Dàn CEO 'khủng' chia sẻ nhiều giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó
(DNTO) - Bằng kinh nghiệm thực chiến từ các doanh nhân uy tín, giàu kinh nghiệm góp mặt trong Tọa đàm “Kinh tế 2023 - Nhận diện và hành động của Doanh nhân trẻ”, kỳ vọng sẽ là bàn đạp đầu tiên và vững chắc để doanh nghiệp gây dựng thêm giá trị, vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới bằng những bước đi cụ thể.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2023 kinh tế đất nước sẽ chịu tác động từ các yếu tố như: Xung đột giữa Nga và Ukraine; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn... đây sẽ là những thách thức đối với tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đơn cử, chỉ trong tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã lên tới gần 43.900 doanh nghiệp, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn nhiều so với doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Dự báo, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể đến hết quý I, thậm chí đến hết quý II/2023...Do đó, để ứng phó với bối cảnh này, các doanh nghiệp cần đưa ra những kịch bản chi tiết, đối sách hợp lý để có thể tiếp tục trụ vững và phát triển trong thời gian tới.
Để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, chia sẻ bằng kinh nghiệm thực chiến, tại Tọa đàm “Kinh tế 2023 – Nhận diện và Hành động của Doanh nhân trẻ”, do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) tổ chức ngày 17/2, ông Nguyễn Tuấn Hải, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam, cho hay, nguyên tắc của Alpha Nam là luôn đi theo các triết lý, từ triết lý sẽ đề ra các mục tiêu.
Ông Hải nhớ lại: "Vượt qua khủng hoảng lần đầu tiên năm 1997, tôi nhận ra rằng phải "chia trứng ra nhiều giỏ". Mỗi năm chúng tôi xây dựng một nhà máy với một lĩnh vực khác nhau, đồng thời xây dựng khẩu hiệu đa ngành. Ở thời điểm đó, đa ngành chính là kim chỉ nam cho hành động của chúng tôi".
Song bước ngoặt lớn nhất với Alphanam vào năm 2013, khi lãi suất ngân hàng lên tới 24%, điều đó đã khiến doanh nghiệp của ông phải trả giá quá đắt, bởi "trứng bỏ nhiều giỏ nhưng lại không biết nó sẽ nằm ở đâu".
Ông Hải nhấn mạnh: "Từ đó cho đến nay, chúng tôi không chọn là công ty đa ngành mà chuyển hướng trở thành công ty xây dựng các trụ cột, trong đó chủ đạo là mảng sản xuất, giúp khơi dòng chảy sau bao năm Covid-19. Thậm chí, tăng trưởng sản xuất thời gian qua đã vượt 450% trong vòng 3 năm".
"Trong khó khăn, làm thế nào để sản phẩm của mình là sự lựa chọn tốt nhất đối với khách hàng, từ đó dòng tiền sẽ đổ về phía mình là điều quan trọng nhất. Như vậy đa ngành cũng đúng và "nhất nghệ tinh nhất thân vinh" cũng đúng, vấn đề là trong mỗi hoàn cảnh khác nhau mình phải linh hoạt ứng biến để "chuyển mình" cho phù hợp, phải tập trung cao độ để khi có cơ hội phải nhanh chóng chớp lấy", ông Hải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, TGĐ Tập đoàn ĐTXT và Du lịch Bảo Sơn, cho hay, Bảo Sơn cũng hình thành được hơn 30 năm và trước những năm khủng hoảng gần như phát triển nóng.
Đến thời điểm thị trường bắt đầu cuối 2010, Bảo Sơn hoạch định lại các kế hoạch đầu tư, trước cũng nghĩ là đầu tư nhiều mảng sẽ an toàn, nhưng sau những cuộc khủng hoảng thì phải tập trung không phát triển nóng mà phát triển bền vững, tập trung vào thị trường cốt lõi...
