Thứ bảy, 21/06/2025
Doanh Nhân Trẻ

Doanh Nhân Trẻ

  • Click để copy

Vì sao ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không tiếp cận được?

Hồng Gấm
- 13:00, 28/07/2022

(DNTO) - Hiện nay, con đường tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của các hợp tác xã và doanh nghiệp vẫn còn chông chênh, nhiều khó khăn, khiến tình trạng ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp lại khát vốn vẫn là bài toán nan giải. 

Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã khai thông tín dụng phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Ảnh: TL.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã khai thông tín dụng phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Ảnh: TL.

Những vướng mắc khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng

Trong những năm qua, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã đã từng bước khẳng định những đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là kinh tế tập thể trong đó nòng cốt là các hợp tác xã vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, cũng như sự kỳ vọng vào sứ mệnh của khu vực kinh tế này. 

Có rất nhiều nguyên nhân đã được nhận diện, đề cập, phân tích, trong đó một nguyên nhân được nhấn mạnh là thiếu nguồn lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng dư nợ đến năm 2021 của hợp tác xã nông nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng và chỉ khoảng 7.000 hợp tác xã được hỗ trợ quỹ tín dụng, 3,7% được tiếp cận tín dụng hàng năm. Đây là con số rất khiêm tốn. Mỗi năm chỉ khoảng 45 hợp tác xã nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ quỹ phát triển... 

Chia sẻ về những vướng mắc khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, tại Diễn đàn "Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ", sáng nay 28/7, ông Đặng Vinh Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước cho rằng, đối với việc vay vốn tại các ngân hàng chính sách, ngân hàng TMCP, hiện tại các ngân hàng chính sách định giá đất nông nghiệp trên khung giá do UBND tỉnh cấp, không phù hợp với thực tế.

“Ví dụ, một số ngân hàng chính sách đang định giá đất nông nghiệp ở mức 30.000 - 50.000 cho 1 mét vuông đất. Với mức định giá thế này, nhiều nông dân và hợp tác xã không thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng”, ông Hòa trần tình.

Đồng thời, ông kêu gọi các ngân hàng, đơn vị thẩm định cần làm việc để thực hiện định giá đúng cho đất nông nghiệp.

"Do doanh nghiệp đầu tư cho hợp tác xã còn ít nên rất mong được ưu tiên việc cấp mã vùng trồng cho hợp tác xã thay vì cho các doanh nghiệp. Như vậy có thể kích thích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho hợp tác xã, hạn chế tình trạng nếu doanh nghiệp làm không tốt sẽ khiến vùng trồng bị cấm mã số vùng trồng gây ảnh hưởng tới nông dân và hợp tác xã.

Thực tế hiện tại, các doanh nghiệp lớn luôn được tiếp cận với lãi suất ưu đãi nhưng các doanh nghiệp nhỏ lại bị hạn chế. Như vậy, chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước có chính sách phù hợp để cấp hạn ngạch lãi suất phù hợp hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Hòa đề xuất.

Cùng trăn trở, ông Cần Hoài Anh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tâm Tính cho biết: “Hợp tác xã chúng tôi là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết măng tre Bát Độ huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Khi lập kế hoạch xây dựng chuỗi trong 5 năm từ 2022 – 2027, chúng tôi có hơn 1.000 hộ nông dân tham gia với diện tích vùng nguyên liệu đăng ký trồng là 1.000ha. 

Nhưng vì nguồn vốn của hợp tác xã có hạn nên trong năm 2022, chúng tôi mới chỉ hỗ trợ được bà con cho nợ cây giống để trồng được 50ha. Chúng tôi kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước có chính sách phù hợp cho hợp tác xã là đơn vị chủ trì chuỗi liên kết được vay vốn để phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Và chúng tôi cũng kiến nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sớm hướng dẫn và triển khai cho các hộ tham gia chuỗi sản xuất để được vay vốn, tham gia chuỗi theo Nghị quyết 28 của Ủy ban Dân tộc", ông Hoài Anh mong mỏi.

Về phần mình, ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Ngọc An (Bình Định) cho biết: Hợp tác xã Ngọc An được chuyển đổi từ hợp tác xã kiểu cũ sang. Trong hợp tác xã có nhiều dịch vụ cho các thành viên như trồng trọt, vật tư nông nghiệp..., trong đó có hoạt động tín dụng nội bộ hoạt động từ năm 1997 đến nay.

Hiện nay, hợp tác xã hoạt động tín dụng nội bộ theo cách thức huy động nguồn vốn góp từ các thành viên, chưa tiếp cận được với nguồn vốn nào từ ngân hàng. Hợp tác xã mới xây dựng quy chế hoạt động tín dụng nội bộ, chưa có thông tư hướng dẫn nào từ phía Nhà nước, ngân hàng.

