Nghìn tỷ 'bay' theo bão, lãi vay giảm mạnh từ 0,5-2%/năm để thúc khởi động sản xuất kinh doanh
(DNTO) - Khó khăn từ vốn và chi phí chưa chưa qua, "cú bồi" từ siêu bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều doanh nghiệp khắp cả nước. Bên cạnh cơ cấu nợ, giảm lãi suất, ưu đãi các khoản vay mới, các chuyên gia đề xuất cần các giải pháp hỗ trợ toàn diện hơn để dồn tổng lực cho doanh nghiệp phục hồi.
Nhiều doanh nghiệp gần như mất trắng tài sản
Siêu bão Yagi càn quét đã gây ra tác động nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế, "ngấm đòn" nặng nề nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, vận tải, thuỷ sản…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất lúa màu và cây trồng như CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - NSC), siêu bão càn quét qua các tỉnh Thái Bình và Nam Định, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến tăng chi phí phục hồi và tác động tiêu cực đến doanh thu, đặc biệt là trong mùa vụ tới.
Các doanh nghiệp xây dựng lớn tại miền Bắc như Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG), Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HAN) cũng bị hư hỏng thiết bị và cơ sở hạ tầng tại các công trường xây dựng. Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt và đình trệ các dự án, khiến các nhà thầu phải tạm dừng thi công, làm tăng chi phí do kéo dài tiến độ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải và logistics như Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - MVN), CTCP Xếp dỡ và Vận tải Hải An (HAH) cũng bị gián đoạn hoạt động do các cảng biển tại khu vực phía Bắc bị đóng cửa.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hải Phòng, và Quảng Ninh, tính đến hết ngày 10/9, các tổ chức tín dụng trên địa bàn ghi nhận gần 12.000 khách hàng vay vốn ngân hàng tại hai địa phương bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, đang cần được hỗ trợ gấp với tổng dư nợ là hơn 26.000 tỷ đồng...
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, tất cả những doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ở Quảng Ninh và Hải Phòng đều bị thiệt hại nặng. Đặc biệt, đơn vị nào có hàng thành phẩm đang để trong kho thì thiệt hại càng lớn, bởi bị cúp điện thì kho lạnh bảo quản hàng hóa sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn.
"Mỗi doanh nghiệp sẽ có vài chục tấn đến cả ngàn tấn thành phẩm, qua cơn bão xem như không còn gì. Bởi đặc điểm của ngành phải duy trì kho lạnh liên tục, đủ nhiệt độ… nên chỉ cần không đảm bảo thì hàng hóa hư hỏng hết", ông Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho hay.
Giảm lãi suất và có các giải pháp hỗ trợ toàn diện hơn
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính cho rằng, việc triển khai thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ sẽ do từng ngân hàng thương mại chủ động, đánh giá khách hàng dựa trên từng hợp đồng vay, mối quan hệ… Cho nên, các ngân hàng thương mại cần chủ động kết nối với chính quyền địa phương để có xác nhận thiệt hại của khách hàng mà không nên đợi doanh nghiệp "kêu cứu". Điều này thể hiện được tinh thần đồng hành đôi bên cùng có lợi, bởi nếu doanh nghiệp không thể khôi phục sản xuất thì mất khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ bị gia tăng nợ xấu.
Vấn đề này cũng được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhìn nhận và chỉ đạo các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp vùng bão lũ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
“Bằng thẩm quyền của mình, các chi nhánh cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh,…từ đó mới có nguồn tiền hoàn trả lại ngân hàng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu tại cuộc họp ngày 12/9.
Trên tinh thần quán triệt của NHNN, các ngân hàng thương mại cũng đang ráo riết vào cuộc. Agribank là nhà băng đi đầu trong việc cấp tín dụng đối với nông lâm thủy sản, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra thiên tai. "Dự kiến ngay tuần tới, ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay với khách hàng bị thiệt hại do bão, với mức giảm từ 0,5-2%/năm so với lãi suất đang áp dụng”, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank, thông tin.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, VPBank công bố giảm lãi suất cho vay 1%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn và giảm 0,5%/năm lãi suất với khoản vay ngắn hạn từ ngày 13/9 đến hết 31/12 cho khách hàng cá nhân có tài sản bảo đảm tại ngân hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Các ngân hàng MSB, Eximbank cũng thông báo giảm 1%/năm lãi suất vay đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ. Thậm chí, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ (MSME) và khách hàng cá nhân, Eximbank giảm 2%/năm so với lãi suất thông thường.
Ngoài những biện pháp của NHNN, các chuyên gia cho rằng, nếu thống kê quy mô thiệt hại quá lớn thì cần đề xuất mở rộng đối tượng được hỗ trợ, bao gồm cả những đơn vị bị ảnh hưởng gián tiếp như không vận chuyển được hàng hóa hoặc bị ảnh hưởng trong chuỗi cung ứng...
Về lâu dài, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia cao cấp về thuế, giảng viên trường Đại học Kinh doanh Công nghệ, đề xuất các giải pháp hỗ trợ toàn diện hơn như giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ thúc đẩy tiêu dùng, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động, tăng mức giảm trừ gia cảnh. Ngoài ra, cần có những giải pháp đồng bộ khác như giảm chi phí thuê đất, phí BOT, logistics, dịch vụ bưu điện, viễn thông để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau thiên tai.