Để tránh độc quyền, đẩy giá vàng tăng cao, nên cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất vàng miếng
(DNTO) - Chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam vẫn duy trì độc quyền SJC, thì khi ấy, giá vàng vẫn tiếp tục "một mình một chợ". Đã đến lúc phải mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý vàng, cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng để chặn tình trạng khan hiếm, nhảy giá.
Trước biến động tăng sốc của giá vàng thời gian qua, "giá vàng thế giới tăng 1, giá vàng SJC tăng 3" bất thường, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường quản lý thị trường vàng và Ngân hàng Nhà nước lên tiếng sẵn sàng can thiệp thị trường vàng, giá vàng SJC lập tức lao dốc mạnh hàng triệu đồng/lượng.
Song, thực tế, những ngày đầu năm 2024, giá vàng vẫn diễn biến rất thất thường, liên tục "nhảy múa", giảm sâu trong ngày bất chấp giá vàng thế giới gần như đứng im.
Đơn cử, chiều ngày 3/1, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 72,5 - 75,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Mức giá này giảm 0,5 triệu đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch chiều 2/1, nhưng lại tăng 0,5 triệu đồng so với sáng 2/1. Chênh lệch mua vào - bán ra tại các doanh nghiệp vàng lên tới 3 triệu đồng/lượng.
Trước thực trạng trên, chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" do Báo Chính phủ tổ chức ngày 25/1, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, theo thông lệ quốc tế, các ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường.
Tại các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan thì có Bộ Thương mại hoặc Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế quản lý, còn Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ. Ngân hàng Trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia. Đây là một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. Như vậy, ngân hàng Trung ương ở các nước không trực tiếp quản lý vàng.
"Đến bây giờ, chúng ta vẫn duy trì việc độc quyền SJC nên sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng, mà thực tế đã chứng minh như vậy. Ở Việt Nam, người dân coi vàng như là một phương tiện để tích trữ và phòng ngừa lạm phát, rủi ro. Nhưng chúng ta cũng thấy, đến bây giờ, giá trị đồng tiền Việt Nam rất ổn định, tỉ giá cũng rất ổn định. Chính vì thế người dân không dùng vàng để làm phương tiện thanh toán và không có khái niệm "vàng hóa", "đôla hoá", ông Hùng cho hay.
Nêu quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng để tránh độc quyền, đẩy giá vàng tăng cao, Việt Nam cần xem xét cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, tâm lý càng khan hiếm càng giá tăng, càng đi mua. Giờ không khan hiếm nữa thì sẽ đỡ hơn.
"Đề nghị cần sửa đổi nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng. Cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng, quán triệt các nguyên tắc quản lý trong nền kinh tế thị trường. Đó là Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh ngoại hối, Luật Các tổ chức tín dụng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp", ông Cường nhấn mạnh.
Đề xuất cho phép giao dịch vàng qua tài khoản
Các chuyên gia cho rằng, thị trường vàng là một thị trường liên thông quốc tế rất mạnh. Vậy nên cũng phải bỏ các công cụ để liên thông thị trường vàng trong nước với quốc tế, chẳng hạn như vấn đề xuất nhập khẩu.
"Xuất nhập khẩu ở đây phải có phương thức quản lý phù hợp. Không phải cứ duy trì một cơ chế như trước đây là cấp phép, cấp quota theo dạng "xin-cho" mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu đó. Tất nhiên, phải quản lý để tránh tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ nhập vàng vào cho mục đích khác, làm mất cân đối ngoại tệ, mất khả năng điều hành tỷ giá", GS.TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.
Theo đó, phải có các phương thức giao dịch đa dạng hơn, chứ không phải người dân ai cũng mong muốn tích trữ thì cứ việc quay sang mua vàng miếng. Đấy người ta gọi là sử dụng, mua bán vàng vật chất.
GS. TS. Hoàng Văn Cường, chỉ rõ, trong Nghị định 24 cũng có một điều xác định vấn đề kinh doanh vàng trên tài khoản, nhưng toàn bộ nội dung không hề "mở" về vấn đề này, nên trong nước chỉ có chuyện mua bán vàng vật chất. Trong khi đó, bây giờ xu thế giao dịch của thế giới là mở ra phương thức kinh doanh trên sàn kinh doanh thông qua hợp đồng kinh doanh, thông qua các tín chỉ về vàng.
Do đó, nếu mở thêm các hình thức kinh doanh vàng qua tài khoản thì khi đó sẽ không bị lệ thuộc quá vào việc nhập khẩu nhiều hay ít vàng, mà người ta có thể sử dụng các công cụ phái sinh để cân đối được ngay cung cầu. Thực tế biến động giá vàng năm qua chỉ 5-6%, so với lãi suất thì thấp hơn nhiều. Tuy vậy, việc người dân lựa chọn tích trữ vàng để vừa là phương tiện đầu cơ, vừa là phương tiện trú ẩn dẫn tới một khối lượng lớn vàng "nằm chết" trong khu vực người dân với khoảng 400 tấn.
"Khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ không nhất thiết phải mang vàng về nhà, không phải mất công cất trữ, vàng đó được lưu thông ở trên thị trường, sẽ tạo ra sinh lợi, tạo nguồn vốn đưa vào lưu thông, mang lại nhiều tác động tốt cho nền kinh tế cũng như đảm bảo lợi ích của mỗi người dân", ông Cường nhận định.