Lãnh đạo hàng nghìn nhân sự: Cách CEO học tập mỗi ngày

(DNTO) - Chiều 30/7, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Lễ trao danh hiệu DNT khởi nghiệp xuất sắc 2023, Hội DNT Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Learn to lead" (Học để dẫn đầu) với hi vọng mang đến cho doanh nhân trẻ những kinh nghiệm học tập từ chuyên gia hàng đầu trong quản trị, điều hành doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Doãn Thắng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư kí Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhìn nhận, lợi thế cạnh tranh, tính bền vững của doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng học hỏi, tư duy của chính lãnh đạo doanh nghiệp. Từ đó doanh nghiệp sẽ xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thế giới. Văn hóa học tập doanh nghiệp cần được khuyến khích trong tất cả các cấp, đặc biệt nâng cao khả năng học tập, tư duy của người dẫn đầu yếu tố quyết định.
Dưới sự điều phối của bà Trương Lý Hoàng Phi, Ủy viên UBTƯ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc IBP, một trong những "bà đỡ" mát tay với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cùng những chia sẻ hữu ích của diễn giả đã cung cấp những kiến thức thực tế quý báu cho doanh nghiệp gây dựng thêm giá trị, vững bước trên con đường trở thành CEO chuyên nghiệp...

Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Công ty TNHH King Invest: Việc học tập cùng góc nhìn, cùng góc độ sẽ đạt tối ưu
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng: Không ai muốn rơi vào trạng thái trì trệ, nhưng thực tế đã chỉ ra quá nhiều người trong chúng ta đang gặp phải những vấn đề về hiệu quả làm việc. Không tận dụng được thời gian, không biết phân phối sức lực, nguồn gốc của sự “loay hoay”, không phải vì thiếu tài năng, mà là do bạn chưa khai phá được hết nội lực của bản thân.
Theo ông Vương, nên học khi bản thân có nhu cầu cụ thể, mình học cái mình cần. Ông cũng cho rằng, mình học và lead chưa đủ, cả tổ chức phải lead, nếu không sẽ "loãng".
"CEO đi học, lãnh đạo cấp trung không đi học thì sẽ thất bại, "lead" cần dịch thêm nghĩa nữa là đồng dẫn dắt, sự học tập này cùng góc nhìn, cùng góc độ sẽ đạt tối ưu", ông Vương cho hay.

Cũng theo ông Vương, với những doanh nghiệp lớn, phải lead những người giỏi, nhiều chuyên môn hơn sẽ là áp lực không nhỏ, nhưng mình hoàn toàn có thể cho họ thấy được giá trị cốt lõi của doanh nghiệp chính là họ, thì đó là cấu trúc quan trọng nhất. Bên cạnh đó, chia sẻ cho họ tầm nhìn của mình, gieo cho họ niềm tin, để người giỏi đi theo mình phải thấy được "trái ngọt" phía xa kia và cùng với mình có sứ mệnh "hái" nó.
Chia sẻ tâm thế học tập thế nào để leader không "ngã ngựa", ông Vương cho rằng, doanh nhân phải học về kỹ năng mềm, học về cách làm đúng, phải tuân thủ, đặc biệt là cập nhật kiến thức pháp luật, những quy định hiện hành để nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập.
Chia sẻ cách chọn đúng nguồn học tập, học đúng người, ông cho biết thêm: Nếu cuộc đời tìm được một người thầy chuẩn đã là tuyệt vời, phải biết "thức thời", xem những việc thất bại đã xảy ra rồi để tránh, giống như việc đánh cờ muốn thắng phải hiểu "đường đi nước bước" của thế cờ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT CNCTech Group: Lãnh đạo phải học liên tục, luôn phải đổi mới
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên UBTƯ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp VN, Chủ tịch HĐQT CNCTech Group cho rằng, mọi doanh nghiệp khởi nghiệp đều bắt đầu từ số 0, vì vậy chúng tôi học trong mọi tình huống hàng ngày. Lãnh đạo phải học liên tục, luôn phải đổi mới, vì có những thứ trước kia rất ổn nhưng thực tiễn thay đổi, không còn giống như sách vở.
"Khi tôi làm việc chung với những người khác, có rất nhiều bạn trẻ có nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Dù khả năng học tập của mình chưa tốt, nhưng tôi may mắn vì năng lực quản lý đội ngũ cấp trung tốt hơn. Tôi tập trung vào việc học làm sao để quản lý và giữ chân được đội ngũ cấp trung. Đó là kinh nghiệm cho khởi nghiệp, tập trung vào việc mình giỏi và khuyến khích người khác làm những điều họ giỏi. Tôi không giỏi tiếng Anh, nên nếu cứ cố tập trung học tiếng Anh là lãng phí thời gian", ông Hùng cho hay.
Ông Hùng thẳng thắn: Có những vấn đề nội bộ chúng tôi không thể giải quyết được, chúng tôi quyết định mời thêm chuyên gia Big4 đến nhưng vẫn không giải quyết vấn đề. Lúc đó, chúng tôi cho đội ngũ quay về thực tế thay vì tìm lời giải mẫu để giải quyết vấn đề đó.
"Trong thời gian qua, bản thân tôi nhìn nhận lại việc làm sai để tìm phương pháp đúng hơn, giảm tỉ lệ sai sót trong tương lai. Tôi đặt ra giả thuyết nếu trong trường hợp mình sai hoàn toàn thì phải có phương án chuyển giao hoặc làm cái mới", ông Hùng chia sẻ.