"Tín dụng nội bộ rất phù hợp, gần gũi, thực tiễn với các thành viên, đặc biệt là thành viên ở nông thôn. Việc tiếp cận nguồn vốn vay qua hợp tác xã tuy nhỏ nhưng nhanh gọn so với tín dụng từ ngân hàng. Tôi rất mong rằng, trong thời gian tới các cơ quan, ban ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa tới các hợp tác xã, trong đó có hoạt động tín dụng nội bộ", ông Nghiệp giãi bày.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ độ tin cậy?

Không có tài sản thế chấp, hồ sơ dự án không khả thi, sổ sách tài chính chưa rõ ràng, hiệu quả hoạt động hạn chế khiến ngân hàng không mặn mà rót vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: TL.

Không có tài sản thế chấp, hồ sơ dự án không khả thi, sổ sách tài chính chưa rõ ràng, hiệu quả hoạt động hạn chế khiến ngân hàng không mặn mà rót vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: TL.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), cho rằng, đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm, có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ.

Điển hình là Nghị quyết 105, Nghị quyết 43 của Quốc hội hay Nghị quyết 11 của Chính phủ mới đây. Trong đó có một chính sách rất quan trọng, đó là ngân sách Trung ương dành 40.000 tỷ đồng để cấp bù 2% lãi suất cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi trong nền kinh tế. 

“Trong bối cảnh Covid-19, quỹ này thông báo lãi suất chỉ hơn 4% cho các doanh nghiệp tham gia liên kết. Cũng có thể kể đến mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương. Đây là những cơ chế tín dụng mà rất nhiều nước đã áp dụng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Và ở nhiều dự án của Hoa Kỳ, một số nhà tài trợ đã có các cấu phần để hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng", bà Thủy nhấn mạnh. 

Đặc biệt, bà Thủy cho rằng trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tài chính thì chỉ có 25% tiếp cận được nguồn tài chính chính thống, còn lại là các nguồn khác như huy động từ người thân, vay, mượn tại các nguồn không chính thống. Đây là hạn chế rất lớn, mà nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp không có nguồn lực thay đổi công nghệ để bứt phá. 

“Vì sao ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không tiếp cận được vốn? - bà Thủy đặt câu hỏi và giải đáp: Ghi nhận từ phía ngân hàng phản ánh rằng chúng tôi cũng là doanh nghiệp và cố gắng đảm bảo tín dụng cũng phải hiệu quả, không xảy ra nợ xấu và bảo toàn vốn cho hoạt động kinh doanh. Mấu chốt của vấn đề ở đây là doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa đủ độ tin cậy”. 

"Không có tài sản thế chấp, hồ sơ dự án không khả thi, sổ sách tài chính chưa rõ ràng, hiệu quả hoạt động hạn chế khiến ngân hàng không mặn mà…. Ngoài việc chưa minh bạch tài chính, đa số doanh nghiệp chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Nếu có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng tăng trưởng tốt, công nghệ tốt… thì ngân hàng sẵn sàng "nhảy vào" hỗ trợ", bà Thủy chỉ rõ.

Cần thay đổi cách thẩm định tài sản để doanh nghiệp và hợp tác xã tiếp cận được vốn ngân hàng 

Để khơi thông vốn tín dụng, ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Thành (Lấp Vò, Đồng Tháp), đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứ, xem xét lại một số điểm trong Nghị định 116 vì hợp tác xã không có tài sản thế chấp, đơn vị chủ quản...

"Đề nghị cơ quan có thẩm quyền, tổ 970 có ý kiến kiến nghị với Chính phủ sớm triển khai Nghị định 45 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đơn giản hóa thủ tục để các hợp tác xã dễ tiếp cận", ông Đời cho hay.

Đồng thời, ông kiến nghị thêm: Ngân hàng rất muốn cho vay vốn nhưng hợp tác xã không có cơ quan chủ quản, cơ quan chuyên môn giúp đỡ trong việc thẩm định tài sản vay vốn. Do đó, phải có một đơn vị đứng ra để xác lập chủ sở hữu để có thể thế chấp với ngân hàng.

"Nếu thời gian tới, các hợp tác xã tiếp tục phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ngân hàng mới cho vay vốn thì không bền vững. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu đến việc cho phép ngân hàng địa phương thẩm định thực tế tài sản của hợp tác xã. Bên cạnh đó, có chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể hoạt động này để hợp tác xã sẽ sớm được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng", ông Đời nhấn mạnh.

Về phía cơ quan chủ quản, ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nhận định, khó khăn tiếp cận ngân hàng thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ quả và đặc biệt là hình thành bẫy tín dụng hay tín dụng đen trong phát triển ở khu vực nông thôn.

Từ đó, để trợ lực cho doanh nghiệp, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất một số kiến nghị như cần hỗ trợ từ Nhà nước về vốn, tài sản cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi để hình thành tài sản và thông qua tài sản này có thể đầu tư sản xuất, thế chấp khi vay vốn. 

