Doanh nghiệp kể chuyện nhập làn ‘cao tốc’ EVFTA: Nếu làm chuẩn quy trình thì xây dựng thương hiệu không khó
(DNTO) - Trong khi nhiều doanh nghiệp than vãn về việc khó khăn khi xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu, thì có những doanh nghiệp thành công đưa sản phẩm sang châu Âu nhờ sự bền bỉ và kiên trì.
‘Hái quả’ nhờ EVFTA
Trước 1/8/2020, tức trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, Tập đoàn Lộc Trời đã từng xuất khẩu gạo sang EU. Nhưng thời điểm đó, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo còn rất nhiều và chịu thuế rất cao, ví dụ gạo trắng khoảng 175 EUR/tấn, còn gạo lức khoảng 65 EUR/tấn.
Sau khi EVFTA có hiệu lực, mọi chuyện hoàn toàn khác. Gạo Việt Nam với hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 20.000 là gạo lức, 30.000 tấn gạo trắng và 30.000 tấn gạo thơm được miễn thuế 0%. Cơ hội cho Việt Nam nói chung và Lộc trời lúc này vô cùng lớn, có thể cạnh tranh công bằng với các nước trên thế giới mà trước đó chúng ta không thể cạnh tranh nổi.
Lộc Trời là một trong những đơn vị đầu tiên xuất lô hàng đi châu Âu. Sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp tăng dần theo từng năm, 2.200 tấn năm 2018 lên 11.000 tấn năm 2020 và ước tính năm nay khoảng 25.000 tấn.
“Thị trường châu Âu chia làm 2 phần. Thứ nhất là thị trường B2B, tức xuất với thương hiệu người mua. Thứ hai là thị trường chiếm 90% là hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, doanh nghiệp xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Với thị trường B2B, chỉ cần gạo đạt chuẩn là có thể xuất khẩu. Nhưng với thị trường siêu thị, doanh nghiệp phải cam kết chất lượng ổn định từ khi đưa mẫu cho đến khi bán. Sau 6 tháng đối tác mới trả tiền và doanh nghiệp nếu chấp nhận cuộc chơi phải kiên định, không buông bỏ”, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời cho biết.
Sau 2 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thương mại giữa Việt Nam với khối thị trường này đã đạt bước tiến mới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa EU tăng từ hơn 35 triệu USD năm 2020 lên hơn 43 triệu USD đến hết tháng 11 năm nay. 11 tháng đầu năm, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR1 là trên 25%, tăng hơn 52% so với năm trước.
Nhiều doanh nghiệp nhờ “cao tốc” EVFTA mà thuận lợi đưa hàng hóa sang thị trường EU với mức thuế về 0%, cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm cùng loại của các đối thủ tại thị trường này. Báo cáo của VCCI mới đây cho thấy có tới 41% trong 500 doanh nghiệp được khảo sát cho biết được hưởng lợi từ Hiệp định này.
Hưởng lợi ở đây không chỉ là lợi ích về kinh tế trước mắt nhờ những lô hàng được thông quan và hưởng thuế 0%, mà còn tạo ra những giá trị lâu dài, bền vững với doanh nghiệp. Với quy định khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật trong Hiệp định, buộc doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh và quản trị, không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm, mà còn đảm bảo việc vận hành một cách bền vững hơn.
“Để xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp phải tổ chức các vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị bền vững hợp tác với nông dân kiểm soát từ khâu giống, phân, thuốc thì mới có hạt gạo đạt tiêu chuẩn, vượt qua tiêu chuẩn 600 hoạt chất mà EU yêu cầu. Đó là thách thức rất lớn mà doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu phải có tâm huyết và đầu tư. Nếu không xuất khẩu bền vững, đôi khi chỉ một lô hàng bị kiểm tra thì tên của doanh nghiệp đó bị nằm trên danh sách đen, hết đường xuất khẩu sang châu Âu”, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết.
