàng. Quá trình pháp lý và cấp phép dự án bất động sản đã được nối lại, nhưng số lượng dự án sẽ rất chọn lọc và chỉ các nhà phát triển bất động sản lớn mới được hỗ trợ. Một số tổ chức phát hành tốt có thể phát hành trái phiếu, kể cả chào bán ra công chúng.
Kịch bản xấu: Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu tăng lên 50% (như Trung Quốc), ảnh hưởng không nhỏ đến các ngân hàng, bởi chất lượng tín dụng của các nhà phát triển bất động sản suy yếu do vấn đề thanh khoản và lợi nhuận sụt giảm, khoản vay mua nhà đã hết thời hạn ưu đãi và đến hạn phải trả gốc và lãi, trong bối cảnh thu nhập của người mua nhà giảm, đó là chưa kể vỡ nợ chéo từ trái phiếu bất động sản.
Cần tháo thêm "nút thắt"
Nhiều chuyên gia đều có chung một quan điểm khi cho rằng, điều mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản cần nhất hiện nay là các khoản tín dụng mới để hoàn thành quy trình các dự án đang dở dang hoặc hoàn thiện xây nốt đến khi đủ điều kiện mở bán.
Trong khi đó, việc cấp tín dụng mới thì bên cạnh việc khoanh, giãn các món nợ cũ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản, lại động chạm rất nhiều các trần rủi ro, bao gồm trần rủi ro nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản và trần rủi ro tín dụng của các ngân hàng muốn cấp tín dụng.
Phải thừa nhận, chính sách giãn, hoãn nợ đối với tín dụng ngân hàng theo Thông tư 02 và tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị định 08 có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm áp lực nợ đến hạn cho các tổ chức phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, về bản chất, chất lượng tín dụng của doanh nghiệp không thay đổi.
Đặc biệt mới đây, để tăng thanh khoản cho thị trường, ngày 11/8, NHNN cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16 theo hướng tăng cường minh bạch và thanh khoản của thị trường trái phiếu, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả. Song, các chuyên gia băn khoăn, không rõ các giải pháp của Thông tư 16 sửa đổi sắp tới đây có mang lại “tiền tươi” cho doanh nghiệp hay không.
"Nếu không có gì "đột phá" hơn Nghị định 08, thì việc sửa đổi Thông tư 16 lần này vẫn chưa đạt được mức độ kỳ vọng của thị trường, mới chỉ dừng lại là liều “doping tinh thần” cho các doanh nghiệp bất động sản mà thôi", TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhìn nhận.
Rõ ràng, muốn hỗ trợ thị trường bất động sản thì căn cơ là ổn định nguồn vốn, đương nhiên trong đó có vai trò của trái phiếu bất động sản. Nếu chỉ kêu gọi các ngân hàng hạ lãi suất và mở rộng các điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn thì chưa đủ, mà phải tạo không gian và niềm tin cho thị trường trái phiếu bất động sản hoạt động trở lại, lành mạnh và ổn định.
Một tín hiệu tích cực, từ đầu năm đến ngày 28/7, có 36 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 62,3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản. Mặc dù "như con chim sợ cành cong" sau vụ Vạn Thịnh Phát và một số doanh nghiệp bất động sản lâm vào tình trạng pháp lý, nhưng các nhà đầu tư vẫn quay trở lại với thị trường, chứng tỏ khả năng vực lại sức sống của trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay không phải quá xa vời.
Bởi vậy, để nhanh chóng khơi thông dòng vốn cho các nhà phát triển bất động sản, sự hỗ trợ về mặt pháp lý và đẩy nhanh quy trình cấp phép dự án là yếu tố quan trọng nhất giúp các nhà phát triển dự án bất động sản có thể vay vốn trở lại, tạo cơ hội “hạ cánh mềm”. Đây vẫn là giải pháp quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay.
Trong thực tế, các vấn đề pháp lý vẫn đang là điểm nghẽn không chỉ đối với khả năng vay vốn ngân hàng, mà còn đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Sự "sống" lại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp huy động được nguồn vốn rất lớn trong dân để bơm vào thị trường và đó cũng là "lực kéo" để tăng trưởng kinh tế.