"Bộ NN&PTNT đang có phương án chỉ đạo đầu tư các trung tâm logistics, sơ chế, bảo quản bãi tập kết cho các hợp tác xã, đề án hỗ trợ vùng nguyên liệu hoặc cơ giới hóa, thúc đẩy tăng tài sản đầu tư cho hợp tác xã.  

Cần sửa đổi Nghị định Luật Tín dụng nội bộ, quy định góp vốn tối thiểu của thành viên hợp tác xã, khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng chính sách tín dụng cho hợp tác xã, cần gói tín dụng để giúp nông dân phát triển tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình GAP…, khuyến khích đầu tư cho hợp tác xã mở rộng thành viên, hợp tác liên kết, sáp nhập các hợp tác xã để tạo thành chuỗi nội bộ sản xuất lớn", ông Định cho hay.

Tin khác

Tài chính - Thị Trường
Theo chuyên gia, thị trường đang cùng lúc xuất hiện nhiều biến số, từ câu chuyện của Fed, xung tại Trung Đông hay thuế quan của Mỹ, tuy nhiên biến số lớn nhất nhà đầu tư cần quan tâm chín là nội tại nền kinh tế.
2 ngày
Tài chính - Thị Trường
Thị trường chứng khoán trong nước giữ tâm lý lạc quan khi bật tăng hơn 22 điểm nhờ đồng loạt các mã cổ phiếu và các nhóm ngành tăng giá, bất chấp lo lắng từ như xung đột giữa Iran - Israel hay thông tin thuế đối ứng của Mỹ.
4 ngày
Tài chính - Thị Trường
Tình hình kinh tế tại châu Á trong các ngày qua có phần ổn định mặc cho nhiều biến động trên thế giới và giá dầu tăng.
4 ngày
Tài chính - Thị Trường
F88 đang từng bước chuẩn bị để chính thức tham gia thị trường chứng khoán với hơn 8,2 triệu cổ phiếu đăng ký, mệnh giá 10.000 đồng.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Diễn biến của tỷ giá VND/USD không còn xuất phát từ các yếu tố quốc tế như DXY hay CNY, mà đến từ sự thay đổi trong chiến lược cấu trúc vốn và nghĩa vụ trả nợ ngoại tệ, điều này có thể tạo nên áp lực mang tính dài hạn, ông Trần Ngọc Báu - CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup cho biết.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Ngân hàng Thế giới dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua ​​thập kỷ tăng trưởng chậm nhất kể từ những năm 1960 do tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Hưởng ứng chiến lược phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Sacombank tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hành vi tiêu dùng hiện đại bằng cách đồng hành với vai trò nhà tài trợ Bạc cho chương trình “Ngày không tiền mặt” 2025.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Nhóm cổ phiếu Viettel đồng loạt tăng điểm dù thị trường ảm đạm, lình xình chờ thông tin từ đàm phán thuế quan. Các mã CTR, VTP, VGI, VTK đều bật mạnh.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
VN-Index khởi động tuần mới bằng hình mẫu cây nến giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, tuy nhiên điều này chủ yếu do một vài mã vốn hóa lớn bị bán mạnh. Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược VPBankS kỳ vọng, sau nhịp chỉnh này, xu hướng tích cực tiếp tục với nhịp bật đi lên.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Tính đến cuối tháng 5, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam đã chính thức vượt 10 triệu đơn vị, tương đương 10% dân số.
1 tuần
Tài chính - Thị Trường
Chi phí vận hành rẻ, nhiều công nghệ an toàn và sở hữu động cơ mạnh nhất phân khúc, VF 8 mang lại cho chủ xe nhiều cảm xúc trên mọi cung đường.
2 tuần
Tài chính - Thị Trường
Một cuộc "khẩu chiến" gay gắt giữa hai nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn bậc nhất thế giới, tỷ phú công nghệ Elon Musk và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động thị trường tài chính, khiến cổ phiếu Tesla lao dốc và tài sản của CEO Elon Musk bốc hơi hàng chục tỷ USD chỉ trong một ngày.
2 tuần
Tài chính - Thị Trường
Dù nhận định thực lực khu vực kinh tế tư nhân còn yếu nhưng theo PGS-TS Trần Đình Thiên, khu vực này giỏi giang, bền bỉ, đóng góp lớn cho xã hội và đã đến lúc phải tích cực gỡ rào, trao niềm tin cho lực lượng này.
2 tuần
Tài chính - Thị Trường
Nhóm cổ phiếu chăn nuôi bất ngờ hút mạnh dòng tiền khi một ông lớn trong ngành đang đối mặt với khó khăn xuất phát từ các nghi vấn liên quan đến an toàn thực phẩm, cũng như việc tuân thủ quy định pháp luật trong nước.
2 tuần
Tài chính - Thị Trường
Ngày 3/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tăng gấp đôi mức thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu vào nước này từ 25 lên 50% bắt đầu từ ngày 4/6.
2 tuần
Xem thêm