Chỉ 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn tín dụng: Cấp bách tìm giải pháp gỡ khó
(DNTO) - Nhu cầu vay vốn là rất lớn, song hiện chỉ khoảng 2% hợp tác xã (HTX) tiếp cận được vốn từ các tổ chức tín dụng, 80% HTX phải vay ở hệ thống tín dụng đen với lãi suất cao. Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ rõ, việc tín dụng chưa "chảy" vào HTX nguyên nhân đến từ cả 2 phía HTX và ngân hàng.
Đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay đối với HTX đạt 6.043 tỷ đồng, với gần 1.200 HTX vay vốn, trong đó, tín dụng đối với HTX nông nghiệp chỉ chiếm 17,42%, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng 52,96%, lĩnh vực thương mại dịch vụ 29,62%. Một vấn đề đặt ra hiện nay là cho vay đối với HTX chỉ khoảng 6.000 tỷ đồng trong tổng 14 triệu tỷ đồng cho vay của nền kinh tế. Như vậy, tín dụng vẫn không vào được HTX.
Tại Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”, ngày 23/4, ông Nguyễn Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Công bằng Thuận An, tỉnh Đăk Nông, cho hay, hiện nay các quy định cho vay chặt chẽ của ngân hàng khiến HTX khó tiếp cận nguồn vốn. HTX Thuận An có giá trị tài sản chung hơn 10 tỷ đồng nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn do thủ tục phức tạp, rườm rà.
“Chúng tôi nhiều lần làm việc với các tổ chức tín dụng để mong vay vốn nhưng không thể tiếp cận được do vướng điều kiện vay như Nghị quyết 100% thành viên ký xác nhận, phải có tài sản thế chấp để đảm bảo vay vốn…”, ông Hạ trăn trở.
Theo ông Trần Văn Phiệt, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định, rất nhiều HTX hiện nay chưa vay được vốn từ các tổ chức tín dụng. Hiện, Nghị định 55 quy định rất rõ việc cho vay đối với HTX. Nhiều HTX, nhất là HTX thủy sản, nông nghiệp, HTX sản xuất muối… được vay 1 tỷ đồng, 3 tỷ đồng/HTX và vay không cần tài sản đảm bảo. Nhưng ông Phiệt nhấn mạnh, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nam Định chưa HTX nào được tiếp cận vốn từ với những nội dung hỗ trợ này.
"Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, chỉ khoảng 2% HTX tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng. Đây là con số khiêm tốn trong khi nhu cầu vay vốn từ các HTX rất lớn", ông Phiệt cho hay và kiến nghị được tạo điều kiện về vốn hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo hướng giảm bớt các điều kiện được vay vốn, có cơ chế cho các HTX được vay vốn lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, thời gian cho vay đối với sản xuất nông nghiệp có thời gian vay dài tối thiểu từ 10 năm trở lên…
Nhấn mạnh thực tế, số liệu khảo sát trên 300 HTX thì đến 80% HTX phải vay ở thị trường phi chính sách và hệ thống tín dụng đen với lãi suất cao, thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ cho đáo nợ, chờ vốn tín dụng...
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhận định, để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực HTX, vốn tín dụng được xem là yếu tố quyết định để phát triển.
"Cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật HTX có hiệu lực từ 1/7/2024, các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển HTX, để khu vực này phát triển hiệu quả, đúng bản chất", bà Vân nói.
Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cho hay việc tín dụng chưa "chảy" vào được với HTX nguyên nhân đến từ cả 2 phía HTX và ngân hàng. Do đó nhìn ở cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, muốn HTX phát triển về số lượng và tiếp cận được vốn thì đi cùng với đó cần giúp HTX tiếp cận được những chính sách hỗ trợ HTX về thị trường, công nghệ. Bởi HTX chưa ứng dụng công nghệ, chưa có đầu ra thì chưa thể tiếp cận được nguồn vốn.
Ông Tú phân tích, về nội tại HTX, mô hình này cần có tư cách pháp lý, kiểm toán rõ ràng bởi HTX chưa rõ pháp lý thì không ngân hàng nào dám cho vay. Còn về các tổ chức tín dụng, nhiều nơi còn chặt chẽ, thiếu trách nhiệm trong tư vấn hỗ trợ HTX.
“Giải quyết bài toán sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ manh mún bằng cách các HTX tích cực tham gia vào chuỗi giá trị để phát huy tối đa khả năng, tiềm năng. Đặc biệt, các Quỹ tín dụng hỗ trợ và hệ thống ngân hàng cũng phải tham gia vào chuỗi giá trị, đây cũng là một mắt xích quan trọng trong việc cung ứng vốn kịp thời cho các HTX có nhu cầu vay vốn cải tiến công nghệ hay mở rộng quy mô sản xuất”.
Đồng thời nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát Nghị định 55 để làm rõ nét hơn chính sách tín dụng, tiền tệ cho khu vực này. Hiện, các chính sách về tín dụng đang tập chung vào các HTX nông nghiệp, thiếu chính sách cho HTX phi nông nghiệp.
Ngoài ra, sẽ xem xét để có những chính sách cho vay đối với HTX hợp lý, đảm bảo công bằng trong xã hội. Đi liền với đó, các ngân hàng chi nhánh tỉnh, thành phố cần nhìn nhận đầy đủ thực trạng HTX, những HTX hoạt động hiệu quả để tập trung tín dụng cho vay một cách phù hợp. Các ngân hàng cũng cần cải tiến thủ tục, coi HTX là đối tượng quan trọng để xây dựng thủ tục, lãi suất, thời gian cho vay một cách phù hợp.