Thứ bảy, 12/04/2025
Doanh Nhân Trẻ

Doanh Nhân Trẻ

  • Click để copy

Thủ tướng: Các doanh nghiệp xem làm được gì cho đất nước hãy đăng ký làm và đề xuất cơ chế

Hồng Gấm
- 14:26, 10/02/2025

(DNTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt vấn đề "cần những giải pháp gì để đất nước tăng trưởng 2 con số". Nhiều doanh nghiệp đã hiến kế được đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP và mong muốn tham gia vào các dự án lớn của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp. Ảnh: VGP

Sáng 10/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp để bàn về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc bứt phá. Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên của thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp đầu Xuân 2025. 

Tại buổi gặp mặt, thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đã cổ vũ, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, đồng thời lắng nghe và chia sẻ với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước.

Chủ tịch THACO: Sẽ sản xuất tại chỗ toa tàu, cấu kiện thép đường sắt đô thị để giảm giá thành

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO. Ảnh: VGP

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO. Ảnh: VGP

Nhấn mạnh các kết quả đã được sau 25 năm phát triển trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, cơ khí - công nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) cho biết, doanh nghiệp này đã có được những nền tảng nhất định để hướng đến một kỷ nguyên mới và phát triển với những định hướng, chiến lược rất rõ ràng mà Chính phủ đề ra. 

Cụ thể, THACO đã hình thành nền tảng vừa là nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa tổ chức sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí, nhờ đó tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao.Chủ  tịch THACO thông báo tháng 9/2025 sẽ khởi công khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô 700ha nhằm cung cấp linh kiện và thiết bị máy móc cho doanh nghiệp để giảm giá thành và chi phí logistics.

Với định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng, THACO sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép. Với đội ngũ kỹ sư và kinh nghiệm nghiên cứu phát triển sản phẩm, ông Dương khẳng định sẽ nghiên cứu chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành.

"Chúng tôi cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm", Chủ tịch THACO nhấn mạnh. 

Vingroup cam kết tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup. Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup. Ảnh: VGP

Theo ong Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, với nhận thức doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế, trong những năm qua Vingroup đã không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững. Điển hình là Vinfast, một dự án đã kỳ vọng tạo nên hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng xanh, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.

Vinfast không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà còn tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ từ sản xuất pin, trạm sạc cho đến các giải pháp năng lượng thông minh.

"Chúng tôi xác định việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa cho xe điện Vinfast là chìa khóa để phát triển bền vững đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Đặc biệt với mục tiêu góp phần giảm phát thải, Vinfast đóng vai trò tiên phong trong làn sóng chuyển đổi xanh của Việt Nam, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup phát biểu.

Mới đây Vingroup đã đặt chân vào lĩnh vực sẽ là xu hướng của tương lai là robot học, người máy đa năng với việc thành lập 2 công ty mới là VinRobotics, VinMotion để phát triển các giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp và tạo ra những lợi ích thiết thực bền vững và nhân văn cho con người.

“Trong hành trình phát triển, Vingroup xác định việc nghiên cứu và đổi mới công nghệ là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu”.

Để phát triển bền vũng, kích cầu tiêu dùng nội địa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vinfast đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng xe điện. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ là động lực lớn thúc đẩy nhanh quá trình này. Ví dụ như việc gia hạn chính sách lệ phí trước bạ với xe điện hoặc áp dụng giá điện ưu đãi cho người sử dụng xe điện như các nước tiên tiến đã làm sẽ góp phần khuyến khích người dân lựa chọn các phương tiện thân thiện với môi trường.

Vingroup tin rằng có cơ chế khuyến khích hợp lý, làn sóng tiêu dùng xanh sẽ lan tỏa nhanh chóng góp phần hiện thực cam kết phát thải của quốc gia.

