'Áp lực tăng tỷ giá trong ngắn hạn, lãi suất cho vay sẽ khó giảm thêm'
(DNTO) - Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận, cho vay đang vào kỳ tăng mạnh, song ngân hàng thương mại khó giảm thêm lãi suất vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp.
Sau bước tăng mạnh do ảnh hưởng từ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đồng USD đã có phiên đảo chiều khi Cục dự trữ liên bang Mỹ giảm lãi suất. Đỉnh điểm, ngày 7/11, tỷ giá trung tâm được NHNN tăng thêm 25 đồng, lên mức 24.283 VND/USD. Đây là mức tỷ giá trung tâm cao nhất lịch sử kể từ khi cơ chế này được NHNN áp dụng từ đầu năm 2016. Tại tất cả ngân hàng lớn, tỷ giá USD đã được niêm yết kịch trần, giá bán USD ở mức 25.497 VND/USD - mức giá cao nhất lịch sử, cao hơn cả giai đoạn tháng 4, tháng 5/2024.
Bước sang ngày 8/11, tỷ giá đã hạ nhiệt, tỷ giá trung tâm giảm 5 đồng/USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, áp lực tỷ giá vẫn sẽ tăng cao trong tháng 11 này, thậm chí cao điểm đồng VND có thể mất giá 5%, tỷ giá sẽ tiệm cận 26.000 VND/USD.
“Chưa kể yếu tố bên ngoài, việc các doanh nghiệp thường tăng nhập khẩu hàng hóa để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cuối năm do yếu tố mùa vụ; và Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh mua vào USD tới 1 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng cũng đủ gây áp lực lên tỷ giá”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phân tích.
Chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV, sáng 11/11, đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: “Thời gian qua, đồng USD mạnh lên gây áp lực tới tỷ giá, giá các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam bị đội lên và làm tăng giá thành. Đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết giải pháp ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt là về tỷ giá? Đồng thời chỉ rõ các giải pháp tiếp tục giảm lãi suất để doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng?”
Giải trình về vấn đề này, Thống đốc cho biết thời gian qua diễn biến trên thị trường tiền tệ quốc tế rất phức tạp. Đồng USD biến động mạnh, có giảm vào tháng 92024 nhưng sau đó tăng rất mạnh vào tháng 10. Do đó, việc ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá rất khó khăn, phụ thuộc lớn vào cung – cầu ngoại tệ thực của nền kinh tế.
Chưa kể hiện nay nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tình trạng đô la hoá, do đó thị trường bị tác động bởi tâm lý và kỳ vọng rất nhiều. Nhiều tổ chức có ngoại tệ không bán, hoặc chưa có nhu cầu thực họ đã mua. "NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, khi thị trường có nhu cầu thực thì sẽ bán can thiệp".
Đồng thời nhấn mạnh, áp lực tỷ giá khiến lãi suất khó giảm thêm. “Nếu NHNN giảm lãi suất thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khi tỷ giá diễn biến không như kỳ vọng".
Ngoài vấn đề tỷ giá, bà Hồng cho biết, nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất và nợ xấu là trở ngại khiến ngân hàng thương mại khó giảm thêm lãi suất cho vay, vì lãi suất phản ánh rủi ro của nền kinh tế.
"Tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, tăng hơn 2 lần so với mức 2% của năm 2022", Thống đốc thông tin.
Không chỉ vậy, NHNN cho rằng, sức ép cung ứng vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế vẫn còn lớn, kể cả vốn trung dài hạn trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn).
"Với những khó khăn thách thức này, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, AMRO đều nhận định dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện rất hạn hẹp và khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng", Thống đốc nêu rõ.
'Còn dư địa cho vay bất động sản không?
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản Việt Nam chiếm khoảng 20%, trong khi Trung Quốc có thời điểm cao hơn 30%. "Như vậy, còn dư địa cho vay bất động sản hay không và quan điểm của Thống đốc thế nào?", đại biểu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ tín dụng đối với bất động sản tại Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 20-21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Việc các ngân hàng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào, tỷ lệ bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của họ, dựa trên cơ sở nguồn vốn huy động.
“Với mỗi một ngân hàng, huy động của người dân để cho vay, mỗi ngân hàng huy động kỳ hạn khác nhau. Có ngân hàng huy động được nhiều vốn dài hạn, nhưng cũng có đơn vị huy động được vốn ngắn hạn. Do đó, khi cấp tín dụng bất động sản - tín dụng trung dài hạn thì các ngân hàng phải cân đối”, bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, toàn hệ thống Việt Nam tiền gửi huy động đến 80% là vốn ngắn hạn, nên khả năng cho vay tiếp tục thị trường bất động sản phải dựa trên nguyên tắc an toàn, để đảm bảo khi người dân rút tiền thì các ngân hàng có khả năng chi trả.
Thống đốc nhấn mạnh: NHNN không có quy định cấm không cho vay bất động sản. Tuy nhiên mỗi tổ chức tín dụng phải an toàn và cả hệ thống phải an toàn.
“Khi phân bổ hạn mức cho các TCTD, chúng tôi đều phải đánh giá xếp hạng, khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD. Về mặt quy định, NHNN có chỉ tiêu sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không được quá 30%. Trong giám sát hàng ngày, chúng tôi cũng có cảnh bảo với các TCTD có tiềm ẩn rủi ro như vậy để đảm bảo an toàn hệ thống”, bà Hồng nói.