Bà Hà cho rằng, khi doanh nghiệp tìm hướng đi đúng cho sản phẩm thì sản phẩm sẽ "sống" được, nhờ nguồn tiền lưu thông mà doanh nghiệp có thể tồn tại vì có tích lũy trong thời gian dài và không bị ảnh hưởng bởi áp lực phải đi vay ngân hàng, khi cơ hội thị trường đi xuống sẽ bung tiền ra để đầu cơ.
"Khi doanh nghiệp xây dựng giá trị cốt lõi là gì thì phải lái doanh nghiệp đi theo đúng "đường ray" như thế để tạo độ bền vững, khi đã có sự đồng nhất rồi thì cơ hội đến đâu mình sẽ bắt đến đấy để phát triển doanh nghiệp", bà Hà nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm vượt khủng hoảng, ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tp. Hồ Chí Minh, TGĐ Công ty CP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận, kể lại câu chuyện năm 2020-2021, khi TP. Hồ Chí Minh "lockdown" 4 tháng, toàn thị trường của trang sức rớt 36%, song PNJ vẫn tăng trưởng 11%.
"Vì chúng tôi tìm ra những khe hở của thị trường, đó là câu chuyện về tái tạo doanh nghiệp, cả thị trường giảm xuống, điều đó có nghĩa nếu muốn tăng lên thì chúng tôi phải tìm thị trường mới mà trước giờ chúng tôi chưa nhìn thấy và bằng mọi cách lấy thị phần đó về", ông Thông nhận định.
Muốn vậy, CEO PNJ cho rằng, phải giải quyết bài toán năng lực: "Trước kia chúng tôi bán những gì chúng tôi sản xuất, do đó tập trung vào độ chính xác, tuân thủ tuyệt đối, nhưng khi chuyển qua bán lẻ chuyên nghiệp thì phải chuyển hướng vào cảm xúc, thị hiếu của khách hàng, nói cách khác, tư duy của người sản xuất và tư duy của người bán lẻ khác nhau nên chúng tôi phải chuyển biến nhanh để tăng thêm thị phần ngay trong "mùa gió ngược".
Là doanh nghiệp chuyên về bất động sản, nhưng vẫn "sống khỏe", bất chấp những tác động bất lợi, ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch CLB Sao Vàng Đất Việt, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Thăng long, chia sẻ: "Trải qua giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, chúng tôi đã xây dựng cho mình một phản ứng để quản trị rủi ro vượt qua những khó khăn của thị trường".
Cụ thể, ông Long cho hay, khi niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ có một kênh huy động vốn, đây không phải vốn vay mà là vốn góp nên không gặp áp lực trả lãi, đây là cơ hội nền tảng để phát triển nhanh hơn, giống như "tấm khiên" che chắn cho doanh nghiệp chống chọi tốt hơn.
"Khi vay vốn ngân hàng, nhiều thì chi phí vốn đã ngốn hết lợi nhuận, dẫu cố gắng tích lũy đến đâu cũng coi như bằng không. Vậy nên, có thể nói đây là mô hình củng cố sức mạnh khá hiệu quả mà doanh nghiệp cũng nên tham khảo", ông Long dẫn chứng.
"Quan điểm đầu tư bất động sản của tôi khác chút là chúng tôi chuộng đầu tư những dự án tạo dòng tiền nhanh về dịch vụ kinh doanh, nhờ vậy mà doanh nghiệp vượt khó khăn và không bị ảnh hưởng bởi thị trường.
Ngoài ra, luôn tìm những hướng đi mới là chiến lược của tôi, hiện tôi đang đầu tư bất động sản định cư sang EU, cụ thể tại Budapest, và đang là một trong những doanh nghiệp có quy mô bất động sản định cư lớn nhất tại đây. Đây là hướng đi riêng của chúng tôi trước những khó khăn chung của thị trường hiện nay", ông Long chia sẻ.
Thẳng thắn chia sẻ, ông Nguyễn Xuân Phú, Nguyên PCT Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, cho rằng: Sẽ không có một nhận định nào đúng cho tất cả, song trong hoàn cảnh nào thì cũng có 3 lời khuyên chung và tùy thuộc vào nội lực từng doanh nghiệp.