FPT đề xuất đưa AI vào giáo dục từ lớp 1

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT. Ảnh: VGP

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT. Ảnh: VGP

Trước mục tiêu của Chính phủ rằng năm 2025 phải đạt tăng trưởng GDP ít nhất 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng hai con số, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đề xuất muốn đạt mục tiêu này cần giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ.

Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, thời điểm hiện nay cả nước đang hào hứng, hy vọng rằng Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, trở thành quốc gia giàu mạnh, phồn thịnh để đứng trong hàng ngũ các nước tiên tiến nhất trên thế giới. Chính thời điểm khi vận nước đến chúng ta phải làm mọi cách để mà phát triển, không thể bỏ lỡ. Trong đó cần tập trung vào hai điểm: Cơ chế và khoa học công nghệ.

"Khi nghiên cứu, tôi thấy mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học công nghệ vẽ thành một đồ thị parapol đi lên, nghĩa là khi tăng trưởng GDP đi lên thì trình độ khoa học cũng lên. Đặc biệt là, với mức GDP của chúng ta thì tiềm năng khoa học tăng gấp đôi so với hiện tại", ông Bình nói.

Phân tích thêm về vấn đề này, Chủ tịch FPT chỉ ra rằng thu nhập bình quân  đầu người theo sức mua hiện Việt Nam ngang bằng của Angola. Nhưng nếu mà nhân gấp đôi lên theo đồ thị về tiềm năng khoa học công nghệ thì chúng ta bằng Latvia, Litva (các quốc gia châu Âu cửa giữa Mỹ, EU và châu Á và Nga).

Trước những cơ hội đó, Chủ tịch Trương Gia Bình đề nghị, thứ nhất, cần giải phóng các điểm nghẽn. "Chúng ta đã nói cơ chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn của khoa học công nghệ mới là quan trọng nhất", ông Bình nói.

Thứ hai, Chủ tịch FPT đề nghị triển khai "bình dân AI vụ". Ông cho hay, vào những năm khó khăn nhất, những năm kháng chiến khi chính quyền còn yếu, còn nghèo, Bác Hồ đặt vấn đề "bình dân học vụ". Bây giờ là cơ hội đến, đặc biệt trong dịp Tết này chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo", tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được.

"Cơ hội đang đến, tôi đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục và chúng tôi là những người trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục, chúng tôi đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của Nhà nước, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo…", Chủ tịch FPT đề xuất.

Hoà Phát có thể đầu tư nhà máy làm ray đường sắt 10.000 tỷ nếu có cam kết của Chính phủ

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát.

Hiện nay toàn bộ ngành thép Việt Nam nhập khẩu  khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm 95%. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho biết nước ta có 2 mỏ lớn là Quý Sa và Thạch Khê. Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, quy mô khoảng 500 triệu tấn, nằm tại Hà Tĩnh. Ông cho rằng cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ.

Trong kế hoạch 2025 - 2030 vốn đầu tư công  rất lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp, người đứng đầu Hoà Phát nhìn nhận.

"Thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10.000 tỷ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên chúng tôi rất mong có một văn bản như một nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

Hòa Phát xin hứa đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, HPG cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu", ông Long chia sẻ.

Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings: Chính phủ cần có chính sách thu hút đầu tư để các Tập đoàn lớn toàn cầu đến với Việt Nam

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch KN Holdings. Ảnh: VGP

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch KN Holdings. Ảnh: VGP

Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings cho biết trong những năm gần đây, KN Holdings tập trung đầu tư vào các lĩnh vực được khuyến khích như năng lượng tái tạo, khu công nghiệp xanh, nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Theo ông Kiểm, năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam và thế giới đã cam kết sử dụng năng lượng xanh. Với vai trò là doanh nghiệp đang đầu tư và dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực này, ông đề xuất Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, cũng như thông qua kế hoạch triển khai các nguồn năng lượng tái tạo giai đoạn đến năm 2030. 

“Đối với các dự án năng lượng mặt trời, chúng tôi kiến nghị cần đầu tư hệ thống pin tích trữ để đảm bảo tối ưu vận hành và giảm quá tải của hệ thống”, ông nói thêm. 

