Giá vàng miếng SJC cán mốc kỷ lục 92 triệu đồng/lượng, chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp gấp rút
(DNTO) - Trưa 10/5, giá vàng SJC lập đỉnh mốc mới, tăng cao nhất trong lịch sử với giá bán ra là 92 triệu đồng/lượng, tăng 2,5 triệu đồng/lượng so với cuối phiên ngày 9/5. Khoảng cách giữa giá mua và bán chênh nhau tới 2,5 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro lớn về phía người mua vàng.
Cụ thể, tính đến 11h00 trưa ngày 10/5, giá vàng SJC mua vào bán ra là 89,70 – 92,00 triệu đồng/lượng, tăng 2,5 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với cuối phiên ngày 9/5. Tại PNJ, giá vàng SJC giao dịch 88,80 – 91,80 triệu đồng/lượng, tăng 2 triệu đồng/lượng mua vào và 2,8 triệu đồng/lượng so với chiều bán ra so với chốt phiên ngày 9/5.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng niêm yết là 89,50 – 92 triệu đồng/lượng, tăng 1,8 triệu đồng/lượng mua vào và 2,2 triệu đồng/lượng bán ra so với chốt phiên ngày 9/5. Nếu người dân mua vào, bán ngay vàng sẽ bị lỗ 2,5 triệu đồng/lượng
Trước đó lúc 10 giờ sáng 10/5, giá vàng SJC 1 lượng mua vào 88,90, bán ra 91,20 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/ lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Còn tại hệ thống Doji, giá vàng SJC bán ra là 89,30 triệu đồng/lượng, tăng 1,4 triệu đồng/lượng so với cùng thời điểm phiên trưa 9/5.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long Bảo Tín Minh Châu tiếp tục tăng mạnh, giao dịch mua vào 74,97, bán ra 76,47 triệu đồng/lượng, tăng 950.000 đồng/lượng so với trưa ngày 9/5.
“Vàng trong nước phiên giao dịch sáng 10/5, giá SJC biến động tăng cao. Tại các cơ sở kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu, lượng khách mua vào và bán ra đang có tỷ lệ 55% khách mua vào và 45% khách bán ra. Giá vàng SJC biến động tăng cao, vì vậy, nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất”, đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết.
Đà tăng khiến chênh lệch giá trong nước với quốc tế nới rộng ở mức khoảng 18,5 triệu đồng một lượng. Nhận định về nguyên nhân của việc giá vàng miếng tăng phi mã sau mỗi phiên đấu thầu, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết, giá vàng miếng SJC tăng liên tiếp những phiên gần đây là do vấn đề về nguồn cung và tâm lý.
Nguồn cung vàng hiện nay đang được Ngân hàng Nhà nước tăng cường thông qua các phiên đấu thầu. Tuy nhiên, sau khi các doanh nghiệp trúng thầu, cần một khoảng thời gian nhất định thì vàng mới đến được tay doanh nghiệp và khi đó thị trường mới được bổ sung nguồn cung. Trong khi đó, tâm lý người dân hiện nay là lãi suất tiết kiệm thấp, họ sẽ rút tiền ra mua vàng. Hơn nữa, họ nhận định vàng thế giới sẽ tăng nên vàng trong nước có thể tăng lên 90, thậm chí 100 triệu đồng/lượng.
"Vấn đề tâm lý này có thể thấy rõ nhất trong thời gian gần đây, khi càng đấu thầu vàng, giá càng tăng nên người dân vẫn mua vàng vào vì nghĩ giá khó giảm", ông Phương cho hay.
Đưa ra khuyến cáo, PGS. TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, đấu thầu vàng đều chỉ bán được 20%, “ế” đến 80% nên lượng cung vào thị trường còn quá ít. Chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới tăng cao vì cung - cầu mất cân đối. Trong khi giá tham chiếu để đặt cọc đấu thầu vàng lại đưa mức giá gần với giá thị trường tại thời điểm đấu thầu.
“Trong bối cảnh xu hướng giá vàng thế giới vẫn có nhiều dự báo tiếp tục xu hướng tăng cao. Nếu không kịp tăng cung ra thị trường, nếu mức giá đấu thầu luôn dựa theo giá thị trường hiện tại thì giá vàng miếng trong nước có thể lên cao hơn nữa là chuyện hiển nhiên”, ông Long nói.
Theo chuyên gia này, bất ổn của thị trường hiện nay là giá trong nước cách xa giá thế giới. Điều này, gây một số hệ lụy như buôn lậu vàng gia tăng, làm “chảy máu” ngoại tệ, thất thu thuế, môi trường kinh tế không lành mạnh… Từ bất ổn này dẫn tới ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Trong công điện của Thủ tướng từ cuối năm 2023, đến những văn bản gần đây của Chính phủ đều yêu cầu làm sao phải bình ổn thị trường vàng, trong đó giảm bớt chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Thế nhưng, hiện nay giá vàng SJC vẫn lên, chênh lệch thế giới lớn, lên đến hơn 18 triệu đồng/lượng.
“Điều này buộc Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại, bởi qua 5 lần đấu thầu, chỉ có 2 lần có đơn vị trúng thầu, mang hàng đi bán nhưng “ế”, tức là không thành công, cần xem xét để thay đổi. Chẳng hạn, hạ số lượng tối thiểu đơn vị được đặt thầu xuống chỉ còn 500 lượng. Nhất là, có thể xem xét đưa giá tham chiếu dưới mức giá thị trường trong nước, còn cụ thể giá bao nhiêu thì tính theo từng phiên”, ông Long đề xuất.
Trong khi đó, ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia phân tích rằng, giá vàng tăng một cách vô lý, tăng giá do độc quyền. Ông Nghĩa nhấn mạnh, đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất để tăng nguồn cung. Giải pháp cấp bách trong lúc này là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế.
"Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singapore, Hong Kong - Trung Quốc, Thái Lan… về Việt Nam rất nhanh”, ông Nghĩa khẳng định và kiến nghị, cần sửa cấp tốc thay thế ngay Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, điều này đã được bàn thảo từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện.