Vốn tín dụng bất động sản sẽ 'chảy' nhờ hiệu ứng chính sách tốt
(DNTO) - Sau loạt thông tin trợ lực tích cực từ chính sách, dù còn nhiều thách thức song tâm lý của giới đầu tư địa ốc đã phần nào hồ hởi hơn trước. Các chuyên gia kỳ vọng “mùa xuân” sẽ gõ cửa thị trường bất động sản khi vốn tín dụng đang có dấu hiệu dần len lỏi.
Những ngày cuối năm 2022, thị trường bất động sản đón hàng loạt các tin tích cực. Cụ thể, ngày 10/12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng cộng “bơm” vào nền kinh tế. Việc nới room đã phần nào giải tỏa được “cơn khát” của doanh nghiệp. Đồng thời, cũng tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư bất động sản.
Tiếp đó, trong cuộc họp của Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngân hàng nhà nước rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện, có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội.
Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ giải pháp “cứu” thị trường trái phiếu khi đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng một năm, tức là từ ngày 1/1/2024 sẽ tiếp tục thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại nghị định 65. Động thái này tác động tích cực lên thị trường bất động sản bởi các doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường đều có khối lượng phát hành trái phiếu không hề nhỏ.
Chia sẻ tại diễn đàn "Dự báo thị trường bất động sản 2023", ngày 23/12, PGS.TS Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, năm 2023, "mùa xuân" sẽ đến với thị trường bất động sản khi nhiều Luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, trong đó, rất quan trọng là Luật Đất đai sửa đổi.
Trước loạt tin vui diễn ra những ngày qua, đánh giá về 5 phân mảng thị trường, TS Trần Kim Chung, cho rằng, ở thị trường đầu tiên là thị trường đất đai đã có dấu hiệu tốt lên và được kỳ vọng có thể đưa luồng tiền lớn vào thị trường với những yếu tố quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 18 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Thứ hai, phân khúc nhà ở, từ tình trạng mất cân đối cung - cầu trong năm 2022, cán cân sẽ thăng bằng hơn khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chú trọng phát triển nhà ở xã hội góp phần đưa ra thị trường sản phẩm hàng hoá phù hợp kèm theo những cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính.
Thứ ba, phân khúc bất động sản công nghiệp chưa khi nào có cơ hội đón sóng tốt như hiện nay khi hiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển luồng vốn trên thế giới. Kết thúc năm 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức 3%...
Thứ tư, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã bắt đầu tìm lại vị thế sau khi du lịch Việt Nam mở cửa và khởi sắc.
Thị trường cuối cùng là bất động sản tài chính. Ở mảng thị trường này, ông Chung xem xét trên 10 bình diện luồng tiền và nhận thấy những tín hiệu tích cực là chủ đạo. Luồng tiền thứ nhất là tín dụng năm 2023 sẽ tốt hơn năm nay nhờ quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023.
Luồng tiền thứ hai là chứng khoán đã có xu hướng tăng. Đặt khả năng nếu chứng khoán tăng đến mức 1.300 - 1.400 sẽ có một lượng tiền lớn đi vào nền kinh tế và bất động sản; Luồng tiền thứ ba trái phiếu dần phục hồi, năm 2023 có khoảng hơn 6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn nhưng với các phản ứng chính sách đã được đưa ra, vấn đề này được kiểm soát.
Luồng tiền thứ tư là nguồn vốn đầu tư nước ngoài có nhiều triển vọng gia tăng. Hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi. Lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.
Luồng tiền thứ năm là kiều hối vẫn đang rất ổn định. Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hồi lớn nhất thế giới, trong đó ước tính 25% kiều hối đầu tư vào bất động sản nói chung; Luồng tiền thứ sáu là các nhà đầu tư tiềm năng không hạn chế khi có cơ hội sẽ đầu tư ngay với tâm lý không có ngoại lệ là có tích luỹ sẽ đầu tư đất đai, nhà ở.
Các luồng tiền còn lại ở mức ổn định như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vượt qua thời điểm khó khăn; M&A tiếp tục tăng; những nhà đầu tư chiến lược mới xuất hiện có thể xem như sếu đầu đàn thay đổi cục diện của một địa phương, một vùng kinh tế…
Trước những triển vọng tích cực, để tạo chất xúc tác cho thị trường "đón bình minh", ông Chung kiến nghị một số giải pháp như hoàn thiện các chỉ báo thị trường bất động sản như chỉ số giá đất, chỉ số giá nhà, chỉ số thị trường nhà; tăng cường minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực tiềm năng các doanh nghiệp phát triển bất động sản cần hướng đến tính chuyên nghiệp...
"Cần có chính sách khơi thông dòng chảy luồng tiền, thay vì hỗ trợ tài chính từ phía cung (người làm) sẽ chuyển sang phía cầu (người mua) với những điều kiện vay vốn ưu đãi nhất định dành cho một số đối tượng khách hàng cụ thể khi có giao dịch được thực hiện. Trước đây, chúng ta đã thực hiện các gói hỗ trợ người mua nhà ở xã hội vay vốn ưu đãi đã góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển", TS Trần Kim Chung nhấn mạnh.
Từ góc độ thể chế, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban, cho biết, thời gian tới sẽ có một số Luật dự kiến được sửa đổi và thông qua vào cuối năm 2023, có hiệu lực từ năm 2024. Những khung pháp lý căn cơ để hỗ trợ cho thị trường bất động sản về mặt lâu dài dự kiến ít nhất sẽ xảy ra trong năm 2024.
Hiện nay, các tỉnh đang trong quá trình khẩn trương hoàn thành các quy hoạch về phát triển kinh tế xã hội, và tỉnh nào cũng có hai yếu tố cơ bản là bất động sản đô thị và bất động sản khu công nghiệp, trong đó bất động sản khu công nghiệp là phân khúc được kỳ vọng cao về mặt thể chế.
"Kỳ vọng sớm nhất về gói thể chế trong năm 2023, phụ thuộc vào kết quả hành động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội. Đây là dư địa lớn nhất để bất động sản bước sang trang mới", ông Hiếu nêu quan điểm.
Đồng thời, ông Hiếu cho rằng, muốn khôi phục niềm tin của khách hàng, đòi hỏi phải có sự hợp tác của ba bên gồm Nhà nước - nhà đầu tư - doanh nghiệp, và phải có sự tham gia có trách nhiệm, tích cực trước hết vì lợi ích của chính mình của cả 3 chủ thể. Đặc biệt, đầu tư có trách nhiệm, có năng lực sẽ là công cụ tốt nhất để khi sàng lọc của thị trường nâng lên sẽ giảm thiểu sự can thiệp chính sách của Chính phủ.