Xuất khẩu và hút FDI là động lực chính thúc kinh tế tăng trưởng cao trong năm nay
(DNTO) - Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2024 đạt gần 38 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước và là tháng có kết quả xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay, cùng với khả năng hút FDI cả năm 2024 sẽ đạt mức 39 - 40 tỉ USD, được kỳ vọng là lực kéo chính giúp kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao.
Doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu hơn 112 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ và EU
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và tăng tốc khá nhanh, khi nhu cầu thị trường toàn cầu cải thiện. Qua chặng đường 8 tháng năm 2024, các nhà cung ứng Việt Nam đã xuất khẩu 112,3 tỷ USD hàng hóa các loại sang thị trường EU và Mỹ, trong đó có 77,9 tỷ USD sang Mỹ và 34,4 tỷ USD sang EU. Với con số xuất khẩu kể trên, xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục dẫn đầu về trị giá, tăng 24,5% so với cùng kỳ, còn EU tăng 18,5%.
Cụ thể, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD, sang EU đạt. 34,4 tỷ USD... Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, ước đạt 92,3 tỷ USD.
8 tháng năm 2024, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 68,1 tỷ USD tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 22%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,7 tỷ USD, tăng 30,5%; nhập siêu từ Trung Quốc 54,4 tỷ USD, tăng 69,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập siêu từ ASEAN 5,8 tỷ USD, tăng 14,8%.
Đây là số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố, ngày 6/9. Đáng chú ý, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%). Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD.
Ông Nguyễn Ngọc Chung, Tổng Giám đốc Công ty Dụng cụ cơ khí xuất khẩu cho biết: Doanh nghiệp đang phải nhập thêm khoảng 20% cái giá trị vật tư đang đã có trong kho để chúng tôi chuẩn bị cho xuất khẩu cho năm 2024 này. "Chúng tôi tăng trưởng khoảng 10-15%, đạt được 11-12 triệu USD năm 2024."
Xuất khẩu các tháng đầu năm khả quan là nhờ hiệu quả của các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tận dụng tốt những ưu đãi trong các FTA. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song trong bối cảnh "ấm dần" của thị trường quốc tế, xuất nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
Theo Ngân hàng Thế giới, trong nửa đầu năm, động lực từ xuất khẩu công nghiệp chế biến chế tạo đã góp phần nâng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam lên cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chỉ 5% của nửa đầu năm ngoái.
"Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu trong nửa đầu năm nay để tăng đơn hàng, nhất là ở các thị trường đối tác thương mại lớn. Sản lượng sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng mạnh, đóng góp đến ¼ tăng trưởng GDP", bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.
'Rộng cửa' đón vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ
Việt Nam đang trở thành “điểm hội tụ” của những “ông lớn” công nghệ thế giới với những dự án hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD. Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy tính đến ngày 31/8/2024, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Dòng vốn FDI mạnh mẽ cũng chính là động lực quan trọng góp phần giúp tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm đạt 6,42%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.
“Qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT), niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39 - 40 tỉ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023”, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương nhận định. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Bộ KHĐT mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ đạt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn (7%) trong năm 2024.
Tại một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, ghi nhận trong 8 tháng đầu của năm 2024 đã và đang tiếp tục đón “sóng” đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là ngành sản xuất bán dẫn, công nghệ thông tin, thiết bị tự động hóa, sản xuất công nghệ mới.
Đơn cử như hơn 1,1 tỷ USD vốn FDI đã rót cho tỉnh Bình Dương ở các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo. Để giữ chân các "đại bàng", tỉnh này đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm 10 khu công nghiệp mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện tại theo hướng cao hơn về công nghệ.
Tương tự, các ngành sản xuất bán dẫn ở Đồng Nai cũng mang về gần 1,1 tỷ USD vốn FDI, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Để tạo sức thu hút, tỉnh này cho hay, sẽ mở rộng ít nhất 2 khu công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, với diện tích trên 600 ha, trong đó tập trung vào các ngành công nghệ bán dẫn, sản xuất chíp và Trí tuệ nhân tạo (AI); ngành thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin...
Không chỉ hai địa phương nêu trên, để tăng sức cạnh tranh giữ chân khối ngoại rót vốn vào công nghiệp công nghệ số, ở một số tỉnh, thành phố khác cũng đang cố gắng để tạo môi trường tốt nhất để hướng đến “làn sóng” đầu tư mới này.
Tuy nhiên, để mở cánh cửa phát triển công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam “có ưu đãi hấp dẫn là chưa đủ”, mà cần phải có cơ chế thu hút đầu tư mang tính chiến lược và hiệu quả. Chính vì vậy, khi góp ý vào Dự án luật Công nghiệp công nghệ số (đang được lấy ý kiến), bà Nguyễn Phương Ly, Giám đốc dự án Viện Tony Blair tại Việt Nam, đưa ra đề xuất cần thành lập bộ phận phụ trách đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ số, thuộc Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhằm mục đích trở thành đầu mối chính làm việc với nhà đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ cung cấp thông tin về ngành, chính sách cũng như các ưu đãi của Chính phủ, giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư, cũng như là cầu nối giữa nhà đầu tư và địa phương.
“Đây là mô hình đã được thực hiện ở một số quốc gia như Cục xúc tiến thương mại và đầu tư của Đức, với những bộ phận chuyên trách về từng lĩnh vực cụ thể là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của Đức như ngành công nghiệp vận tải, sản xuất công nghiệp, năng lượng... nhờ việc chuyên môn hóa, những bộ phận này có thể cung cấp thông tin sát với nhu cầu của nhà đầu tư cũng như hỗ trợ kết nối kịp thời với các cơ quan liên quan”, bà Ly chia sẻ.
Bên cạnh đó, đối với những thị trường được xác định là trọng điểm trong việc thu hút nhà đầu tư về công nghiệp công nghệ số, bà Ly kiến nghị có đại diện xúc tiến đầu tư phụ trách chuyên môn tại các thị trường này để tích cực tham gia vào việc tiếp xúc với nhà đầu tư. Cơ chế đãi ngộ, xây dựng năng lực cho đội ngũ này sẽ cần được nghiên cứu và bổ sung trong các hướng dẫn chi tiết.