Giá vàng SJC tăng sốc, lập đỉnh lịch sử mới 80 triệu đồng/lượng
(DNTO) - Chỉ trong sáng 26/12, giá vàng SJC đã liên tiếp tăng 5 - 6 lần và cán ngưỡng 80 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá vàng SJC tăng thẳng đứng có 70% đến từ tâm lý và 30% là để phòng thủ, nhất là trong bối cảnh lãi suất trên thị trường ngân hàng có nơi ghi nhận chưa tới 2%.
Chỉ trong một tháng, giá vàng miếng SJC tăng 10%
Từ đầu tháng 12 đến nay, lực cầu trên thị trường vàng trong nước luôn tăng cao hơn so với lực bán ra, khiến giá vàng miếng SJC có thời điểm đã lên mốc 80 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, đầu giờ sáng ngày 26/12, thị trường vàng trong nước tiếp tục ghi nhận những đợt tăng dữ dội của cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 9999. Trong đó, bảng điện thông báo giá vàng miếng SJC được các tiệm vàng liên tục cập nhật. Mỗi lần thay đổi, bước giá được điều chỉnh tăng thêm từ 200.000 – 400.000 đồng/lượng tuỳ doanh nghiệp.
Theo đó, tính đến 10 giờ sáng nay, tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC liên tục gây bất ngờ cho nhà đầu tư. Mức giá cao nhất được ghi nhận trong sáng nay của giá vàng miếng lên tới 79 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 80,2 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 1.300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với cuối ngày hôm qua.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn khác như DOJI, Phú Quý, Phú Nhuận, TPBank Gold, Bảo Tín Minh Châu cũng có mức tăng từ 1.300.000 – 1.500.000 đồng/lượng, giá bán vàng miếng SJC tại đây đã vọt lên 79,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua và bán vàng miếng SJC được các cửa hàng vàng neo phổ biến ở mức 1.200.000 đồng/lượng.
Chưa đầy một tháng (từ đầu tháng 12 đến nay), mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng khoảng 7 triệu đồng/lượng - ghi nhận mức tăng cao nhất tính theo tháng đồng thời liên tiếp phá vỡ hàng loạt kỷ lục về giá. Đáng chú ý đà tăng của giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tương tự, các loại vàng nhẫn 9999 cũng đã lấy lại đà tăng mạnh mẽ hơn so với vài phiên gần đây. Cụ thể, giá vàng nhẫn 9999 thương hiệu SJC đang được giao dịch quanh mức 62,35 triệu đồng/lượng (mua) và 63,4 triệu đồng/lượng (bán), tăng thêm 300.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Như vậy, vàng nhẫn 9999 cũng đã quay trở lại đỉnh cũ và có nhiều khả năng sẽ thiết lập đỉnh cao mới về giá trong bối cảnh vàng thế giới được dự báo vẫn có nhiều cơ hội toả sáng.
Diễn biến nhảy vọt của giá vàng trong nước khiến cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp vàng và chuyên gia đều bất ngờ, giới phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến giá vàng SJC tăng “dựng đứng” có 70% đến từ tâm lý và 30% là để phòng thủ, nhất là trong bối cảnh lãi suất trên thị trường ngân hàng có nơi ghi nhận chưa tới 2%.
Việc lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ các tài sản không sinh lãi, từ đó thúc đẩy giá vàng đi lên. Tại Việt Nam, vàng hiện vẫn đang chứng tỏ ưu thế như một kênh đầu tư mang tính phòng thủ tốt. Hiện trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,9%/năm, giảm thêm 0,3 điểm % so với trước đó. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
"Giá vàng trong nước tăng mạnh trong bối cảnh các kênh đầu tư đang trở nên bất định cũng không phải là điều quá bất ngờ. Lãi suất tiết kiệm ngân hàng trong những tháng cuối năm liên tục giảm sâu, về mức thấp chưa từng có (khoảng 2,2%-5,5%/năm) khiến dòng tiền không còn mặn mà, phải tìm nơi gửi gắm. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, dòng tiền có dấu hiệu "ngủ đông" khi định giá của thị trường đang ở mức hấp dẫn, nhưng thanh khoản lại rất dè dặt. Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng", Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh nhận định.
