Trái phiếu doanh nghiệp có thêm 'cửa' để phục hồi
(DNTO) - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện tại Bộ đã triển khai xong và dự kiến tuần sau sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, "rộng đường" cho các doanh nghiệp phát hành.
Sau nhiều năm ở đỉnh cao, đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp tụt dốc không phanh. Hiện tượng tháo chạy khỏi trái phiếu vẫn chưa có hồi kết, trong khi thanh khoản ngày càng cạn kiệt, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng đứt gãy dòng tiền.
Giữa tháng 1/2023, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong năm 2022, có 420 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với trị giá xấp xỉ 244.565 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu năm 2022 về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm. Tiếp đến, nhóm bất động sản với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%. So với năm 2021 (hơn 214.000 tỷ đồng), lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành sụt giảm gần 76%.
Trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Riêng tháng đầu năm, có khoảng 17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn; trong đó, 10.500 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp và 5.900 tỷ đồng trái phiếu xây dựng, chiếm 34%.
Đặc biệt, tuần đầu tiên năm 2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 310 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, dù không phải là “thủ phạm”, song Nghị định 65/2022/NĐ-CP bóp nghẹt phía cầu, khiến thị trường trái phiếu càng thêm tắc do chưa phù hợp với bối cảnh hiện tại, khiến doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu cũng như đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm…Do đó, nếu không chỉnh sửa kịp thời thì trong năm 2023, các doanh nghiệp sẽ vẫn tắc cửa trái phiếu.
Ông Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng hiện nay các doanh nghiệp có vấn đề về trái phiếu có thể chia làm 3 loại.
Thứ nhất, doanh nghiệp có những vấn đề quá lớn, không thể “cứu” được nữa thì đành chịu; Thứ hai, doanh nghiệp đang làm ăn đàng hoàng thì cần tạo điều kiện về thể chế để họ có thể huy động trái phiếu một cách bình thường; Thứ ba, đông nhất là các doanh nghiệp dạng “nhờ nhờ”, đang khó khăn vì đến kỳ mà không trả được. Các doanh nghiệp này đã tận dụng sự lỏng lẻo của cơ chế khi huy động, nhưng Nhà nước cũng cần chia sẻ với họ một phần, vì công tác quản lý nhà nước cũng có lúc lỏng lẻo, nên mới không phát hiện được kịp thời những vi phạm của họ.
Trước đó, tại cuộc họp bàn "giải cứu" thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính tổ chức hôm 23/1/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, Bộ Tài chính sẽ đánh giá, xem xét, nghiên cứu và nếu cần sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 theo hướng nới quy định hoặc lộ trình áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Tiếp đó, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế...
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 2/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đến thời điểm này, Bộ Tài chính đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 để trình Chính phủ. Dự kiến Bộ sẽ sớm trình Chính phủ trong đầu tuần tới...