Tăng "sức đề kháng" - bài toán nóng cho ngành ngân hàng trong bối cảnh mới
(DNTO) - Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, nhất là khi ngân hàng đang thực hiện theo chuẩn Basel II, Basel III và đặc biệt trong giai đoạn tới 2022 - 2023, khi Chính phủ ra "đề bài" yêu cầu duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.
Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn
Kết quả kinh doanh quý I/2022 của các ngân hàng dù đã tăng trưởng tích cực so với quý liền trước nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Dự báo về quý II/2022, 57,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý I/2022, trong đó chủ yếu là "tăng nhẹ" (56,7% tổ chức tín dụng lựa chọn), 33,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng "không đổi" và 8,7% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.
Đánh giá về "sức khỏe" hệ thống ngân hàng hiện nay, các chuyên gia cho rằng, dù hệ thống ngân hàng phát triển ổn định, tuy nhiên đang xuất hiện một số rủi ro bất ổn.
Cụ thể, mức độ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đang bị đe dọa bởi sự suy giảm chất lượng tài sản và danh mục tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro từ năm 2020. Kể từ khi có dịch bệnh, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đang bị sụt giảm. Nợ xấu có xu hướng gia tăng. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn đã được cơ cấu theo Thông tư 01, 03 và 14 vào khoảng 8,2%.
Trong khi đó, chính sách cơ cấu, giãn hoãn nợ kéo dài đã biến các khoản cho vay ngắn hạn thành trung dài hạn cũng như tạm thời không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng, sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống trong trung hạn.
Mặt khác, cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều bất ổn. Sự nóng lên của các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán là một phần lý do thúc đẩy tín dụng bán lẻ tăng cao.
"Các ngân hàng thương mại đã tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá lớn. Các trái phiếu tiềm ẩn rủi ro cao do chủ yếu là của các doanh nghiệp bất động sản, không có tài sản đảm bảo cao, trong đó có nhiều doanh nghiệp không niêm yết", GS.TS. Phạm Hồng Chương nhìn nhận.
Bên cạnh đó, các khoản phải thu, lãi dự thu của các ngân hàng ở mức cao. Các khoản phải thu của các ngân hàng tăng từ 17%-347%, lãi dự thu đạt mức 1,5% tổng dư nợ. Các khoản phải thu và lãi dự thu nhiều trường hợp là các khoản nợ xấu, nhưng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ theo quy định hiện hành hoặc của các khoản nợ mà ngân hàng cố tình không chuyển nhóm nợ và thoái lãi dự thu…
Ráo riết chiến lược củng cố thanh khoản
Để đảm bảo lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, trong mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều nhà băng đã chủ động tìm cách nâng cao năng lực, củng cố chất lượng hoạt động, như việc tìm cách đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn cao hơn theo basel 2, basel 3, hay dễ thấy nhất là kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Thực tế trong năm 2021, các ngân hàng đã tăng vốn hơn 23% với tổng cộng hơn 92 nghìn tỷ đồng. Câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022, giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số CAR...
TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, khi rủi ro gia tăng thì hệ số CAR của các ngân hàng càng phải "dày" hơn để giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại khi thị trường biến động.
"Có như vậy, ngân hàng mới đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, hiệu quả, an toàn theo chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra vốn điều lệ dày sẽ là một trong những yếu tố giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung", ông Thành nhận định.
Song, hiện nay, áp lực tăng vốn đối với các ngân hàng ngày càng khốc liệt, thị trường nhiều biến động phức tạp, rõ ràng sẽ không có một kịch bản nào lường hết được.
Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng nguồn lực dành cho các ngân hàng thương mại nhà nước còn bất cập với vai trò, trách nhiệm thực hiện các chính sách lớn và việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, vốn điều lệ tăng không tương xứng với vai trò, vị thế đã hạn chế năng lực của các ngân hàng đã khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng tín dụng. Ngoài ra, việc chưa được ngân sách nhà nước bố trí đủ vốn hoặc nguồn cấp bù lãi suất phần nào gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại nhà nước khi thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, gói hỗ trợ đã và sắp triển khai.
"Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường của các ngân hàng thương mại nhà nước. Trong khi đó, nguy cơ nợ xấu "dềnh" lên là nhìn thấy rõ, cho nên ngân hàng cũng khó có thể kỳ vọng có được sự tăng trưởng như năm 2021", ông Tú đánh giá.
Theo đó, để tăng khả năng chống chịu trước những "cú sốc", mới đây, đại diện ngân hàng thương mại đã kiến nghị Chính phủ cho phép được sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ để tăng vốn điều lệ. Đặc biệt, hầu hết các ngân hàng thương mại đều kỳ vọng được nới "room ngoại", để dễ dàng xoay xở phương án tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông nước ngoài.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đánh giá, trần room ngoại thấp là nguyên nhân khiến các thương vụ M&A ngân hàng trầm lắng thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các doanh nghiệp trong ngành tài chính - ngân hàng, nhưng quy định room ngoại thấp đã khiến họ thoái lui vì e ngại khó tham gia sâu vào quá trình quản trị doanh nghiệp.
“Trong khi mức độ quan tâm của nhà đầu tư ngoại đối với lĩnh vực này rất lớn, Chính phủ nên cân nhắc nới room ngoại để các ngân hàng có thể gọi vốn từ nhà đầu tư ngoại, tăng tiềm lực tài chính, tăng quy mô, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề nghị.