Đã đến lúc doanh nghiệp phải lớn
Hiện nay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng mạnh nhờ EVFTA, nhưng đa số hàng Việt vẫn mang thương hiệu của nhà nhập khẩu, chưa thể xây dựng được thương hiệu riêng. Nhưng theo ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt (Thương hiệu Vento- Hải Phòng), chuyện xây dựng thương hiệu là nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Tại Việt Nam, ngành sản xuất giày dép đã có lịch sử hàng trăm năm, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam, không quá hiện đại, không cần nhiều công nghệ phức tạp, không phải đầu tư quá nhiều tiền. Một năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày, 100% Việt Nam làm ra, người Trung Quốc hay Hàn Quốc chỉ đóng vai trò làm chủ. Ông Thắng cho biết, rõ ràng một sản phẩm mà thế giới ưa chuộng do người Việt Nam làm từ khâu quản lý, quản trị… sẽ mang lại nguồn lực rất lớn cho đất nước, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam không biết tận dụng để xây dựng thương hiệu.
“Chúng ta có làm gì chuẩn đâu mà xây dựng thương hiệu. Hầu như doanh nghiệp Việt Nam toàn làm gia công, khi có nhà, có tiền và xe thì nghỉ. Doanh nghiệp chúng ta không chịu lớn, tức không thèm đi tới xây dựng thương hiệu vì nó khó. Chúng ta hãy làm một quy trình chuẩn, làm gì cũng áp dụng quy chuẩn đó thì thành xây dựng thương hiệu. Khó là tự trong lòng chúng ta nghĩ khó”, ông Thăng bày tỏ.
Tương tự với Công ty Xuất Nhập khẩu T&T, đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ định xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên vào thị trường EU theo EVFTA, dù hưởng lợi nhưng sự nỗ lực đằng sau đó là cả một quá trình dài.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất Nhập khẩu T&T cho biết, nếu trước đây, đối tác tập trung lấy hàng rau quả ở Thái Lan và các nước khác, sau khi kí Hiệp định, sự quan tâm của khách hàng EU đối với mặt hàng rau quả của công ty tăng 30-40%.
Theo kinh nghiệm làm việc của công ty này, hàng rào kỹ thuật của EU tuy dễ nhưng rất khó. Nếu qua Mỹ hay Trung Quốc, chúng ta phải đàm phán từng loại rau của quả, thì EU mở cửa cho tất cả các mặt hàng Việt Nam mà không phải thông qua đàm phán. Ngược lại, EU kiểm tra chặt chẽ đầu nhập khẩu. Đó là lý do vì sao rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang EU, vì phải đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như hàng rào kĩ thuật.
Ngoài ra, công nghệ bảo quản còn yếu cũng làm giảm thế mạnh hàng hóa. Nếu vận chuyển rau củ quả bằng đường hàng không thì giá cước rất cao, nhưng nếu đi đường biển thì tối thiểu mất 30 ngày cập cảng, thêm 5-7 ngày vào tới siêu thị và cần 3 ngày để người dùng sử dụng. Như vậy, các mặt hàng phải có công nghệ bảo quản 45 ngày thì mới tận dụng tốt vào thị trường EU. Nhưng hiện nay, chỉ có một số loại đảm bảo thời gian bảo quản lâu như bưởi 60 ngày, dừa 70 ngày, nhãn 50 ngày. Đó là lý do mà theo ông Tùng, tuy thị trường rất lớn nhưng tỷ trọng hàng Việt trong thị trường còn thấp.
“Dù Việt Nam rất nhiều trường, viện nhưng chưa có nơi nào nghiên cứu công nghệ bảo quản cho mặt hàng rau quả. Thương vụ Việt Nam thời gian qua tổ chức rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại, nhưng nên tổ chức các Tuần lễ đặc biệt cho từng loại trái cây, vì nếu tổ chức chương trình chung cho nhiều loại trái cây, có loại ngon nhưng lại không có công nghệ bảo quản cũng không thể bán hàng, hay loại ngon nhưng chỉ có mùa vụ, không thể cung cấp quanh năm cho thị trường”, ông Tùng nhấn mạnh.