'Đã đến lúc phải nâng cấp hệ sinh thái cho trái phiếu để ổn định kinh tế vĩ mô'
(DNTO) - "Xây dựng nền tảng tài chính lành mạnh cho tương lai đang đặt ra rất cấp bách. Tôi tin Chính phủ nhiệm kỳ này có thể thực hiện được và coi thách thức hiện giờ là một quyết tâm chiến lược để Việt Nam tạo ra một nền móng thật tốt trong thời gian tới", TS. Vũ Minh Khương khẳng định.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới trong tháng 4/2023 gần như đóng băng, trong khi doanh nghiệp chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn và thỏa thuận với trái chủ để kéo dài kỳ hạn trả nợ.
Lũy kế đến đầu tháng 5, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần 31.700 tỷ đồng, trong đó trái phiếu riêng lẻ chiếm 83%. Các doanh nghiệp đã mua lại gần 49.500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 48% cùng kỳ 2022.
Giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 5 là hơn 21.400 tỷ đồng, trong đó 45% là bất động sản (9.600 tỷ), hàng tiêu dùng chiếm 17%; ngân hàng và nguyên vật liệu lần lượt 12% và 14%.
Đánh giá về "sức khỏe" thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, tại tọa đàm "Ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường trái phiếu" ngày 28/5, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), cho rằng rủi ro thị trường vừa qua một phần do lãi suất phát hành quá cao trong bối cảnh tiền đồng ổn định so với USD khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.
"Lãi suất 13% so với thế giới là rất cao. Nếu dùng đòn bẩy quá cao, tức là hầu hết dựa vào trái phiếu, để đầu tư xây dựng thì càng khó nữa vì dễ bị lỗ", ông nói.
Trong khi đó, rủi ro của thị trường trái phiếu đến từ chính doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chẳng hạn, doanh nghiệp phát hành trái phiếu dễ dàng, dẫn đến tình trạng những yếu tố để bảo đảm cho giá trị trái phiếu không có cơ sở. Trái phiếu này phần lớn phát hành riêng lẻ, theo quy định chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư tổ chức. Song thực tế phần lớn nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu với suy nghĩ giống như gửi ngân hàng. Khi xảy ra sự cố, thị trường này rơi vào khó khăn, phát hành mới giảm sâu...
"Để vực lại thị trường vốn quan trọng này, tôi nghĩ Việt Nam cần đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh. Chúng ta phải nỗ lực trong việc xây dựng nền tảng, hệ thống trái phiếu trở thành đẳng cấp thế giới trong thời gian tới", ông Khương nhận định.
TS Khương dẫn kinh nghiệm nhiều quốc gia, hiện trái phiếu được phát hành theo 3 loại. Một là phát hành trái phiếu có bảo hiểm, giúp nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền, vì bảo hiểm kiểm tra rất kỹ chất lượng trái phiếu.
Dạng thứ hai là phát hành trái phiếu nhưng có bảo lãnh. Loại trái phiếu thứ ba là loại hoàn toàn không có bảo lãnh, không bảo hiểm thì phải ít nhất có hai công ty đánh giá kinh nghiệm, năng lực, thẩm định để giúp người dân yên tâm.
"Đây là 3 tuyến phòng vệ trong vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp để tránh vấn đề hình sự", ông Khương nhấn mạnh và cho hay, hiện một số quốc gia không chú ý đầu tư nâng cấp hệ sinh thái cho trái phiếu nên khó phát triển, như Indonesia hay Philippines vẫn quanh quẩn 30 USD cho doanh nghiệp trái phiếu. Chỉ mức đó thì khó tiến lên được, trong khi ở Hàn Quốc, họ có thể phát hành cả nghìn tỷ USD.
Đồng quan điểm, GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, thị trường trái phiếu không phải là một thị trường mua bán hàng hóa thông thường mà là một thị trường tài chính, theo đó, để tạo ra một hệ sinh thái, nền móng vững chắc, đòi hỏi những người tham gia phải có năng lực và phải có một môi trường pháp lý.
"Cần có các biện pháp phản ứng phù hợp hơn, quan trọng nhất là những trái chủ cảm thấy có niềm tin và sẽ không có người nào bị trắng tay. Chẳng hạn chúng ta gia hạn thời gian thanh toán, chuyển đổi từ trái phiếu sang tài sản. Nếu chúng ta chuyển sang các lĩnh vực trái phiếu có khả năng chuyển đổi này, tôi nghĩ đó là một kênh khá tốt để huy động nguồn vốn của từng cá nhân trở thành nguồn vốn của nhà đầu tư", ông Cường nêu quan điểm.
Nhấn mạnh tiếp tục định hướng và xây dựng thể chế, có những hành động để thị trường trái phiếu hoạt động trở lại ổn định và phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cho rằng còn rất nhiều việc phải làm về những tiêu chuẩn của thị trường.
Cụ thể, về xác lập hệ số tín nhiệm, trong Nghị định 65 nêu rõ doanh nghiệp phát hành phải có đánh giá hệ số tín nhiệm từ một bên cung cấp dịch vụ này. Tuy nhiên, đánh giá về tình hình cụ thể cung cấp dịch này của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Nghị định 08 đã tạm thời cho ngưng quy định này trước mắt là đến 31/12/2023.
Cũng theo ông Chi, Nghị định 08 cho phép ngưng thi hành điều kiện mới về các nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng trái phiếu hết năm 2023. Quy định này được đánh giá là giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện, quy chuẩn của Nghị định 65. Nếu không, chúng ta áp dụng ngay thì gây sốc, giật cục, nhiều khả năng khiến thị trường không khởi sắc mà còn xấu đi...