TS. Nguyễn Trí Hiếu: Các ngân hàng vẫn sẵn sàng bung tiền cho những dự án 'sạch'
(DNTO) - "Các ngân hàng thương mại chỉ siết tín dụng bất động sản một cách chọn lọc, chứ không hoàn toàn khóa van tín dụng lĩnh vực này. Theo đó, các nhà băng vẫn luôn chào đón các chủ đầu tư uy tín đã có quỹ đất, pháp lý đầy đủ... để bung tiền", TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Trong những ngày cuối tháng 3/2022, trước chủ trương kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng tạm dừng việc giải ngân các khoản vay lĩnh vực bất động sản trong ngắn hạn.
Cụ thể mới đây, Sacombank ban hành công văn trên toàn hệ thống cho biết cần tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp, dịch vụ, logictics… và sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Techcombank cũng cho biết việc giải ngân các khoản vay mua bất động sản sẽ được tạm dừng cho đến hết quý 1/2022, việc giải ngân sẽ tiếp tục thực hiện khi sang quý 2/2022.
Nhận định về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí Doanh Nhân Trẻ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, điều này phù hợp với chính sách của Ngân hàng Nhà nước muốn kiềm chế tín dụng bất động sản, vì bất động sản là một loại tín dụng rất rủi ro.
Ông Hiếu phân tích, với các ngân hàng, bất động sản luôn là "miếng bánh" hấp dẫn, đó là lý do khiến họ dành khoảng 20% cho tín dụng bất động sản, trong đó bao gồm tất cả bất động sản nhà ở, công nghiệp, nông nghiệp... Với tỷ lệ lớn như thế trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến rất nhiều cá nhân cũng như doanh nghiệp mất khả năng trả nợ.
Trong khi đó, rất nhiều người đầu tư vào bất động sản theo hình thức mua đi bán lại, hoặc mua bất động sản để đầu cơ... chính vì thế tỷ lệ rủi ro rất cao.
"Còn nhớ bài học vỡ bong bóng bất động sản xảy ra tại Việt Nam giai đoạn 2009, 2011 đến từ việc luồng tiền đổ vào lĩnh vực này quá nhiều. Ngân hàng sẵn sàng đổ vốn vào bất động sản mà không lường trước những rủi ro xảy ra, dẫn tới hệ lụy domino đổ vỡ", ông Hiếu dẫn chứng.
Thêm nữa, ngày 30/6 tới đây, sau khi Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực, dẫn đến rất nhiều nợ xấu sẽ được phơi bày trên bảng cân đối kế toán của họ, chính vì thế mà việc mà các ngân hàng siết lại tín dụng bất động sản là hoàn toàn hợp lý.
Xoay quanh ý kiến về vấn đề nhiều người cho rằng việc ngừng cấp vốn tín dụng cho bất động sản cũng sẽ tác động lớn đến khách hàng cũng như là chủ đầu tư trong việc khó có nguồn lực để tạo dựng quỹ đất, cũng như khách hàng khó có cơ hội mua nhà vì không thể tiếp cận vốn..., ông Hiếu nhấn mạnh, "phần thưởng" cho việc siết lại bất động sản sẽ giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế.
"Việc siết lại tín dụng bất động sản, mặc dầu gây khó khăn cho người đi vay, cho doanh nghiệp vay vốn nhưng đây là điều hợp lý để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh sức nóng của thị trường địa ốc thời gian qua, bởi đa số các nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính", ông Hiếu nhận định.
Ông Hiếu liên hệ, ở bên Mỹ, trừ một vài ngân hàng chuyên về bất động sản thì họ mới dám cho vay để mua đất, còn phần lớn các ngân hàng thương mại họ rất thận trọng khi hướng tín dụng vào lĩnh vực này, vì đất không sinh ra lợi nhuận. Thế nên khách hàng muốn vay phải có một nguồn thu khác để trả nợ. Trong khi các ngân hàng Việt Nam lại rất mặn mà cho vay bất động sản, đặc biệt là đất nền. Hễ khách hàng có trong tay một miếng đất là hoàn toàn được thế chấp.
"Các ngân hàng ở Việt Nam đa số dễ dãi và liều lĩnh trong vấn đề quản lý rủi ro, đã xảy ra những trường hợp khách hàng vỡ nợ, ngân hàng vỡ nợ, sắp tới đây nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, ngân hàng sẽ tiếp tục phải chịu thiệt hại vì nợ xấu. Chính vì thế việc siết lại tín dụng bất động sản cho vay để mà mua đất cần được làm ngay", ông Hiếu nhìn nhận.
Cũng theo ông Hiếu, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời cũng "thắt chặt hơn" yêu cầu về tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, ông Hiếu gợi mở, với các chủ đầu tư uy tín đã có quỹ đất, pháp lý đầy đủ sẽ không cần phải quá lo lắng, luôn nằm trong danh sách được các ngân hàng ưu tiên cho vay vì các ngân hàng chỉ siết tín dụng bất động sản một cách chọn lọc, chứ không hoàn toàn khóa van tín dụng lĩnh vực này.
"Bất động sản vẫn là lĩnh vực quan trọng để các ngân hàng rót vốn, nhưng ngân hàng sẽ lựa chọn để cho vay. Theo đó, các nhà băng vẫn luôn ưu tiên cho nhóm các dự án "sạch" trong lĩnh vực bất động sản để bung tiền. Tương tự, với những khách hàng có nhu cầu mua nhà ở chính đáng, các ngân hàng vẫn cho vay bằng cách thiết kế nhiều chính sách hỗ trợ cho nhóm khách hàng này", ông Hiếu gợi mở.