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc CTCP PNJ: Học đủ sâu trong thất bại cũng là một cách học
Nếu nói về việc học, chúng ta đặt 2 câu hỏi What (học gì) và Why (vì sao)? Trong quá trình làm việc, có những thứ lý thuyết, niềm tin của mình không còn đúng trong thực tế. Điều này xảy ra hàng ngày, do vậy lãnh đạo luôn luôn phải tìm phương pháp.
Lúc khởi nghiệp, quy mô công ty nhỏ, những người làm với mình trong vai trò co-founder, mình coi họ là anh em, đồng chí. Nhưng khi quy mô công ty lên 500 -1.000 người thì chuyện anh em, huynh đệ lại là cản trở. Có khi 10 người anh em đó ngăn cản việc mình tổ chức, lãnh đạo 500 người. Lúc đó mình phải sửa lại công thức điều hành để làm sao điều phối 500 người hiệu quả. Và để làm sao các anh em của mình cũng phải trong tâm thế học hỏi không ngừng.
Trước khi áp dụng What, cần trả lời câu hỏi Why? Tại sao phải đi học. Lãnh đạo mình khuyến khích đi học, nhưng nhân viên họ không hiểu được tại sao họ học, thì dẫn đến nhân viên học nhưng không mang lại giá trị gì cho công ty.
"Tôi thường tạo ra ngữ cảnh để mọi người tranh luận với nhau, từ đó họ tự hiểu ra cái gì là đúng và sẽ nảy ra ý tưởng để là hiệu quả hơn. Tại PNJ, chúng tôi có 7.000 nhân sự, lãnh đạo không thể nói cho từng người biết tại sao nên làm cái này, cái kia, trước kia chúng tôi làm điều này nhưng không hiệu quả. "Cùng một loại sữa nhưng cách khuấy khác nhau thì chất lượng cho ra khác nhau". Hãy xem những câu chuyện doanh nhân thất bại như một cuốn sách để nghiền ngẫm và rút ra bài học, có những câu chuyện do chủ quan, có chuyện do khách quan. Kể cả mình học theo một người, người đó thất bại, thì đó vẫn là người thầy của mình, vẫn để lại bài học cho mình. Học đủ sâu trong thất bại cũng là một cách học", theo ông Thông.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Đặt mục tiêu vào chiến lược, học để làm gì?
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết: Học có muôn vàn kiến thức, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, độ tuổi xác định cách mình học. Từ học ở trường lớp, sách vở, xã hội và trên internet. Ngày nào cũng phải học. Cách học của ông Đặng Hồng Anh chính là từ thực tiễn, xác định mình học để làm gì, để thêm kiến thức và công việc, cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Thói quen tích cực là mỗi chiều tối đều ngồi rà soát lại các công việc của mình trong một ngày, để làm sao thay đổi cách trao đổi với cán bộ nhân viên, đối tác, các cơ quan ban ngành. Luôn đặt câu hỏi tại sao người ta lại phản ứng với mình như vậy, tại sao họ lại đặt câu hỏi với mình như thế, tại sao họ lại không nghe mình thuyết phục?
Tôi không chỉ học từ những doanh nhân Sao Đỏ, những tỷ phú, mà học cả các doanh nghiệp địa phương, các doanh nhân trẻ khởi nghiệp. Nhưng quan trọng phải chắt lọc kiến thức để áp dụng trong công việc và cuộc sống của mình, đặt mục tiêu vào những chiến lược của mình, đừng mơ mộng thái quá", ông Đặng Hồng Anh chia sẻ.
Với công tác của Hội, là thành viên và lãnh đạo Hội, ông Hồng Anh cho biết, để đạt hiệu quả và thu hút được lực lượng tham gia, lãnh đạo Hội luôn phải làm bằng cái tâm. “Công việc này cũng giống như làm dâu trăm họ, nhưng nếu xuất phát từ tâm sẽ được mọi người ủng hộ”, ông Hồng Anh nhấn mạnh.

Ông Hoàng Bình Quân, nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân Việt Nam chia sẻ, học cái mình thiếu, học cái mình cần và học cái mới để không lạc hậu.

Nhiều câu hỏi được đặt ra cho các diễn giải tại Tọa đàm.



