Sớm chuyển đổi số là cách giúp doanh nghiệp ‘hút’ nhân tài
(DNTO) - ThS. Vũ Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn và đào tạo chuyển đổi số doanh nghiệp nêu quan điểm, trong thời điểm hiện tại, nếu doanh nghiệp không xây dựng môi trường làm việc số, công cụ làm việc số, sẽ khó thu hút được nhân sự.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, trên các diễn đàn về chuyển đổi số hiện nay, vấn đề chuyển đổi số vẫn được nói đến thường xuyên, nhưng phần lớn tiếp cận ở khía cạnh nâng cao hiệu quả vận hành, quản trị và kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng thực tế, doanh nghiệp muốn thành công phải tạo được môi trường thuận lợi cho người lao động làm việc và phát triển.
Ông Tuấn Anh kể lại thời điểm những năm 90, khi bắt đầu ra trường đi làm, lúc đó mỗi công ty chỉ có một vài máy tính. Nhưng đến thời điểm hiện tại, máy tính là công cụ bắt buộc mà doanh nghiệp phải trang bị cho nhân viên làm việc, nếu hệ thống máy tính gặp sự cố, người lao động sẽ không thể làm việc. Từ ví dụ này, ông Tuấn Anh khẳng định, ở thời điểm hiện tại, nếu những công ty không có công cụ làm việc số, môi trường làm việc số sẽ không thu hút được nhân tài.
Ở khía cạnh ngược lại, nhiều doanh nghiệp hiện nay thường tối thiểu hoá chi phí thay vì tối ưu hoá hiệu suất của người lao động. Hệ quả là doanh nghiệp trang bị công cụ số nhưng người lao động không thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả. Vì vậy câu chuyện nâng cao kĩ năng cho người lao động không chỉ nhắc đến kĩ năng cứng và kĩ năng mềm, mà bản thân doanh nghiệp và người lao động cần chú trọng đến việc trang bị kĩ năng số phù hợp và cần thiết.
“Tại nhiều quốc gia đã chuyển từ ô tô chạy từ động cơ đốt trong sang ô tô điện. Vậy những nhân sự trong ngành ô tô sẽ phải có kiến thức về lập trình, AI, dữ liệu, tự động và truyền động… Nhưng bao nhiêu trường đại học Việt Nam đào tạo ngành ô tô đã chuyển đổi giáo trình. Nghề nghiệp luôn có độ trễ so với thị trường nên phải có tư duy và chương trình đào tạo đi trước để tránh bị tụt hậu”, ông Vũ Tuấn Anh nêu quan điểm.
Cũng theo nhiều chuyên gia, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những động thái tích cực trong việc đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tìm ứng viên tiềm năng. Tuy nhiên, theo thói quen cũ, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn sử dụng các phương pháp đào tạo truyền thống. Trong khi các doanh nghiệp FDI hiện có sự chuẩn bị nhanh hơn trong xu hướng chuyển đổi số, bằng việc áp dụng phương pháp đào tạo E – learning hay sẵn sàng đưa nhân viên sang nước ngoài đào tạo.
ThS. Vũ Tuấn Anh cũng cho biết, một trong những lực đẩy quan trọng nhất của chuyển đổi số hiện nay chính là sự gia tăng của khách hàng thế hệ Z, bản thân họ đã tự chuyển đổi số trong các hoạt động thường nhật như: sử dụng điện thoại thông minh để đặt xe, mua sắm thương mại điện tử, sử dụng ví điện tử để thanh toán… Trong khi đó, kinh doanh là đáp ứng nhu cầu của khách hàng, khi khách hàng đã chuyển đổi số thì bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số để tận dụng cơ hội chinh phục khách hàng.
“Trong một hội thảo tôi vừa tham gia, có một câu chuyện được chia sẻ như sau, đó là một nhóm startup đến gặp một nhóm các nhà đầu tư để số hóa nghề bán bánh mì bằng việc triển khai hàng nghìn điểm bán bánh mì. Như vậy, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của những doanh nghiệp lớn, mà ngay cả những xe bánh mì cũng phải nghĩ đến câu chuyện chuyển đổi số, bởi chắc chắn sẽ có một người nào đó, công ty nào đó nghĩ đến chuyển đổi số trong ngành kinh doanh của mình, như vậy họ sẽ có lợi thế hơn mà mình sẽ bị mất cơ hội”, ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.