"Nếu anh là doanh nghiệp mà có dư năng lực trong lúc này thì đây là cơ hội, vì thị trường đang khó khăn, nhiều người không trụ được, và đó là thời cho mình đi mở rộng, thâu tóm thị trường với giá rẻ nhất.
Ngược lại, những doanh nghiệp do trước đây mình bung tiền quá tay, lúc này sức mỏng thì cần phải dự báo khó khăn đến bao giờ, ước nguồn lực để tồn tại, nếu không thể đi tiếp được thì phải cắt bỏ bớt những "chân phụ" ngay lập tức để trang trải, vượt qua giai đoạn khó khăn. Còn lại một loại doanh nghiệp đang ngắc ngoải, tức là cân đi cân lại thì phải cắt bỏ hết chỉ giữ lại một số trụ chính, để chờ cơ hội phục hồi", ông Phú nhận định.
Đồng thời nhấn mạnh: "Thời nào cũng vậy, việc muốn ổn định trong mọi giai đoạn, điều then chốt nhất là phải quản trị doanh nghiệp, khi ấy chúng ta sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực một cách hiệu quả nhất".
"Khó nhất là làm thế nào có thể huy động được tiền trong lúc khó khăn? Thì nó nằm ở uy tín, mọi doanh nghiệp đều phải coi chữ tín là kim chỉ nam thì mới có khả năng huy động tiền trong lúc khốn đốn, mà khi lúc khó khăn có tiền thì mọi việc đều được giải quyết hết", đó là lời khuyên của tôi.
Từ những lời khuyên của Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, trong vai trò là Chủ tịch HanoiBA, ông Trần Đăng Nam nhớ lại thời điểm cách đây 3 năm, lúc Covid-19 xảy ra, khi ấy tất cả doanh nghiệp đều hoang mang và lo lắng làm thế nào để "vượt bão".
"Tôi còn nhớ khi ấy, anh Phú cũng phân tích như cách chia sẻ với anh em hôm nay, rõ ràng chiến lược doanh nghiệp vô cùng quan trọng, nghe lời khuyên từ anh Phú, tôi thấy rất nhiều cơ hội sáng và đã họp lại anh em trong công ty để quyết định làm chiến lược tấn công, đây là một câu chuyện có thật", ông Nam nói.
"Từ lúc doanh nghiệp cả hệ thống chỉ có 4.000 tỷ, đến năm 2022, hệ thống của tôi đã tăng lên gấp 250 lần, tất nhiên logistics là mảnh đất đầy tiềm năng nên có cơ hội rất nhiều. Những buổi tọa đàm như thế này cực kỳ có giá trị, giúp chúng ta có bức tranh tổng thể về những khó khăn của thị trường và liên hệ cho chúng ta trong năm 2023 sẽ phải làm gì", ông Nam cho hay.
Chia sẻ về góc độ doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cơ bản định hướng trong năm 2023, ông Nam cho hay, tiếp tục tập trung gần như các nguồn lực để đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư để tạo công ăn việc làm cho các hội viên.
Chúng tôi sẽ tập trung vào những hoạt động thực chất không chỉ trong nội bộ doanh nghiệp trẻ Hà Nội mà còn kết nối xúc tiến với các tỉnh bạn, tạo hành lang để anh em doanh nghiệp hội viên có thể thúc đẩy mạnh hơn, tổ chức các hoạt động theo các nhóm nhỏ, theo các lĩnh vực ngành nghề để cùng nhau chia sẻ những câu chuyện thật để cùng tháo gỡ.
"Không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, chúng ta cùng nhau gần lại để thúc đẩy hoạt động đầu tư xúc tiến mạnh hơn. Do vậy, tất cả các anh, chị em hội viên nhỏ và vừa, nếu chúng ta thực sự khó khăn, hãy chia sẻ đến với Ban xúc tiến thương mại và đầu tư của doanh nghiệp trẻ Hà Nội để tìm đến những cơ hội mới hơn", Chủ tịch HanoiBa nhận định.