Cuộc đua trái phiếu rục rịch trở lại, đã đến lúc phải 'nắn dòng' thị trường
(DNTO) - Thị trường trái phiếu đang dần "tan băng". Để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, vấn đề hiện nay là cả Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư cần bình tĩnh, tỉnh táo và khôn ngoan trong "ứng xử" với trái phiếu, mới giúp khơi lại niềm tin thị trường.
Rậm rịch "tan băng"
Ngày 5/3 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Trong đó, Nghị định cho phép doanh nghiệp phát hành và trái chủ thỏa thuận gia hạn thêm 2 năm, chuyển đổi trái phiếu sang bất động sản...
Ngay sau đó một ngày, lô trái phiếu của Công ty cổ phần Phân phối HDE (sản xuất vật liệu xây dựng) được phát hành thành công, huy động 45 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau khoảng thời gian im ắng, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu rục rịch trở lại "đường đua" làm chủ cuộc chơi phát hành trái phiếu khi huy động tổng cộng gần 12.000 tỷ đồng, chiếm tới gần 80% tổng lượng TPDN riêng lẻ phát hành trên thị trường.
Cụ thể, số liệu mới công bố của HNX cho thấy, riêng ngày 16/3/2023 có 3 đợt phát hành riêng lẻ của 2 doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên phát hành thành công 2 lô trái phiếu ngày 16/3, với một lô 2.700 tỷ đồng và một lô 4.450 tỷ đồng (tổng 7.150 tỷ đồng). Cả hai lô trái phiếu đều có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất không được công bố.
Đợt phát hành thứ 3 trong ngày 16/3 là của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam với tổng khối lượng trái phiếu riêng lẻ phát hành là 4.695 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 13%/năm.
Mới nhất, ngày 20/3, Công ty TNHH Kinh doanh Nội thất Luxury Living cũng phát hành thành công 4.800 tỷ đồng trái phiếu cho nhà đầu tư trong nước. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 9%/năm, kỳ hạn trả lãi 3 tháng, đáo hạn sau 5 năm (13/3/2028); Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Dream City Villas (tên cũ là Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Tân Liên Phát Sài Gòn) cũng công bố phát hành thành công lô trái phiếu có tổng trị giá 2.300 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm…
Việc các doanh nghiệp huy động thành công gần 1,1 tỷ USD trái phiếu chỉ tính riêng trong hai tuần của tháng 3/2023 (gấp hơn 7 lần so với tháng 3/2022) được coi là tín hiệu rất tích cực. Giới chuyên gia nhìn nhận Nghị định 08 mặc dù vừa có hiệu lực từ đầu tháng 3 đã hâm nóng” thị trường, làm tăng tỷ lệ phát hành TPDN thành công thông qua việc hoãn thực thi một số điều khoản.
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, thanh khoản thị trường còn rất lâu mới quay trở lại thời kỳ đỉnh cao như trước đây, vì sức cầu thị trường đang thiếu hụt. Trước khi sự cố Tân Hoàng Minh xảy ra, động lực tăng trưởng của thị trường trái phiếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, chiếm 33% sức cầu thị trường. Còn hiện nay, việc phát hành mới của doanh nghiệp gần như trông chờ hoàn toàn vào nhà đầu tư tổ chức.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, các chính sách hiện tại chủ yếu mới tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nợ trái phiếu, việc phát hành mới vẫn rất khó khăn, nhất là phát hành cho nhà đầu tư cá nhân.
"Nắn dòng" thị trường
Dù đã "tan băng" trong nửa đầu tháng 3, song thị trường trái phiếu vẫn đang bị áp lực đè nặng khi lượng TPDN riêng lẻ đáo hạn quý II và quý III/2023 lần lượt là khoảng 93.139 tỷ đồng và 89.488 tỷ đồng. Với lượng phát hành mới “lom dom” từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nguy cơ trả nợ lớn và việc đàm phán giãn nợ với trái chủ rất quan trọng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lưu ý các nội dung của Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65 và Nghị định 153 đều mang tính chất tạm thời. Những chuyển động vừa qua chỉ le lói tín hiệu tươi sáng, bởi niềm tin của nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí là cả các tổ chức đều đang rất yếu. Bản thân các tổ chức phát hành cần tận dụng quãng thời gian này để củng cố hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng tài chính, minh bạch, chất lượng TPDN.
"Trong ngắn hạn cần tập trung tái cấu trúc các lớp tài sản để xử lý các khoản nợ nếu doanh nghiệp đàm phán được, có cơ hội phục hồi hoạt động. Thậm chí để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đẩy mạnh sự minh bạch, chuyên nghiệp, không nên hoãn áp dụng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc cho hoạt động phát hành riêng lẻ", ông Nghĩa nhận định
Đặc biệt, e ngại về Nghị định 08 mới ban hành có thể làm tăng rủi ro cho thị trường, tức là khuyến khích các nhà đầu tư nhỏ lẻ trở lại trái phiếu như trước kia, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để thị trường không tiếp tục trong vòng xoáy TPDN dưới niêm yết, lỏng lẻo tiêu chí phát hành khối lượng quá lớn, gây rủi ro cao, cần các quy định phải thay đổi tận gốc để giúp thị trường phát triển bền vững hơn....
"Cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản. Cần cải tiến thủ tục xét duyệt hồ sơ và cần liên kết với tổ chức nước ngoài để chuẩn hoá, khách quan và minh bạch quy trình xếp hạng. Hiện nay, Việt Nam mới có 2 công ty xếp hạng, còn thiếu xa so với nhu cầu của thị trường", ông Hiếu nêu quan điểm.
Đồng thời nhấn mạnh: "Khi nhà đầu tư có lòng tin, doanh nghiệp phát hành được kỳ hạn 5 năm, 10 năm, thậm chí 15 năm mới là thành công của thị trường trái phiếu. Vì đây là thị trường vốn dài hạn, chủ chốt của doanh nghiệp".