Kỳ vọng hơn 1.000 dự án 'đắp chiếu' được kích hoạt để khơi thông nguồn cung
(DNTO) - Hiện các địa phương có hơn 1.000 dự án cần phải tháo gỡ, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc để "vực dậy" được các dự án này. Kỳ vọng thị trường sẽ kích hoạt được thì nguồn cung rất đáng kể.
Theo báo cáo của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam về thị trường bất động sản quý 3/2022, nguồn cung đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực.
Thông tin tại diễn đàn "Phát triển bền vững thị trường bất động sản", sáng 15/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định: "Hiện các địa phương có hơn 1.000 dự án cần phải tháo gỡ. Nếu khơi thông được thì nguồn cung được bổ sung rất đáng kể. Cùng với việc cải tạo chung cư cũ tại thành phố lớn, nguồn cung đất động sản trong thời gian tới sẽ được giải quyết. Một số vấn đề như tài chính, tín dụng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để hỗ trợ".
Chỉ ra các thông số bất cập của nguồn cung bất động sản gặp khó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ, nhiều dự án thực hiện đầu tư đang vướng về mặt thủ tục pháp lý, phải dừng hoặc hoãn tiến độ. Số lượng dự án bất động sản thời gian qua giảm mạnh. Tính đến hết quý 3 chỉ có 104 dự án đang triển khai, chỉ bằng 51% dự án cùng kỳ so với năm 2021. Dự án thương mại chỉ bằng 54% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản mất cân đối, chưa phù hợp với nhu cầu với thị trường. Nguồn cung nhà ở thương mại cao cấp nhiều trong khi đó dự án giá bình dân, trung bình, phù hợp đại đa số người dân lại ít, đặc biệt dự án nhà ở cho công nhân. Lượng giao dịch bất động sản thời gian qua suy giảm mạnh. Tính thanh khoản của thị trường giảm nhất khi đi vào quý 4.
Đặc biệt, mặc dù lượng giao dịch giảm, giá nhà vẫn ở mức cao, chủ yếu phân khúc nhà ở thương mại, cao cấp, dẫn tới giá không phù hợp với đại đa số người dân. Người dân khó tiếp cận với nhà ở do giá cao. Nhiều dự án gặp khó khăn phải dừng thi công. Tình trạng này xảy ra nhiều và đang tiếp tục gia tăng.
Cùng với đó, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn về tiếp cận vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu… Điều này khiến doanh nghiệp không có vốn, phải dừng triển khai dự án. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá vật tự nguyên vật liệu cũng tăng, tác động hoạt động các doanh nghiệp hoạt động trong đầu tư bất động sản. Một số doanh nghiệp trước tình trạng khó khăn phải thu hẹp quy mô, tinh giảm bộ máy, dừng đầu tư xây dựng nhất là nhóm các nhà thầu thi công.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong bất động sản còn gặp khó khăn do tâm lý của người mua bị ảnh hưởng từ một số dự án không đảm bảo pháp lý dẫn đến mất niềm tin, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Nhìn nhận trong năm 2023, nguồn cung bất động sản vẫn sẽ rất hiếm do các dự án được cấp mới, hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện pháp lý, đủ điều kiện mở bán rất ít, giá bất động sản cũng tăng... Tuy nhiên, thị trường tiềm ẩn nhiều đột phá thông qua công cuộc chống tham nhũng từ Trung ương đến các địa phương, giúp các thủ tục thực hiện nhanh chóng, không nhiêu khê, cũng như kết quả tích cực của việc tháo gỡ từ Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ... Bên cạnh đó là nhu cầu rất lớn và là nhu cầu ở thực của người dân ở những khu vực phải giải phóng mặt bằng, nhường lại đất để thực hiện các dự án...
Cụ thể, theo Thứ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đang rất quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo đó, mới đây, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác đại diện các bộ ngành với mục đích đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Trong đó, vướng mắc về quy định pháp lý như sự chồng chéo mẫu thuẫn giữa các luật hay việc thực thi pháp luật chưa nghiêm.
Một số vướng mắc khác như đền bù dự án, định giá đất, hay vấn đề quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, quy định về đấu thầu dự án hay liên quan đến vấn đề về quỹ đất dành cho nhà ở...
"Để giải quyết điểm nghẽn, tổ công tác đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp để đôn đốc tháo gỡ khó khăn, nhất là rà soát lại các dự án đang triển khai, đủ pháp lý nhưng có khó khăn. Đối với dự án còn vướng pháp lý, phải rà soát lại báo cáo, làm rõ nội dung vướng mắc, trên cơ sở đó có tháo gỡ nhất là dự án nhà ở thương maị", Thứ trưởng nhận định.
Mặc dù đã có một số động thái tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn như: Nghị quyết 18, Chỉ thị 13 của Thủ tướng về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam an toàn, bền vững, song do một số quy định pháp luật vẫn không đồng bộ, thống nhất.
"Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất để thực sự phù hợp và theo kịp với nhu cầu, biến động của thị trường", Thứ trưởng nhấn mạnh.