Thêm động lực để vốn thấm sâu vào nền kinh tế từ tác động của hạ lãi suất và cơ chế giao room mới
(DNTO) - Hiện, thanh khoản ngân hàng rất dồi dào và lãi suất cho vay đang khá dễ chịu, cùng với việc được "cấp room" sớm, kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng ngay từ quý đầu năm 2024. Điều mong mỏi trong chuyện này là cần khơi thông dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực trọng tâm, phục hồi tổng cầu cho Việt Nam.
Mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ 0,3-0,4 điểm phần trăm trong quý 1/2024
Cụ thể, theo đánh giá của các tổ chức tín dụng (TCTD), quý 1/2024, tỷ lệ TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng “cải thiện” thấp hơn so với quý IV/2023, nhưng dự báo “cải thiện” mạnh hơn trong năm 2024, trong đó nhu cầu vay vốn được dự báo “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán, khác với diễn biến của năm 2023.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý 4/2023 tiếp tục duy trì trạng thái “tốt” và cải thiện tích cực hơn dự kiến. Các TCTD đánh giá tình hình thanh khoản trong năm 2023 dồi dào hơn so với năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục dồi dào trong qúy I/2024 và cả năm 2024.
"Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3 - 0,4 điểm phần trăm trong quý I/2024 và giảm 0,2 điểm phần trăm trong cả năm 2024. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4% so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước", Các TCTD dự báo.
Trong quý 4/2023, các TCTD cho biết tiếp tục điều chỉnh giảm giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ, trong đó, tập trung giảm lãi suất biên nhiều hơn so với giảm phí dịch vụ. Xu hướng này được dự kiến duy trì trong quý I/2024 nhưng có khả năng thu hẹp hơn. Mặt bằng giá cả sản phẩm, dịch vụ tài chính kỳ vọng tương đối ổn định trong năm 2024.
Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định tiếp tục tăng trong quý 4/2023 và quý 1/2024 so với quý trước, nhưng tốc độ tăng đang chậm dần lại. Đánh giá tổng thể năm 2023, mặt bằng rủi ro của khách hàng được nhận định tăng đáng kể so với năm 2022 và tăng mạnh hơn nhiều so với dự báo ban đầu, tuy nhiên kỳ vọng có thể giảm trong năm 2024.
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý 1/2024 và tăng 12,1% trong năm 2024, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý 1/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước.
Trái ngược với kỳ vọng giảm, kết quả điều tra kỳ này cho thấy, các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý 4/2023 tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ”, nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý 1/2024.
Chờ đợi bùng nổ tín dụng?
Cùng với thông điệp từ lãi suất thấp, đáng chú ý, ngày cuối cùng của năm 2023, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thay vì cấp theo nhiều đợt như những năm trước, sẽ cấp hết hạn mức tín dụng một lần, và định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành cả năm 2024 là 15%, ước tính, sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.
Từ trước tới nay, việc hạn chế room tín dụng luôn khiến cho quá trình vay vốn của doanh nghiệp gặp ách tắc, nhất là thời điểm cuối năm, khi mà các ngân hàng đã cạn room tín dụng, trong khi doanh nghiệp lại cần vốn hơn bao giờ hết cho thời vụ theo tính chu kỳ. Năm 2024, với cách cấp hạn mức tín dụng mới, nhà điều hành đã phát đi thông điệp đối với các ngân hàng: Vốn đưa vào nền kinh tế năm nay phải mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn.
Nhìn nhận về tác động của cơ chế giao room tín dụng mới, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng có ý nghĩa tạo cơ chế chủ động và linh hoạt hơn trong điều hành và giám sát. Cũng là động lực để nguồn vốn năm 2024 được khơi thông tới nền kinh tế.
Mới đây, tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương, khi được hỏi, năm 2024 tín dụng có "chảy mạnh" hơn không, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, nhu cầu đầu tư của nền kinh tế dự báo sẽ tăng lên, nhất là đã giảm đang giảm thấp hơn trước dịch nhiều, đây là một trong những yếu tố cơ bản để tín dụng năm 2024 có thể khởi sắc.
Đặc biệt, trong thượng tuần tháng 1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Trong đó có nhấn mạnh đến việc “tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, năm 2024 kinh tế còn khó khăn hơn nữa, không dễ bùng nổ tín dụng được, ít nhất là trong 5 - 6 tháng đầu năm.
Theo chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long, điều quan trọng nhất đó là tăng trưởng tín dụng cần phải thực chất. Khi cho vay, các ngân hàng sẽ phải nhắm đúng đối tượng, đúng mục đích kinh doanh có thể tạo ra giá trị để thu hồi và trả lại vốn cho ngân hàng.
"Chỉ khi nào tăng trưởng tín dụng đi vào các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn cho các hoạt động sản xuất ra hàng hóa, xuất khẩu, cung cấp các dịch vụ như du lịch, lưu trú, ăn uống..., thì khi đó giá trị của tăng trưởng tín dụng mới phản ánh vào nền kinh tế và từ đó sẽ phản ánh trên thị trường tài chính", ông Long phân tích.
Để làm được điều này, theo ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), nguồn vốn của các ngân hàng thương mại phải được khơi thông hơn, trong đó có nguồn vốn giải ngân từ đầu tư công ra nền kinh tế, tạo nguồn vốn không kỳ hạn rất lớn. Ngoài ra, hỗ trợ tín dụng tiêu dùng cho người thu nhập thấp và công nhân để họ trang trải cuộc sống, đồng thời kích thích tổng cầu tăng cao.