Về công tác lý luận của Đảng
(DNTO) - Lý luận là sản phẩm của sự phát triển cao của nhận thức, đồng thời thể hiện như là trình độ của nhận thức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”.
Lý luận là kinh nghiệm đã được khái quát trong ý thức của con người, là toàn bộ những tri thức về thế giới quan; là hệ thống tương đối độc lập của các tri thức có tác dụng tái hiện trong logic của các khái niệm, cái logic khách quan của các sự vật, hiện tượng.
Lý luận, hiểu theo nghĩa rộng là hệ thống quan niệm chủ đạo trong một lĩnh vực tri thức, kinh nghiệm của loài người đã khái quát, sự tổng hợp các tri thức về tự nhiên và xã hội tích lũy được trong quá trình lịch sử, hướng tới giải thích, làm rõ một lĩnh vực nào đó của hiện thực. Xét về bản chất, lý luận là một hệ thống tri thức được khái quát từ thực tiễn, phản ánh những mối liên hệ bản chất, những tính quy luật của thế giới quan.
Theo Lênin, bản chất của lý luận là hình ảnh chủ quan của thế giới, khách quan, là sự sao chép gần đúng hiện thực khách quan, còn hình thức của lý luận rất phong phú và đa dạng. Lý luận là sản phẩm của sự phát triển cao của nhận thức, đồng thời thể hiện như là trình độ của nhận thức.
Theo Hồ Chí Minh, “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”.
Trong đời sống xã hội, những lý luận tiên tiến, khoa học phản ánh đúng đắn các quy luật chi phối sự tồn tại và phát triển của xã hội, của giai cấp tiến bộ cách mạng, là cơ sở của những chương trình cải biến cách mạng xã hội. Lịch sử phát triển của khoa học chỉ ra rằng, vai trò của lý luận khoa học ngày càng tăng lên. Đối với sự phát triển xã hội, xu hướng đó thể hiện trong quá trình phát triển từ tri thức tiền khoa học đến tri thức khoa học; từ tri thức kinh nghiệm đến tri thức lý luận; từ khoa học thực nghiệm đến khoa học lý thuyết; từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội.
Trong thời đại ngày nay, với những biến đổi nhanh chóng, sâu sắc và phức tạp của tình hình thế giới, với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại trong việc biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp, lý luận lại càng có vai trò lớn lao. Nó giúp người ta nhận thức đúng đắn thực tiễn thế giới, chiều hướng phát triển của thế giới, những vấn đề về cách mạng và tiến bộ xã hội, về hướng đi, hình thức, giải pháp của các dân tộc trên con đường phát triển của mình.
Cho nên lý luận lúc này đang cần cho định hướng nhận thức tư tưởng, mục tiêu và con đường đi lên của các dân tộc trên thế giới. Đánh giá về vai trò của lý luận khoa học đối với giai cấp cách mạng, ai cũng thấy rằng, không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng, chỉ có Đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong.
Lý luận là yếu tố cơ sở của tri thức khoa học. Đó là những nhận định, những quan niệm mới được xác lập, mới được hình thành từ tư duy logic hoặc từ tổng kết thực tiễn. Muốn có lý luận phải có tiền đề lý luận. Tiền đề lý luận là một trong những yếu tố hình thành lý luận và phát triển lý luận. Nếu có những tiền đề đáng được suy lý, đúc rút và kết luận thì sẽ hình thành những luận điểm lý luận đúng đắn, hình thành những quan niệm mang tính chuẩn mực, bền vững.
Bởi vậy, tiền đề lý luận cũng là điểm xuất phát của tư duy sáng tạo, của việc phát triển lý luận không ngừng, Lênin đã từng chỉ rõ: Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống.
Đảng ta do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện luôi coi trọng công tác lý luận. Coi công tác lý luận và bộ phận quan trọng, là nhân tố hàng đầu cấu thành hoạt động lãnh đạo của Đảng. Có thể nói sinh mạng của Đảng cũng như sự thành bại của sự nghiệp cách mạng có liên quan chặt chẽ với hoạt động lý luận của Đảng. Điều này được minh chứng hùng hồn qua những chặng đường lịch sử vẻ vang của cách mạng nước ta.
Chính Bác Hồ là người đầu tiên gieo hạt giống lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào mảnh đất màu mỡ, giàu truyền thống dựng nước và giữ nước là đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta. Công tác lý luận được Người khởi xướng và sử dụng từ khi viết những cuốn sách cẩm nang như "Đường kách mệnh", sáng lập ra Báo thanh niên, mở những lớp truyền bá kiến thức, nguyên lý lý luận, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc thành lập Đảng. Và trong suốt hành trình của Đảng, công tác lý luận có đóng góp quan trọng trong việc hình thành và hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ta, đúc rút những bài học kinh nghiệm trên từ đường đi, nước bước của sự nghiệp cách mạng.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám, của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, của công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là của sự nghiệp đổi mới vừa qua đều có sự đóng góp và cũng là thành công của công tác lý luận, của sự đột phá sáng tạo lý luận của Đảng.
Đại hội IX của Đảng đã khẳng định phương hướng công tác lý luận lại đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, thảo luận dân chủ, sớm làm rõ và kết luận những vấn đề mới, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn, từng bước cụ thể hoá, bổ sung phát triển đường lối, chính sách của Đảng; đấu tranh chống lại những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Đảng, khóa IX “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới” đã xác định rõ những nhiệm vụ chủ yếu của công tác lý luận về chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, chặn đà suy thoái về đạo đức, lối sống; chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; thực hiện nghiêm túc những chỉ thị, quy định của Đảng về bảo vệ Đảng, xử lý kịp thời theo pháp luật và kỷ luật Đảng mọi hoạt động tán phát tài liệu xấu, thông tin bịa đặt, các thư nặc danh, mạo danh có nội dung xấu...
Đại hội XI của Đảng xác định: “Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới”. Tiếp đó, văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng...
Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Để chỉ đạo trực tiếp công tác lý luận, ngày 09/10/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030. Tiếp đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ và biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 37.
Đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác lý luận, đồng thời mở ra cho lý luận con đường phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, công tác lý luận sẽ từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả, bảo đảm cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định, điều chỉnh, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, phát hiện những quy luật và tính quy luật của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay.