Hội nhập kinh tế quốc tế và vấn đề cần phải khắc phục
(DNTO) - Trong 37 năm đổi mới vừa qua, cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đã được triển khai chủ động, tích cực, toàn diện, đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh toàn diện.
Chúng ta đã trở thành một trong không nhiều nước đã tham gia ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất trên thế giới, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định đối tác kinh tế khu vực (RCEP).
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng thì nguy cơ lệ thuộc vào bên ngoài càng cao nên cần phải hết sức lưu tâm để khắp phục. Khả năng lệ thuộc vào bên ngoài thể hiện trên các bình diện sau:
(1) Tác động tiêu cực từ những biến động của kinh tế thế giới. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, kinh tế thế giới đã có sự phục hồi nhưng đại dịch Covid-19 và tiếp đó là cuộc chiến tranh khốc liệt tại Ukraina đã gây ra biến động rất lớn tác động dây chuyền đến các nền kinh tế thế giới, trong đó có kinh tế nước ta. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, những va quệt trong chính sách kinh tế giữa Mỹ với châu Âu, với các nước châu Mỹ diễn ra theo các cung bậc khác nhau, ảnh hưởng lớn đến trạng thái chung của kinh tế thế giới. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ở mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thương mại toàn cầu, từ đó gián tiếp tác động tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu và đầu tư vào nền kinh tế nước ta. Những thăng trầm của đồng USD và NDT sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá VND, tác động đến sản xuất và kinh doanh của nước ta.
(2) Những tác động của quan hệ thương mại với Trung Quốc. Sau hơn 30 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng hơn 4.000 lần. Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, cán cân giữa xuất và nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc tăng lên theo chiều hướng bất lợi cho Việt Nam. Cũng trong hơn 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm của nhập khẩu Việt Nam từ Trung Quốc khoảng 33%, thì tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ khoảng 21%, nghĩa là nhập khẩu tăng 1,5 lần so với xuất khẩu. Tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng lớn của Việt Nam so với Trung Quốc. Nếu tính cả việc xuất nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch, lượng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với hàng hóa của Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Về hàm lượng công nghệ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc không chỉ kém xa hàng công nghệ của Trung Quốc xuất sang Việt Nam, mà còn kém cả hàng công nghệ của một số nước khu vực xuất sang Trung Quốc. Nhìn chung hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tương đương hoặc hơn Indonexia về tỉ lệ công nghệ cao, còn kém khá xa so với hàng hóa của Hàn Quốc và Nhật Bản. Như vậy, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa thể hiện sự thua kém của Việt Nam vì nhập siêu quá lớn, vừa thấy rõ quan hệ thương mại giữa một nước còn đang phát triển với nước phát triển. Việt Nam nhập siêu và phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu từ Trung Quốc là vấn đề đáng được quan tâm.
(3) Những tác động trong quan hệ thương mại với Mỹ. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ và ký hiệp định thương mại, quan hệ giao thương giữa hai nước phát triển hết sức mạnh mẽ và Mỹ trở thành đối tác kinh tế rất quan trọng có ảnh hưởng lớn tới Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, sau 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1994-2014), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng 187 lần và đến năm 2022 là hơn 200 lần. Tới nay Mỹ đã trở thành một trong năm bạn hàng lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, chiếm 1/5 tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (chỉ đứng sau Trung Quốc) và đặc biệt đây là thị trường mà Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại lớn nhất. Cụ thể, năm 2015 đạt thặng dư 25, 67 tỷ USD, năm 2016 là 29,8 tỷ USD, năm 2017 hơn 39 tỷ USD và năm 2020 là 63 tỷ USD... Việt Nam xếp thứ sáu trong các nước thặng dư thương mại với Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada và Mexico.
Vấn đề đặt ra là trong quan hệ thương mại hai chiều, phía Mỹ tìm mọi cách thúc ép việc giao thương cân bằng, đặt ra các quy định nghiêm ngặt nhằm hạn chế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trong hội nhập kinh tế, tư duy chủ động đóng góp tích cực, khởi xướng tham gia định hình các cơ chế hợp tác kinh tế. Việt Nam không chỉ tham gia với tư cách là một thành viên mà còn chủ động cùng với các nước xây dựng chính sách trong khu vực, nhất là về kinh tế, thương mại, thúc đẩy hình thành một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, trong đó đấu tranh bảo vệ quyền lợi của địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trong tranh chấp thương mại quốc tế.
