Uỷ ban Kinh tế: Làm rõ việc các ngân hàng lãi đậm, lo ngại vàng và ngoại tệ hình thành thị trường ngầm
(DNTO) - Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ việc các ngân hàng thương mại báo ồ ạt báo lãi đậm trong năm 2023, cùng với đó là cảnh báo "nóng" lo ngại hình thành thị trường "ngầm" về giao dịch vàng, ngoại tệ với quy mô lớn, khó kiểm soát.
Báo cáo thẩm tra về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, ngày 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tuy nhiên lại có đến 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, ông Thanh nêu.
Ủy ban Kinh tế cũng dẫn khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp như, nhu cầu thị trường trong nước thấp (55,1%), chi phí vận tải tăng; phòng cháy, chữa cháy còn vướng mắc.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm, Ủy ban Kinh tế cho rằng, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn gặp nhiều thách thức. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nợ xấu và rủi ro nợ xấu tăng khiến các ngân hàng thương mại thận trọng hơn trong cho vay; nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hoặc thu hẹp sản xuất do khó khăn thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất, kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu.
"Đề nghị Chính phủ có đánh giá, phân tích về nguyên nhân, mức độ tác động của tăng trưởng tín dụng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 và làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi đậm năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Cụ thể, báo cáo dẫn chứng lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Vietcombank hơn 33.050 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2022; BIDV hơn 22.000 tỉ đồng, tăng 20%; MB hơn 21.050 tỉ đồng, tăng 16%; Vietinbank 20.044 tỉ đồng, tăng 18%...
Cũng theo Uỷ ban Kinh tế, tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại. “Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng gặp nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể những khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, quy trình, thủ tục, nhất là trong bối cảnh Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị.
Cảnh báo thị trường 'ngầm' về giao dịch vàng, ngoại tệ với quy mô lớn, khó kiểm soát
Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng đã hình thành thị trường "ngầm" về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát, nhất là hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp.
Chẳng hạn như thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục. Ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát, nhất là hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng.
Theo Hội đồng vàng thế giới, ở Việt Nam, 81% nhà đầu tư đã từng đầu tư vào vàng và cho biết họ sẽ xem xét đầu tư vào vàng một lần nữa. Chỉ số này cao hơn Trung Quốc (72%), Ấn Độ (67%) và toàn cầu (45%). Năm 2022, Việt Nam tiêu thụ 43 tấn vàng, tăng 37% so với năm 2021, cao nhất khu vực ASEAN.
“Điều này có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng; tỷ giá niêm yết chính thức trong một số giai đoạn thấp hơn nhiều so với thị trường tự do; mua bán ngoại tệ phổ biến ở các tiệm vàng”, ông Thanh nêu rõ...