Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế: Cần bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là điện, than, xăng dầu
(DNTO) - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, giai đoạn tới, nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với giá xăng dầu, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Trình bày thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. Tuy nhiên, còn quá nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội cần được Chính phủ đánh giá kỹ hơn.
Theo đánh giá thẩm tra, năm 2022, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn, chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ các năm 2018-2021.
Đặc biệt, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao do giá cước vận tải ở mức cao, giá nhiên liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất (dầu, khí đốt, than) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tăng cao trong khi sức cầu tiêu thụ vẫn yếu, vẫn còn những khó khăn về tài chính, tuyển dụng lao động.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, giai đoạn tới, nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn. Bên cạnh đó, thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Bên cạnh đó, quy hoạch Điện VIII chưa được phê duyệt dẫn đến nhiều dự án phát triển điện chưa thể triển khai, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm. Một số quy hoạch đã được phê duyệt cũng đã bộc lộ một số bất cập.
“Cơ quan thẩm tra yêu cầu cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là điện, than, xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng. Có giải pháp duy trì chuỗi cung ứng, luu ý vấn đề an ninh năng lượng, bảo đảm điện năng cho sản xuất và tiêu dùng”, ông Vũ Hồng Thanh lưu ý.
Cũng theo báo cáo thẩm tra, hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội triển khai chậm, các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn, chưa được áp dụng vào thực tiễn.
Đến nay, Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349 tỷ đồng cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, chỉ tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán, dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023.
Đồng thời, Chính phủ vẫn chưa hoàn thiện trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình là quá chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của chương trình.Việc chậm quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.