Bài toán ‘kéo’ xuất nhập khẩu bằng FTA
(DNTO) - Việc tiếp tục kí thêm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) là cách Việt Nam mở thêm nhiều cánh cửa ra thế giới. Nhưng đi qua cánh cửa đó cần rất nhiều nỗ lực.
Nhiều nước muốn có FTA với Việt Nam
Cuối tháng 6, trong cuộc gặp đoàn đại biểu cấp cao hai bên, phía Thụy Sĩ bày tỏ sự quan tâm và mong muốn hai bên có thể kí kết FTA trong năm 2024. Thụy Sĩ hiện là đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Đây là nhà đầu tư FDI đứng thứ 22/141 vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư FDI là 1,903 tỷ USD với 206 dự án. Từ 1991-2021, Thụy Sĩ cấp 600 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam.
Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cùng với chiến tranh thương mại, cuộc chiến tại Ukraine… đã để lại hệ quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới. Nhiều khu vực, quốc gia phát triển là bạn hàng lớn của Việt Nam gánh chịu áp lực lạm phát, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Báo cáo của Tradingeconomics đến tháng 4/2023 với 16 nền kinh tế lớn trên thế giới cho thấy, có tới 13 quốc gia sụt giảm xuất khẩu; 12 quốc gia sụt giảm nhập khẩu.
Nhu cầu nhập khẩu co lại, khiến đơn hàng từ phía Việt Nam bị sụt giảm trầm trọng. 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta giảm 15,2% so cùng kỳ. Bài toán đa dạng hóa thị trường, đặc biệt khai thác các thị trường ngách được đặt ra trong đại dịch, và tiếp tục được nhắc lại trong giai đoạn hiện nay.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết việc đa dạng hóa thị trường thấy rõ nhất thông qua đàm phán và kí kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện Việt Nam đã có 15 FTA đã kí và thực hiện với các nước, khu vực. Còn FTA với Israel sẽ kết thúc đàm phán sớm từ nay đến cuối năm.
Hiện Việt Nam đang xem xét và triển khai các FTA mới, trước hết là với UAE, là quốc gia có hoạt động thương mại rất phát triển ở khu vực Trung Đông. Nơi đây được coi là cửa ngõ đưa hàng hóa vào Trung Đông và châu Phi.
Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng là thị trường tiềm năng, Việt Nam đã có chung Hiệp định CPTPP với một số nước trong khối này, nhưng với cả khu vực và một số thị trường như Argentina và Brazil thì chưa có. Việc xem xét kí FTA với khu vực này là hướng ưu tiên để mở cửa thị trường, đa dạng hóa thị trường cho doanh nghiệp. Một số khu vực khác như châu Phi, khu vực Nam Á cũng là thị trường cần nghiên cứu.
Có FTA mới thành công một nửa
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có FTA mới chỉ chiếm khoảng 2%. Trong đó, tỷ trọng khai thác FTA hưởng thuế và quy tắc xuất xứ mới đạt khoảng 33,61% trong số 2% này.
Ông Trần Thanh Hải, với các FTA đã có, việc khai thác tốt các thị trường đó đã tạo ra dư địa lớn. Vì hiện nay, các thị trường lớn cơ bản đã nằm trong các hiệp định. Để khai thác tốt các thị trường đó thì phải đảm bảo quy tắc xuất xứ. Đằng sau quy định này là thay đổi cơ cấu nguyên liệu, dây chuyền sản xuất để đáp ứng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt hiện nay một phần chưa nắm được đầy đủ quy định về quy tắc xuất xứ. Một phần chưa hiểu rõ mục đích của quy tắc xuất xứ góp phần thay đổi cơ cấu đầu tư, gia tăng hàm lượng, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong FTA.
“Việc phổ biến, làm cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các FTA là nhiệm vụ mà Bộ Công thương tiếp tục phải đẩy mạnh trong thời gian tới”, ông Hải nhấn mạnh.
Về thương mại, việc phá bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan là rất quan trọng. Nhưng Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết đây cũng chỉ là một trong những trở ngại khi doanh nghiệp ra thị trường. Nếu hàng rào đó được tháo bỏ nhưng doanh nghiệp không nắm bắt được thị hiếu, quy định thì sự khó khăn vẫn còn đó. Bởi trong những tình huống khó khăn như thời điểm hiện nay, khách hàng sẽ lựa chọn nhà cung cấp đáp ứng được những yêu cầu khắt khe như bảo vệ môi trường, giảm phát thải, chuỗi cung ứng xanh…
“Một mặt nhiệm vụ của xúc tiến thương mại là phải giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới. Một mặt phải giúp doanh nghiệp đi ra ngoài, nắm bắt được yêu cầu của thị trường nước ngoài tốt hơn nữa, điều đó mới giúp doanh nghiệp tự tin”, ông Hải cho hay.