Tạo nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước
(DNTO) - Nguồn lực phát triển xã hội là vấn đề quan trọng, cần thiết hàng đầu đối với sự phát triển của mọi thời đại, mọi quốc gia, dân tộc. Đó chính là yếu tố đầu vào cho sự phát triển do con người và thiên nhiên tạo ra.
Các thành tố tạo nên nguồn lực tổng hợp cho phát triển đất nước bao gồm: Thứ nhất, con người hay gọi khác đi là nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đến số lượng và chất lượng nhân lực, giá trị văn hóa, phân bố dân cư theo địa bàn và phân bổ lao động theo ngành nghề.
Thứ hai, tài nguyên thiên nhiên, trong đó có diện tích đất đai, núi non, sông ngòi, biển, khí hậu, tài nguyên khoáng sản.
Thứ ba, tổng sản phẩm quốc gia, ngân sách quốc gia, đầu tư xã hội.
Thứ tư, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội như năng lượng, giao thông, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, nhà ở, cơ sở văn hóa.
Thứ năm, các nguồn lực quốc tế mà quốc gia có được qua hội nhập quốc tế (quan hệ thương mại, hợp tác, trao đổi).
Hội nhập quốc tế là một trong năm thành tố nêu trên, nhưng nếu xét trong tương quan khác, hội nhập quốc tế là nguồn lực quan trọng bên ngoài để bổ sung cho nguồn lực bên trong của đất nước; để đất nước phát huy nội lực và tranh thủ tối đa ngoại lực.
Nguồn lực do hội nhập quốc tế đem lại mang tính tổng hợp như góp phần làm tăng sức mạnh tổng hợp, thế và lực của đất nước. Nguồn lực đó cũng được kể đến đối với các lĩnh vực cụ thể như chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, văn hóa – xã hội.
Hội nhập quốc tế là quá trình chủ động tham gia ngày càng sâu vào đời sống mọi mặt của quốc tế. Hội nhập quốc tế đang là lực hấp dẫn lớn, là lời vẫy gọi, ngày càng cuốn hút mạnh mẽ đối với mọi quốc gia bởi không ai muốn bị tụt hậu hoặc bị thế giới bỏ rơi.
Hội nhập không giới hạn trong mặt phạm vi và một lĩnh vực nào trong đời sống quốc tế, mà nó lan tỏa ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Tham gia vào mọi mặt đời sống quốc tế có nghĩa là tham gia vào các quá trình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh.
Hội nhập quốc tế vừa là đòi hỏi khách quan của thời cuộc nói chung, vừa là nhu cầu nội tại của mỗi nước. Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra ở nhiều cấp độ và nhiều phương thức khác nhau. Tùy theo tình hình cụ thể, tùy theo thời gian và không gian cũng như lĩnh vực cụ thể mà sự tham gia hội nhập được tiến hành ở những hình thức khác nhau như song phương, tam giác, tứ giác, khu vực và toàn cầu.
Thực tế chứng tỏ, hội nhập quốc tế trở thành nhân tố quan trọng của thời cuộc, thành nội dung cơ bản trong chính sách của mỗi nước, thành yếu tố tạo nguồn lực phát triển cho mọi quốc gia.
Đối với nước ta, trong nhận thức cũng như trên thực tế, tiến trình hội nhập quốc tế với mục tiêu thu hút nguồn lực từ bên ngoài được bắt đầu từ rất sớm nhưng chủ yếu được đẩy mạnh từ sau khi Đảng ta phát động sự nghiệp đổi mới.
Hội nhập quốc tế trở thành một nội dung quan trọng, xuyên suốt trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua. Các quan điểm, chủ trương về hội nhập quốc tế của Đảng ta mang tính nhất quán, hệ thống, luôn được cập nhật, kế thừa và phát triển qua các kỳ đại hội của Đảng.
Đại hội XII của Đảng nêu rõ quan điểm: “Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước… Đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước” [1].
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia.
Gắn kết chặt chẽ quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn dân và sâu rộng với việc nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội; đổi mới, hoàn thiện thể chế trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước".
Đảng ta đã xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập các lĩnh vực khác từng bước được mở rộng; nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng, thực hiện các mục tiêu chung bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc.
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chúng ta đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tăng cường nguồn lực cho phát triển đất nước. Xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư quốc tế, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực và vốn, khoa học – công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, khai thác hiệu quả các thỏa thuận đã được ký kết, đặc biệt là các khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương.
Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng có hiệu quả giúp Việt Nam từng bước trở thành một mắt xích sản xuất và phân phối của nhiều công ty siêu quốc gia (TNC).
Thành công của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài rõ nhất là đã hình thành các cụm sản xuất và phát triển các ngành sản xuất có trình độ công nghệ tiên tiến. Kết quả đặc biệt quan trọng là chúng ta đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn lực quốc tế nhằm phục vụ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Việt Nam đã được xếp vào nhóm 15 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Hiện nay, cộng đồng tài trợ quốc tế hoạt động thường xuyên ở nước ta đã lên tới 51 nhà tài trợ, bao gồm 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương. Ngoài ra, nước ta còn nhận vốn ODA từ hơn 600 tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Việc thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế đã góp phần thiết thực cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội 2016, tr.153-154.