Những vấn đề nêu trên đã, đang và sẽ là những thách thức lớn đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập, hợp tác phát triển kinh tế với thế giới. Để tiếp tục đạt được hiệu quả cao và tránh những tác động tiêu cực trong hội nhập kinh tế quốc tế, cần thực hiện một số giải pháp quan trọng sau:
Một là, tăng cường công tác dự báo, nắm chắc tình hình những biến động kinh tế thế giới và khu vực, những chính sách kinh tế mới của các nước lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Các viện nghiên cứu kinh tế, cơ quan tư vấn của Chính phủ cùng vào cuộc, tham mưu những giải pháp kịp thời ứng phó với tình hình. Tùy từng vấn đề cụ thể, các bộ, ban, ngành cùng chung tay để giải quyết các vướng mắc. Qua thực tế, đúc rút các kinh nghiệm để “biết mình biết ta”, nhận rõ tình hình để trước hết phải có sự đổi mới ở bên trong thích ứng với điều kiện đã thay đổi, đồng thời trực tiếp thương thảo, xử lý các vướng mắc với bên ngoài.
Hai là, mục tiêu và giải pháp hàng đầu vẫn là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước. Để giải quyết tốt mục tiêu này, cùng với việc thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế xuất, nhập khẩu có thế mạnh, tháo gỡ các cơ chế, chính sách cản trở giao thương; giám sát và điều hành tập trung vào các công cụ tài chính như duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, dưới 4%; bảo đảm tính thanh khoản trên thị trường tài chính, không để xảy ra thiếu vốn cục bộ; giám sát thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản; giám sát bội chi ngân sách, chống thất thu ngân sách; có những chính sách và quy định cụ thể đối với các địa phương, các doanh nghiệp và các nhà sản xuất như những quy định chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp, hải sản...
Ba là, chủ động thỏa thuận với các đối tác, kể cả thỏa thuận trong các cuộc họp cấp cao nhất để trực tiếp giải quyết các vướng mắc. Với Mỹ, bên cạnh việc tăng cường các hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để phục vụ cho phát triển kinh tế Việt Nam, giải thích rõ việc xuất siêu của Việt Nam cũng có lợi ích cho kinh tế và đời sống dân sinh nước Mỹ; trường hợp cụ thể cần đấu tranh chống chính sách tăng thuế của Mỹ đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam để đưa tới kết quả hai bên có thể chấp nhận được. Với Trung Quốc, cùng với việc nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng xuất khẩu, từng bước giảm nhập siêu, Việt Nam chủ động thỏa thuận để có những chính sách tăng cường giao thương chính ngạch, quản lý chặt chẽ tiểu ngạch, thực hiện các cơ chế hữu hiệu hai bên cùng có lợi.
Bốn là, để hạn chế thấp nhất sự lệ thuộc bên ngoài, cần xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư quốc tế, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và các thảo thuận được ký kết, đặc biệt là khu vưc mậu dịch tự do song phương và đa phương.
Thực tế cho thấy, kết quả của hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp khi thác nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước, nhất là : (1) Phá được thế bao vây cấm vận, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam; (2) Mở rộng đáng kể thị trường xuất khẩu (kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 300 lần) và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt số FDI thực hiện hằng năm tăng liên tục trong 37 năm qua, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình cao của khu vực trong các thập kỷ qua; (3) Thông qua hội nhập đã tiếp thu được khoa học, công nghệ và phương thức quản lý tiên tiên, góp phần chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế; (4) Một đội ngũ doanh nhân trẻ, có kiến thức, năng động được hình thành; (5) Tạo lợi ích đan xen trong quan hệ quốc tế, giúp duy trì môi trường hòa bình, ổn định bảo đảm an ninh quốc gia, tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam./.