Hiện nay, Nghị định 80/2024 của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đã được ban hành từ tháng 7/2024, tuy nhiên vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn chi tiết cũng như quy định cụ thể về các loại phí liên quan. Do đó, ông mong Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để Nghị định 80 nhanh chóng đi vào thực tiễn, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn năng lượng sạch và nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Về hạ tầng khu công nghiệp, KN Holdings đang phát triển các khu công nghiệp theo mô hình thế hệ mới, có đầy đủ tiện ích cho chuyên gia và người lao động, kết hợp các tiêu chuẩn xanh, ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại.

Ông mong muốn Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các khu công nghiệp có quy mô lớn để hình thành những dự án động lực phát triển của vùng, hình thành cụm liên kết ngành, từ đó có điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển.

Đồng thời, có chính sách thu hút đầu tư cạnh tranh so với các nước trong khu vực để các Tập đoàn lớn toàn cầu đến với Việt Nam, từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng GDP của cả nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Chủ tịch Tập đoàn BRG: Mong muốn có chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án trung hòa carbon

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG. Ảnh: VGP

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG. Ảnh: VGP

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đã chia sẻ về dự án Thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội. Theo bà Nga, tập đoàn cam kết xây dựng thành phố này thành một đô thị hiện đại với nhiều tính năng thông minh, bao gồm năng lượng, giao thông, quản lý, giáo dục, y tế và kinh tế. Đặc biệt, thành phố sẽ hướng tới mục tiêu trở thành khu đô thị trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, BRG dự kiến sẽ nhập khẩu một số loại cây từ nước ngoài nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tập đoàn cũng lên kế hoạch triển khai các giải pháp giúp các hộ gia đình tiết kiệm tới 50% chi phí năng lượng.

Bà Nga cũng đã nêu một số kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều đơn vị gặp khó khăn sau bão Yagi và áp lực từ chính sách thuế. Theo đó, Chủ tịch BRG đề xuất Thủ tướng và các Phó Thủ tướng xem xét tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm 2024 và năm 2025, kéo dài thời gian hỗ trợ cho cả năm thay vì chỉ trong 6 tháng.

Bên cạnh đó, bà Nga kiến nghị ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng và trung hòa carbon, bao gồm ưu đãi về thuế và thủ tục hành chính.

Người đứng đầu BRG đề xuất thành lập các trung tâm nghiên cứu và sáng tạo để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, qua đó đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050. Đồng thời mong muốn Chính phủ xây dựng các chương trình và sáng kiến quốc gia về phát triển bền vững, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia và nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia hàng đầu.

Thủ tướng: Các doanh nghiệp xem có thể làm được gì cho đất nước thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, kinh tế tư nhân hiện đóng góp vào gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng cảm ơn những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đặc biệt trong những lúc khủng hoảng, những thời điểm quan trọng, những lúc đất nước gặp khó khăn như đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ…

Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước đã ban bành các nghị quyết, luật để phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan sẽ xây dựng đề án về phát triển các doanh nghiệp dân tộc phát huy vai trò đầu đàn, dẫn dắt và đề án về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số...

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng ít nhất 2 con số. Đồng thời người đứng đầu Chính phủ nêu 8 mong muốn với các doanh nghiệp, doanh nhân. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng; đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo. Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp dân tộc lớn tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đang triển khai một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân... Thủ tướng đề nghị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các bộ, ngành cần trao đổi, bàn bạc với các doanh nghiệp, hai bên có cam kết để triển khai công việc cụ thể, tham gia thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước, ví dụ trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT có cam kết với Hòa Phát về đường ray, với THACO về toa tàu, với Đèo Cả, Xuân Trường về đào hầm, làm đường…. Thủ tướng nhấn mạnh điều này phải trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, người dân, không có tiêu cực, tham nhũng.

Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

 

Tin khác

Thời sự - Chính trị
Cuộc thương chiến mà Mỹ khơi mào với Trung Quốc, dù xuất phát từ những lo ngại chính đáng về thâm hụt thương mại và các tập quán kinh tế bị cho là không công bằng, đang dần bộc lộ những bất lợi sâu sắc mà chính Washington phải gánh chịu.
4 giờ
Thời sự - Chính trị
Theo Tân Hoa xã, ngày 11/4, Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ lên mức 125%. Đây là lần thứ ba trong vòng 3 ngày qua Bắc Kinh tăng thuế quan đối với hàng hóa Mỹ.
1 ngày
Thời sự - Chính trị
Khởi nguồn từ những bất đồng sâu sắc về thương mại, mối quan hệ song phương này đã leo thang thành một cuộc giằng co quyền lực toàn diện, định hình lại trật tự thế giới.
2 ngày
Thời sự - Chính trị
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 sẽ thảo luận hàng loạt chủ trương lớn mang tính đột phá, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử.
2 ngày
Thời sự - Chính trị
Sáng 10/4, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
2 ngày
Thời sự - Chính trị
Chiều 9/4 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer.
2 ngày
Thời sự - Chính trị
Rạng sáng 10/4, giờ Việt Nam, một cơn địa chấn đã rung chuyển hệ thống thương mại toàn cầu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố một loạt các biện pháp thuế quan mới.
2 ngày
Thời sự - Chính trị
Phản ứng từ các quốc gia trên toàn thế giới rất đa dạng, bao gồm việc áp đặt thuế quan trả đũa, tiến hành các cuộc đàm phán thương mại mới, nỗ lực đa dạng hóa các đối tác thương mại và thực hiện những chính sách trong nước để hỗ trợ các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng.
3 ngày
Doanh nhân - Doanh nghiệp
Tăng trưởng xuất khẩu của TP.HCM có thể chững lại, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Điều này buộc thành phố đặt ra các kế hoạch, giải pháp căn cơ hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời giữ vững các mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.
3 ngày
Thời sự - Chính trị
EU đặc biệt quan tâm đến việc thiết lập một cơ chế theo dõi tình trạng chuyển hướng thương mại có thể xảy ra do thuế quan, nhằm đảm bảo sự cân bằng trong quan hệ thương mại song phương.
3 ngày
Thời sự - Chính trị
Thị trường tài chính toàn cầu đang trải qua một ngày đầy biến động khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thực thi mức thuế đối ứng với hàng loạt quốc gia.
3 ngày
Thời sự - Chính trị
Việc cắt giảm, nếu diễn ra máy móc hoặc bị chi phối bởi lợi ích nhóm, rất dễ khiến nhân tài bị "gạt" ra ngoài trong khi những người an toàn, ít cống hiến nhưng biết “giữ ghế” lại tiếp tục tồn tại.
3 ngày
Tài chính - Thị Trường
Kịch bản đàm phám thuế quan của Việt Nam với Mỹ đi theo tháo gỡ hay xấu nhất cũng là bài học để các doanh nghiệp “tỉnh giấc”, không thể bỏ trứng vào một giỏ. Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề, chuyển hướng thị trường phù hợp.
3 ngày
Thời sự - Chính trị
Mỹ sẽ bắt đầu thu thuế 104% đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9/4, sau khi Bắc Kinh bỏ qua hạn chót của Tổng thống Donald Trump về việc dỡ bỏ các biện pháp đáp trả.
3 ngày
Thời sự - Chính trị
Tổng giám đốc điều hành Jamie Dimon của một trong những công ty dẫn đầu Phố Wall, JPMorgan Chase, cho biết thuế quan có thể gây ra hậu quả tiêu cực lâu dài. Trong khi người ủng hộ Trump và quản lý quỹ Bill Ackman cho biết chúng có thể dẫn đến "mùa đông hạt nhân kinh tế".
4 ngày
Xem thêm