Công cuộc đổi mới và các mối quan hệ lớn có tính quy luật
(DNTO) - Hơn 35 năm qua, công cuộc đổi mới đã thực sự gắn bó với vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước, gắn bó với mỗi người chúng ta và được bạn bè quốc tế quan tâm đến như một lẽ đương nhiên.
Đổi mới như một dòng chảy liên tục, vận động liên tục của cả guồng máy xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, phát động, lãnh đạo, tổ chức thực hiện.
Thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đổi mới tư duy đã khắc phục được nhận thức lệch lạc, giáo điều, chủ quan, duy ý chí, từng bước hình thành những quan niệm mới về mục tiêu, bước đi và cách thức phát triển đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội.
Công cuộc đổi mới đã giải phóng sức sản xuất, củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất mới, đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng của một nước có thu nhập thấp; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, ổn định chính trị xã hội được bảo đảm, định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc, quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng được đẩy mạnh.
Chính đổi mới đã đưa nước ta từ chỗ thiếu thốn, có khi phải nhập lương thực, nay trở thành nước xuất khẩu gạo đứng top đầu thế giới. Chưa bao giờ nhịp độ phát triển và đổi mới thay đổi từ nông thôn tới thành thị, từ miền núi đến đồng bằng lại nhanh chóng, mạnh mẽ như hiện nay. Cũng chưa bao giờ phong cách sống và làm việc của mỗi người dân lại có những nét mới mẻ, tươi tắn như hôm nay.
Đổi mới đã giúp chúng ta vừa kế thừa, phát huy những thành quả tốt đẹp đã đạt được như trước đây, vừa có cách nghĩ khác trước, nghe khác trước, nhìn khác trước, làm khác trước, dần bắt nhịp với đời sống hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới đã đem đến một sức sống tươi tắn cho đất nước, tiếp sức cho đôi chân chúng ta vững bước trên con đường tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đổi mới mang tầm vóc của một cuộc cách mạng toàn diện, sung sức. Điều kỳ diệu được nảy sinh trong quá trình đổi mới là Đảng ta từ thực tiễn, trên cơ sở những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đúc rút thành những vấn đề lý luận độc đáo. Đó là sự khái quát ngày càng đầy đủ những mối quan hệ lớn mang tính quy luật trong quá trình đổi mới đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1/2011) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011). Cương lĩnh chỉ rõ: “… phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ…”.
Tới Đại hội XII (tháng 1/2016), sau 5 năm nắm vững và giải quyết 8 mối quan hệ do Đại hội XI đã nêu, Đảng ta xác định thêm mối quan hệ thứ 9 là quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.
Đại hội XIII của Đảng (tháng 1/2021), Văn kiện Đại hội nêu bật 10 mối quan hệ: “… Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề cốt lõi trong đường lối đổi mới của Đảng cần chú trọng hơn đến: bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.[1]
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.119-120.