‘Cá mập’ tăng tốc săn ‘mồi xanh’
(DNTO) - Quỹ đầu tư đang dần nhận ra thứ giúp họ gia tăng khoản đầu tư x100 lần lúc này là startup xanh chứ không phải startup phát triển nóng.
Thế hệ kỳ lân “xanh”
Trong thư gửi CEO năm 2022 của Larry Fink, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Blackrock đang nắm giữ 10.000 tỷ USD, dự đoán thế hệ kỳ lân tiếp theo sẽ là những nhà đổi mới bền vững để giúp thế giới đạt mục tiêu Net Zero.
“1.000 kỳ lân tiếp theo sẽ không phải là công cụ tìm kiếm hay công ty truyền thông xã hội, họ sẽ là những nhà đổi mới bền vững, có thể mở rộng những công ty khởi nghiệp giúp thế giới khử carbon và giúp quá trình chuyển đổi năng lượng trở nên hợp lý cho tất cả mọi người tiêu dùng”, Larry Fink viết.
Dù dự đoán của vị CEO quỹ đầu tư lớn nhất thế giới vẫn còn phải chờ thời gian để kiểm chứng, nhưng nó đang dần được chứng minh bởi những động thái trên thị trường đầu tư mạo hiểm. Đó là việc các “cá mập” đang hướng mũi tìm kiếm của mình về các startup xanh, khi giai đoạn thăng hoa của công ty công nghệ thoái trào.
“Trong khi những người khác đầu tư vào khoa học mới sẽ khử carbon trong những thập kỷ tới thì chúng tôi làm ngay trong thập kỷ này”, Yu Xuan Ben, chuyên gia về chuyển đổi số tại Quỹ đầu tư Wavemaker Impact, nói.
Wavemaker Impact (thuộc quỹ mạo hiểm Wavemaker Partners) là quỹ chuyên rót vốn vào công nghệ khí hậu (climate tech) đầu tiên ở Đông Nam Á, với mục tiêu huy động 25 triệu USD lần đầu tiên.
Hiện quỹ này đang có 2 khoản đầu tư nổi bật. Đầu tiên là Rize, startup trồng lúa gạo ứng dụng kĩ thuật mới là “làm ướt và làm khô thay thế” (AWD) và “lúa gieo hạt trực tiếp” (DSR) cùng các chất phụ gia, vi khuẩn trong đất để giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí sản xuất và cải thiện năng suất.
Tiếp theo là Regen X, nền tảng nông nghiệp tái tạo đầu tiên ở Đông Nam Á, thiết lập thị trường kết nối người mua cây trồng chất lượng cao và mạng lưới người nông dân có kinh nghiệm để khuyến khích nông dân áp dụng và chuyển sang thực hành nông nghiệp tái tạo.
“Chúng tôi đầu tư vào các doanh nhân đã khẳng định được năng lực để xây dựng các kỳ lân giúp giảm lượng khí thải carbon trên quy mô lớn. Chúng tôi goi đây là các công ty 100x100, tức tiềm năng doanh thu x tiềm năng giảm phát thải tương ứng 100 triệu USD x 100 tấn/năm”, Yu Xuan Ben nói.
Công nghệ khí hậu là một trong những lĩnh vực đầu tư mạo hiểm phát triển nhanh nhất vào năm 2021, vượt 210% so với cùng kì và đã tạo ra hơn 78 kỳ lân kể từ năm 2013 (theo PwC). Điều này phần nào chứng minh nhận định của Larry Fink hoàn toàn có cơ sở.
“Cá mập” tăng tốc
Khi Net Zero không chỉ là lời nói hoa mỹ mà đã trở thành những cam kết chính trị, ràng buộc các Chính phủ, doanh nghiệp trên toàn cầu, thì cơ hội phát triển trong đó sẽ rất lớn. Bởi các Chính phủ, người tiêu dùng và kể cả doanh nghiệp sẽ phải chi tiền mạnh mẽ cho các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ xanh. Đó là lý do các “cá mập” sẽ không bỏ qua thị trường tiềm năng này để khoản đầu tư của họ có thể x100.
Quỹ Tài chính Khí hậu Quốc tế (ICF) của Anh đã tung ra chương trình hỗ trợ kỹ thuật lên tới 11,8 triệu bảng Anh, triển khai ở 9 quốc gia nhằm tìm kiếm các dự án carbon thấp. Hồi đầu năm, có 9 dự án Việt Nam đã lọt vào chương trình ươm tạo giai đoạn đầu tiên của quỹ này. Các dự án từ đa dạng các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả tài nguyên/năng lượng, vận tải điện, AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác), giảm carbon trong xây dựng, kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải…
Hay mới đây, Aera VC – quỹ đầu tư khí hậu lâu đời nhất châu Á đã huy động thêm 50 triệu USD, nhằm tìm kiếm 10 startup mới để rót vào vòng hạt giống cũng như sẵn sàng tái đầu tư vòng tiếp theo của các công ty trong danh mục.
Từ 2016, Aera đã thực hiện hơn 24 khoản đầu tư, trong đó 12 công ty dự án giảm phát thải. Nổi bật là startup máy lọc không khí không bộ lọc Praan (Ấn Độ), startup sản xuất thịt hải sản từ tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm Shiok Meats (Singapore), hay ngân hàng thế hệ mới chuyên cho vay các dự án chống biến đổi khí hậu Green-Got (Pháp).
Tháng vừa qua, HSBC cho biết đã lên kế hoạch phân bổ 1 tỉ USD cho các công ty công nghệ khí hậu toàn cầu. Chỉ tính riêng tại ASEAN, tổng giá trị trái phiếu xanh đã phát hành lên tới 36 tỷ USD trong năm ngoái.
World Bank dự báo 84% nhà đầu tư trên khắp thế giới đang tập trung vào các khoản đầu tư xanh, phát triển bền vững. Các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, có thể hút đến 23.000 tỷ USD cho các dự án khí hậu.
Bà Mandy Nguyễn, Giám đốc Vận hành Quỹ khởi nghiệp Khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) cho biết nhiều chủ doanh nghiệp áp lực rằng đổi mới sáng tạo đã tốn nguồn lực rồi, giờ thêm phát triển bền vững thì quá nhiều gánh nặng. Phát triển bền vững đa phần mọi người thường hiểu là tiết kiệm nước, điện, hạn chế dùng đồ nhựa, hạn chế thức ăn thừa, tiết kiệm chi tiêu... Những thứ đó chỉ giải quyết chuyện ngắn hạn.
“Phát triển bền vững thực sự trong góc nhìn của SVF và đối tác mong muốn là việc chúng ta phải làm mọi thứ (cách thức, sản phẩm, dịch vụ) khác đi và không có công nghệ không thể nào đổi mới sáng tạo. Công nghệ là công nghệ cần thiết, cấp thiết để phát triển bền vững”, bà Mandy nhấn mạnh.