Nợ xấu có nguy cơ 'phình đại' 430.000 tỷ đồng vào cuối năm
(DNTO) - "Những cơ chế, chính sách thí điểm xử lý nợ xấu nếu không được tiếp tục triển khai thì tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc thu hồi nợ theo Nghị quyết số 42, khi đó dự kiến nợ xấu có thể nhảy vọt mức 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022", Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Sáng nay, 14/4, tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).
Một trong những kết quả nổi bật được Thống đốc báo cáo là kết quả xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ là 148.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng và VAMC đạt khoảng 77.195 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã được xử lý...
"Nhờ đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Đây là khối lượng vốn rất lớn đã được quay vòng và tái tạo đầu tư trở lại để bơm nguồn vốn cho nền kinh tế, giải quyết được nhiều lãng phí xã hội, nhất là những tài sản thế chấp trong những khoản nợ khi đã đưa vào nợ xấu thì được giải quyết, xử lý tích cực, tránh hao mòn tự nhiên, hư hỏng hoặc tài sản đóng băng", bà Hồng nhận định.
Thống đốc cũng nêu rất nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42 từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương và từ chính các quy định tại nghị quyết này.
Chẳng hạn, Điều 7 Nghị quyết số 42 quy định “Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm…”. Tuy nhiên, các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung này (vì tại thời điểm hợp đồng được ký kết thì Nghị định 163/2006/NĐ-CP không quy định nội dung này).
Do vậy, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định trên, các tổ chức tín dụng phải đàm phán lại với bên vay, song thường khách hàng không hợp tác, vì vậy, các tổ chức tín dụng rất khó để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Điều 7 Nghị quyết số 42.
Do đó, việc tiếp tục kéo dài Nghị quyết 42 cũng chỉ là một trong những giải pháp trước mắt, trong khi chờ đợi tiếp tục hoàn thiện xây dựng luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu. Bởi lẽ, Nghị quyết 42 không thể “gánh” toàn bộ những yêu cầu về pháp lý cho nợ xấu do văn bản này chưa thể bao quát hết mọi vấn đề thực tế.
"Quy định về xử lý nợ xấu cũng cần cụ thể hóa các nội dung về phân bổ dần lãi dự thu, chênh lệch giữa giá trị khoản nợ và giá bán nợ xấu của tổ chức tín dụng trong khoảng thời gian nhất định. Quy định này đảm bảo quyền chủ nợ của bên nhận bảo đảm, đảm bảo quyền tự do thỏa thuận giữa các bên", bà Hồng cho hay.
Đặc biệt bà Hồng nhấn mạnh, những cơ chế, chính sách thí điểm xử lý nợ xấu nếu không được triển khai một cách quyết liệt thì tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42, khi đó dự kiến nợ xấu có thể tăng vọt lên mức 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
"Chúng tôi đã đề xuất báo cáo Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có Luật Xử lý nợ xấu phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tác động ban hành Luật. Nếu không kéo dài Nghị quyết 42 thì sẽ có một số khoản nợ thuộc đối tượng trong Nghị quyết 42 mà không có cơ sở pháp lý để triển khai, đây sẽ là khó khăn cho những khoản nợ đó”, bà Hồng thông tin.