Bên cạnh các nguyên nhân tâm lý trên, chuyên gia Trương Vi Tuấn của trang giavang.net, đánh giá, thị trường có hiện tượng vay vàng để kinh doanh, cuối năm cũng phải đi trả vàng cho nên phải mua. Dù không có thông kê chính thức về kênh này, song đây cũng có thể là một phần nguyên nhân đẩy giá vàng SJC tăng “dựng đứng” trong những ngày cuối năm này. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân khác do giá đồng USD trên thị trường giảm, tỷ giá VND/USD cũng chững lại nên giá vàng tăng mạnh.
"Vàng miếng có thể còn tăng trong ngắn hạn, song mức tăng này khó duy trì trong trung và dài hạn khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã lên tới 16,5 triệu đồng/lượng", ông Tuấn nhìn nhận.
Khoảng cách chênh vẫn lớn, rủi ro thuộc về người mua
Vậy ai hưởng lợi khi giá vàng SJC tăng sốc? Có nên mua vào ở thời điểm này? Hầu hết chuyên gia đều cho rằng giá vàng SJC hiện nay rất rủi ro, người dân không nên mua vào. Bởi giá vàng tăng do tâm lý kỳ vọng của thị trường, khi người dân hết kỳ vọng, giá sẽ giảm sâu.
Chưa kể khi giá vàng quá nóng thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có các động thái chính sách. Chẳng hạn như việc Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24 thì giá vàng chắc chắn sẽ hạ, rủi ro cho người mua.
"Bản thân các doanh nghiệp không muốn đẩy giá lên quá cao như vậy. Vì giá quá cao sẽ khó bán và gây tiêu cực cho thị trường. Nhưng vì thiếu nguồn cung vàng nên một số doanh nghiệp buộc phải đẩy giá lên để bảo đảm lượng vàng bán ra được bù đắp lại ngay và có lời, tránh rủi ro. Điều này một phần lý giải vì sao lực cầu không đột biến nhưng giá vàng SJC vẫn liên tục lập đỉnh", ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty Vàng Đối tác mới nhấn mạnh.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đặc biệt nhấn mạnh, người mua cần theo dõi chặt chẽ tỷ giá VND/USD để dự đoán xu hướng giá vàng trong nước. Tỷ giá có thể chịu tác động từ diễn biến bán ròng chứng khoán của khối ngoại trên hai sàn HOSE và HNX. Ngoài ra, tỷ giá sẽ chịu tác động từ sự quản lý điều hành của Ngân hàng Nhà nước và luồng kiều hối đổ về Việt Nam vào đầu năm 2024 tới. Nếu tỷ giá giảm, giá vàng trong nước sẽ "hạ nhiệt".
"Với giá vàng hiện nay, rủi ro có thể xảy ra cho cả người mua và người bán, đặc biệt người mua không chuyên. Giá vàng SJC chỉ nên cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng. Nếu mức chênh này quá rộng, nhà đầu tư không nên lướt sóng bởi thị trường vàng biến động rất khó lường", ông Hiếu khuyến cáo.
"Bắt mạch" đà tăng giá vàng trong thời gian tới, ông Trần Duy Phương, chuyên gia ngành vàng cho biết, nhiều khả năng giá vàng thế giới vẫn còn tăng, nhưng thời điểm này nếu mua để đầu tư thì người dân nên mua vàng nhẫn 9999 sẽ bớt rủi ro hơn. Bởi chênh lệch giữa vàng nhẫn 9999 với giá vàng thế giới chỉ khoảng 2 triệu đồng/lượng, trong khi khoảng cách này của vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế lên đến 18 triệu đồng/lượng.
"Trong trường hợp giá vàng thế giới đạt ngưỡng khoảng 2.100 - 2.150 USD/ounce, giá vàng nhẫn 9999 có thể đạt đỉnh mới, 65 triệu đồng/lượng. Còn vàng miếng SJC nếu lên vùng 80 triệu đồng/lượng, nhiều khả năng sẽ khiến nhà đầu tư tranh thủ chốt lời sẽ đẩy giá loại vàng này rơi vào đợt điều chỉnh mạnh", vị chuyên gia nhận định.