Rốt ráo các giải pháp để 'tái sinh' thị trường tài chính và bất động sản
(DNTO) - Nhìn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp hai tháng vừa qua gần như đóng băng, nguyên nhân không chỉ do lãi suất cao, hay một số doanh nghiệp vi phạm, chất lượng doanh nghiệp yếu kém mà còn tồn tại rất nhiều vấn đề... Cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát để có thể hồi sinh thị trường vốn.
Hiện nay, trên thị trường tài chính, nhiều dự báo nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới và những rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa “hạ nhiệt” rõ rệt, trong khi đó thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại...
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5: "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức", ngày 17/12, tại Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề "Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững", bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), khối lượng phát hành có xu hướng giảm rõ rệt trong thời gian qua.
Cụ thể, tính đến ngày 25/11, khối lượng phát hành TPDN là hơn 331.800 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Quý 1 là hơn 134.000 tỷ đồng, quý 2 là hơn 122.000 tỷ đồng, quý 3 là 65.900 tỷ đồng, khối lượng phát hành trong tháng 10 là 6.800 tỷ đồng, trong tháng 11 là 1.850 tỷ đồng.
Về cơ cấu phát hành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tính đến ngày 25/11, các ngân hàng thương mại phát hành chiếm 41%, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 28,59% và 7,73% tổng khối lượng phát hành, doanh nghiệp sản xuất chiếm 6,72% tổng khối lượng phát hành...
Theo bà Phương, thị trường trái phiếu thời gian qua có nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm niềm tin của thị trường do sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý cũng như việc một số phương tiện đưa tin không chính thống về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.
“Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ. Thêm vào đó, thị trường cũng gặp khó khăn trong thời gian qua khi lãi suất ngân hàng tăng, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp khó khăn trong cân đối nguồn vốn kinh doanh và trả nợ trái phiếu đến hạn,” bà Phương nói.
Đưa ra bức tranh chung của thị trường tài chính, trong đó nhấn mạnh đặc biệt đến thị trường TPDN, thị trường chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, nhận định: "Vấn đề thanh khoản của thị trường TPDN và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023 - 2024. Chính phủ cần nhanh chóng có phương án chỉ đạo, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro TPDN này bởi lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản là một trong những vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế Việt Nam...".
Do đó, ông Lực đề xuất nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ nhà đầu tư và thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư như kinh nghiệm của các nước Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.
"Cần sửa đổi Nghị định 128 của Chính phủ theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán, tăng tính răn đe và hiệu lực thực thi pháp luật (mức phạt tối đa hiện nay là 1,5 tỷ đồng với cá nhân và 3 tỷ đồng với tổ chức) vẫn thấp so với thiệt hại, sự suy giảm niềm tin đầu tư của cộng đồng", ông Lực kiến nghị.
Trên thị trường chứng khoán, theo ông Lực cơ quan quản lý cầu sớm ban hành Quy chế hướng dẫn Thông tư 120 của Bộ Tài chính về giao dịch T+0 theo đúng kế hoạch, lộ trình, góp phần tăng thanh khoản thị trường đồng thời nhiên cứu sửa đổi một số tiêu chí của VN30 đảm bảo chất lượng, quy mô, hiệu quả của các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường.
Đặc biệt, ông Lực cho rằng trong hoạt động truyền thông cần chú ý đưa thông tin chính xác về chính sách và tình hình kinh tế vĩ mô - thị trường, tránh xu hướng “tô hồng” cũng như đồn đại thông tin chưa chính thức vì điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, niềm tin người dân và nhà đầu tư.
Nêu "phác đồ" điều trị cho thị trường trái phiếu, đại diện UBCK Việt Nam cũng đã đưa ra một loạt các giải pháp.
Thứ nhất, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Ủy ban cho biết đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin của thị trường.
Thứ hai, về công tác giám sát, thanh tra trên thị trường, UBCKNN cho biết, sẽ nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó coi trọng tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán là cần thiết nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.
"UBCKNN sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường", bà Phương nhấn mạnh.
Thứ ba, về hoạt động tổ chức thị trường, sẽ đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, cơ quan này cho biết đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp minh bạch, an toàn; tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.