Mất cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn là 'điểm nghẽn' của nền kinh tế
(DNTO) - Cơ cấu các nguồn vốn cho nền kinh tế đang bộc lộ nhiều điểm yếu khi bị mất cân đối về dòng tiền. Trong khi vốn tín dụng ngân hàng chiếm một nửa tổng lượng vốn cung ứng cho thị trường, thì huy động vốn qua kênh cổ phiếu mỗi năm chỉ được khoảng 120.000 tỷ đồng, đầu tư tư nhân chỉ đóng góp khoảng 4-5%.
Nguồn vốn tín dụng đối với nền kinh tế chiếm tới 130% của GDP
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Quốc hội đặt ra cho năm nay là 6 - 6,5%. Đây là bài toán rất khó, nhưng cũng có thể thực hiện được và vấn đề quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng thế nào. Tăng trưởng GDP có thể cao, nhưng không hẳn trở thành quốc gia thịnh vượng, bởi của cải thực chất của một quốc gia là chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) và tiết kiệm, chứ không phải là GDP.
Chênh lệch giữa GNI và GDP của Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng, từ khoảng 1,4% năm 2000, lên xấp xỉ 5% năm 2023. Nếu như năm 2000, số tiền nhà đầu tư nước ngoài chuyển ra khỏi Việt Nam (nhờ lợi nhuận) chỉ khoảng 0,45 tỷ USD, thì con số này đã lên tới 21 tỷ USD vào năm 2023, tức là còn lớn hơn lượng kiều hối gửi về nước (19 tỷ USD). Hiện tượng này có thể tác động xấu đến tỷ lệ tiết kiệm cũng như tích lũy tài sản cố định của Việt Nam, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Nhận định tại hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới”, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra điểm yếu của nền kinh tế là chất lượng tăng trưởng chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn.
Theo vị chuyên gia, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế chậm dẫn đến phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả; năng suất lao động còn thấp và chậm cải thiện (tốc độ tăng năng suất lao động 2019-2023 đạt khoảng 5,5%, thấp hơn mục tiêu 6,5% giai đoạn 2021- 2025)…, là yếu tố chính kéo tụt chất lượng tăng trưởng.
Chỉ ra sự mất cân đối trong cơ cấu các nguồn vốn cho nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho hay, tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2019 - 2024 dựa trên phân loại theo nguồn vốn đầu tư, tín dụng vẫn là kênh cấp vốn chính cho nền kinh tế, với tỷ lệ lên tới 53,54% trong 6 tháng đầu năm 2024, trong khi đó kênh cổ phiếu chỉ chiếm 0,75%; kênh trái phiếu doanh nghiệp 8%...
“Vốn tín dụng ngân hàng đang chiếm một nửa trong tổng lượng vốn cung cho nền kinh tế, trong khi huy động vốn qua kênh cổ phiếu cực kỳ nhỏ, mỗi năm chỉ được khoảng 120.000 tỷ đồng, bằng một ngân hàng trung bình huy động vốn. Như vậy, cần thúc đẩy hơn nữa vai trò huy động vốn của thị trường chứng khoán”, TS Lực nói.
Trái phiếu doanh nghiệp là nguồn vốn trung - dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, đạt khối lượng phát hành kỷ lục vào năm 2021 với hơn 740 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, những vụ vi phạm nghiêm trọng trong năm 2022 khiến đà tăng trưởng này bị chậm lại.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì có năm rất tốt như 2021, cung ứng đến 23,49% nhu cầu vốn cho nền kinh tế nhưng từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2024 sụt giảm mạnh sau nhiều vụ sai phạm, chỉ còn đóng góp khoảng 8% tổng lượng vốn cho nền kinh tế. Đầu tư tư nhân liên tục sụt giảm từ năm 2020 đến nay, chỉ đóng góp khoảng 4-5% tổng lượng vốn cho nền kinh tế”, ông Lực đánh giá.
Doanh nghiệp vẫn 'cô đơn' với nguồn vốn xanh
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam đang ở ngã rẽ quan trọng trên con đường phát triển kinh tế bền vững và thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường. Theo đó, sự phát triển của thị trường vốn, đặc biệt là tài chính xanh, sẽ là chìa khóa để đạt được những mục tiêu tham vọng này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều rào cản trong việc huy động và triển khai nguồn lực tài chính xanh. Các tổ chức tín dụng tại Việt Nam vẫn đang áp dụng theo tiêu chuẩn tín dụng xanh của các tổ chức tài chính quốc tế mà giải ngân thông qua hệ thống tín dụng của Việt Nam. Điều này rất khó khăn.
“Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh được nghe rất nhiều đến "vốn xanh", nhưng chưa vay được đồng nào từ nguồn này, doanh nghiệp hoặc sử dụng vốn tự có hoặc vay nguồn lực từ bên ngoài, chứ chưa huy động được ở trong nước”, ông Lực nhấn mạnh.
Chỉ rõ những hạn chế, vị chuyên gia cho hay, hiện nay, bộ tiêu chuẩn về tiêu chí xanh về thực hiện tín dụng xanh giữa các ngân hàng chưa thống nhất, mỗi ngân hàng đều áp dụng một kiểu. Do vậy, việc thiết lập một bộ tiêu chuẩn xanh của Việt Nam, với sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện kinh tế trong nước là vô cùng cấp thiết. Điều này sẽ giúp các ngân hàng và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh.
Một lĩnh vực đầy triển vọng khác là thị trường carbon và tín chỉ carbon, tuy nhiên đây vẫn là một thị trường mới nổi và cần nhiều thời gian để phát triển. Việc nhanh chóng hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn và quy định về thị trường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính xanh trong tương lai.
"Cần thiết lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh để hỗ trợ cho doanh nghiệp có nguồn lực, bởi chi phí chuyển đổi xanh và thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 là rất lớn nhưng các doanh nghiệp lại không được tăng giá bán. Điều này trực tiếp khiến các doanh nghiệp rất khó khăn để vừa đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh vừa cân đối được nguồn lực tài chính", TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Đồng thời nhấn mạnh, phải có những hành động quyết liệt, cấp bách để phục hồi sự đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như các nguồn vốn tự có rót vào khu vực này. Đồng thời tháo gỡ những điểm nghẽn để thu hút thêm những nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển cao hơn của nền kinh tế.