'Hiểm họa' trái phiếu cận kề, nhiều chính sách giúp doanh nghiệp vượt khe cửa hẹp
(DNTO) - Trong tháng cuối cùng của quý II/2023, "sóng lỡ hẹn" trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn vẫn tăng nhiệt, trong khi dòng tiền huy động qua kênh này lại chảy “nhỏ giọt”. Khó khăn chồng chất khó khăn, sàn giao dịch trái phiếu chuẩn bị đưa vào vận hành, được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khe cửa hẹp.
Nhiều hỗ trợ nhưng thanh khoản không cải thiện
Cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà Nước đã ban hành liên tiếp hai thông tư gồm Thông tư 02 quy định về cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, và Thông tư 03 điều chỉnh hoạt động mua, bán trái phiếu của tổ chức tín dụng. Tuy vậy, tác động của chính sách này chỉ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian cơ cấu nợ, còn ở chiều ngược lại thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như chưa được cải thiện.
Bên cạnh đó, hiệu lực của thông tư chỉ kéo dài đến hết năm nay, nên đây chỉ là giải pháp tạm thời ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nói chung, hiện trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên kém hấp dẫn hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi cao và số trường hợp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu đang tăng lên.
Nghị định 08/2023 dù đã được bật đèn xanh cho giải pháp "hàng đổi hàng", hoán đổi trái phiếu bằng tài sản, nhất là bất động sản, nhưng thực tế, khả năng đàm phán thành công là rất hi hữu. Không chỉ khó đàm phán giãn, hoãn nợ, việc không đủ pháp lý của tài sản đảm bảo còn khiến hoạt động phát hành mới ngày càng khó khăn. Đó là lí do khiến tháng cuối cùng của quý II/2023 này, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi dòng tiền huy động được qua kênh này lại chảy “nhỏ giọt”. Khó khăn chồng chất khó khăn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán cũng tiếp tục kéo dài.
Theo báo cáo mới đây của VNDiect, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng trong tháng 6 "cao điểm" khi có khoảng hơn 35,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng 5/2023 số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 23/5/2023.
Nếu so cả năm, thì tháng 6 là tháng đỉnh điểm giá trị đáo hạn cao nhất so với các tháng còn lại trong năm 2023. Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 157,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Khoảng hơn 45,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.
Trong các văn bản công bố thông tin bất thường được gửi về Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), không ít lý do được nhiều doanh nghiệp "phân trần" để giải thích cho việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Đơn cử như ngày 13/6, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land cho biết tổ chức phát hành chưa thu xếp đầy đủ nguồn thanh toán đối với mã trái phiếu H79CH2124017.
Mới nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam thông báo chậm thanh toán đối với 5 mã trái phiếu. Công ty này đưa ra lý do tín dụng bị siết chặt, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, dòng tiền chủ đầu tư bị mất cân đối, dẫn đến tổ chức phát hành không thu xếp kịp nguồn tiền.
Vẫn biết “chữ tín quý hơn vàng”. Tuy nhiên, khi thị trường trái phiếu nói riêng và nhiều lĩnh vực khác nói chung như bất động sản, xây dựng,... đều đương cơn bĩ cực, thì không phải doanh nghiệp nào cũng giữ được đúng cam kết ban đầu với trái chủ.
Trong một cuộc họp cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, đã thẳng thắn thừa nhận: “Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán và bán chỉ 50% giá thực, và người mua là nước ngoài”. Mặc dù Bộ trưởng Dũng không nhắc đích danh doanh nghiệp thuộc ngành nghề nào đã xảy ra việc bán tài sản, tuy nhiên nhiều khả năng là có doanh nghiệp bất động sản, bởi đây là ngành đang hứng chịu cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vòng một thập niên qua và đã kéo dài gần một năm trời.
Chuyển chế độ nổ chậm cho 'bom' trái phiếu
Hiện vẫn còn khoảng 62 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong năm nay còn khoảng 195.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn có những cơ sở để kì vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sớm khởi sắc trở lại.
Điểm nhấn đáng chú ý nối tiếp các giải pháp tức thời cứu nguy thị trường, mới đây, Bộ Tài chính cho hay, sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 7/2023. Có hơn 1.600 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ được đưa vào giao dịch. Theo đó, nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu có thể bán công khai qua đây, từ đó kỳ vọng sẽ đưa thị trường trái phiếu riêng lẻ vào khuôn khổ.
Qua các vụ đổ vỡ trái phiếu tại các doanh nghiệp, thị trường thứ cấp đang gần như “đóng băng”, chỉ còn thị trường sơ cấp, nhà đầu tư cũng mất nhiều niềm tin với thị trường này. Do đó, việc hệ thống giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tập trung đi vào hoạt động, được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường, với cơ chế thanh toán tức thời T+0, đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, công chúng đầu tư có thêm thông tin về thị trường từ sơ cấp đến thứ cấp.
Theo các chuyên gia, "trụ" qua giai đoạn quý II, quý III/2023, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tồn tại cao hơn. Mặt khác, quý IV/2023 cũng là thời điểm mà các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bắt đầu “ngấm” vào thị trường, mở ra các cơ hội mới. Độ trễ của chính sách tiền tệ (giảm lãi suất) cũng nhiều khả năng kết thúc vào lúc này, đánh dấu cho một thời kỳ tiền rẻ mới – động lực quan trọng giúp kéo tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng để “tái hòa nhập” thị trường bất động sản, góp phần quan trọng giải "cơn khát tiền" cho doanh nghiệp.