Con người là chìa khóa chuyển đổi số thành công
(DNTO) - Công nghệ không phải là chìa khóa chuyển đổi số, ở đây, con người chính là chìa khóa để chuyển đổi số thành công. Nếu chọn đúng con người và có quy trình rõ ràng, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi số thành công.
Tận dụng tài sản và thương hiệu của doanh nghiệp, không thể sao chép khi chuyển đổi số
Tại Tọa đàm 2 với chủ đề “Hành trình tới tương lai số”, trong khuôn khổ Carnival Doanh nhân trẻ ASEAN 2020, ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, cố vấn Công nghệ và giải pháp VMED Group đã chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp thường đổi mặt.
Nêu ví dụ về những doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công, ông Nguyễn Francis Tuấn Anh đã nói về Uber, doanh nghiệp điển hình tạo đột phá trong những năm qua, tạo ra thị trường cung – cầu.
“Chúng ta bắt buộc phải chuyển đổi số, nếu không làm sẽ chết. Nhưng phải chuyển đổi thế nào?”, ông Tuấn Anh đặt câu hỏi.
Theo ông Tuấn Anh, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần ứng dụng và tương tác với khách hàng, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, thiết kế mô hình kinh doanh có một không hai.
Ông Tuấn Anh cho rằng, có 4 giải pháp để chuyển đổi số thành công. Thứ nhất, phải chuyển đổi số bản thân. Phải tận dụng tài sản và thương hiệu của doanh nghiệp, không thể sao chép.
Thứ hai, mua lại đối thủ: Chúng ta mua lại công ty khởi nghiệp, vì công ty khởi nghiệp có sự nhanh nhẹn, trong khi chúng ta có nguồn lực mở rộng. Các công ty khởi nghiệp được các công ty lớn hơn mua lại có thể trở thành mầm mống cho việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cốt lõi theo thời gian.
Nếu làm tốt, việc mua lại là điều tốt nhất của cả hai thế giới: Sự nhanh nhẹn của công ty khởi nghiệp và khả năng mở rộng nguồn lực của một công ty lớn hơn.
Thứ ba là thích ứng, phát triển thành công ty kỹ thuật số, tạo ra các mô hình kinh doanh kỹ thuật số dựa trên hoạt động kinh doanh cốt lõi và chuyển đổi giá trị của khách hàng.
Thứ tư là hấp thụ, số hóa doanh nghiệp: Đây là việc phải làm với tất cả doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, CEO Year 1 cho rằng, chúng ta phải thay đổi tư duy, vì khi tư duy thay đổi, hành động sẽ thay đổi.
“Khi nói chuyển đổi số, tôi cho rằng phải trả lời được câu hỏi: Lãnh đạo doanh nghiệp có sẵn sàng cho chuyển đổi số không? Nhiều doanh nghiệp cho rằng chỉ cần số hóa data, nhưng đây là công việc rất dài hơi, phải am hiểu về quá trình chuyển đổi, phải có tư duy mở mới có thể chuyển đổi số thành công”, bà Quỳnh Anh chia sẻ.
Cũng theo bà Quỳnh Anh, mọi người vẫn hay nói trong nguy có cơ, đại dịch xảy ra khiến ngân sách quảng cáo bị ảnh hưởng, các kênh truyền thống hầu như không còn như trước kia. Nhưng đến giờ không có nhân viên nào của Year 1 bị nghỉ việc.
“Sau đại dịch, nhu cầu mua sắm khác đi. Bất kỳ cái gì cũng có thể tìm trên online chỉ bằng 1 click. Nhưng bắt buộc bây giờ, chúng ta phải đặt khách hàng lên trên hết. Nếu không hiểu họ thì sẽ không phát triển được”, bà Quỳnh Anh cho hay.
Cũng theo bà Quỳnh Anh, điều quyết định để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công là phải xác định được mô hình kinh doanh của doanh nghiệp là gì. “Quan trọng nhất, chúng ta hãy bắt đầu từ điều nhỏ nhất. Thứ nữa, phải có chiến lược phát triển doanh nghiệp mới có thể chuyển đổi số thành công”, bà Quỳnh Anh nói.
Phải có chiến lược phát triển doanh nghiệp mới chuyển đổi số thành công
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki cho biết, trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, có 2 thứ doanh nghiệp của ông đã hiểu rõ, đó là khách hàng gặp khó khăn trong thu nhập. Theo đó Tiki thay đổi chiến lược, phải có giá tốt hơn, hàng hóa có chất lượng hơn.
“Tiki là nền tảng thương mại điện tử, chúng tôi có 70 triệu lượt truy cập/tháng, hàng trăm ngàn nhà cung cấp ở các lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi hỗ trợ nhà cung cấp bằng cách miễn phí % các sàn cho nhà cung cấp. Ngoài ra, tôi cho rằng mình là người xây dựng nền tảng. Trong giai đoạn đó, hàng nhu yếu phẩm rất cần, vì Covid-19 nên chúng tôi ra mắt Tiki ngon. Một phần là do ta chủ động về mặt kỹ thuật, không phụ thuộc bởi bất cứ ai, nên giờ khách hàng mua hàng tươi sống dễ dàng, giúp được hàng trăm điểm tạp hóa, siêu thị, khách hàng. Và trong mùa Covid-19 đã tăng trưởng gấp đôi”, ông Thái Sơn vui mừng chia sẻ.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigon Book cũng cho rằng, phải có chiến lược phát triển doanh nghiệp, phải xem chiến lược có phù hợp hay không mới có thể chuyển đổi số thành công.
Thứ hai phải quan tâm đến khách hàng. “Chi phí liên quan đến khách hàng ngày càng cao, vậy có cách nào tiếp cận khách hàng thuận lợi mà chi phí thấp? Yếu tố nữa cốt tử là quản trị điều hành doanh nghiệp hiệu quả, tăng cường sáng tạo giữa các nhân viên, giảm chi phí hành chính, giấy tờ, nhân viên làm việc ở nhà mà hiệu quả không thay đổi”, ông Tuấn Quỳnh bày tỏ.
Nói về xu hướng chuyển đổi số, đại diện Doanh nhân trẻ Indonesia, ông Hans Lukiman, cho rằng, Indonesia được biết đến là một trong những nền kinh tế sử dụng thương mại điện tử nhiều nhất, có những công ty sở hữu hơn 500 triệu USD.
“Mọi người đều nói chuyển đổi số, vì muốn giúp mọi người tiếp cận được với nguồn vốn, vì vậy Chính phủ Indonesia xác định rõ đưa ra nền tảng nâng cao thu nhập. Ngoài ra, chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp startup”, ông Hans chia sẻ.
"Chúng tôi thấy rằng công nghệ là lực đẩy mạnh giúp doanh nghiệp phát triển. Chúng ta phải xây dựng được hạ tầng để nhiều người có thể tiếp cận được. Ngoài ra, phải tận dụng được những cái chúng ta đang có, ví dụ Hiệp định RCEP. Từ đó, thúc đẩy nền tảng này kết nối với nền tảng ASEAN, giúp thanh niên đào tạo nghề...", ông Hans nêu giải pháp.