Sáu tháng cuối năm, chứng khoán khó bùng nổ?
(DNTO) - Trong góc nhìn dài hạn về thị trường chứng khoán sáu tháng cuối năm nay, theo các chuyên gia của MBS, nếu nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp chưa được tháo gỡ, lạm phát khiến chính sách tiền tệ các nước chưa thể đảo ngược, chứng khoán trong nước sẽ chỉ phục hồi chậm và khó có sự bùng nổ.
Thuận lợi và thách thức
Bước qua nửa đầu năm, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 10%, nằm trong nhóm những thị trường có mức tăng trưởng tốt, chỉ đứng sau mức tăng của các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc hay S&P500. Các nhóm ngành như chứng khoán, đầu tư công và xây dựng & vật liệu xây dựng đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt thị trường nhờ xu thế nới lỏng tiền tệ cũng như các chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Bước sang nửa cuối năm nay, trong góc nhìn từ công ty MBS Research, đây sẽ giai đoạn "thị trường phục hồi chậm chạp và xen lẫn các nhịp điều chỉnh". Dự đoán, VN-Index sẽ hứng về vùng 1.155-1.200 điểm, tuy nhiên phải trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp khả năng phải tăng 10% trong năm và định giá PE thị trường trong khoảng 12-12,5 lần.
Theo đó, chỉ số VN-Index sẽ khó có sự bùng nổ, bởi rào cản của thị trường đang nằm ở các vấn đề:
Thứ nhất, kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy yếu, các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU đang bị ảnh hưởng, người tiêu dùng tại đây thắt chặt chi tiêu khiếu cầu hàng hoá bị suy yếu; nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch không được như kỳ vọng khiến xuất khẩu trong nước bị tác động không nhỏ. Nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ bị ảnh hưởng về lợi nhuận.
Trong nước, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khả năng sẽ tiếp tục trầm lắng. Áp lực thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết vẫn hiện hữu.Theo MBS, điều này "tạo nên điểm nghẽn đối với sự luân chuyển các dòng vốn của nền kinh tế, khiến đầu tư co hẹp qua đó làm chậm quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế".
Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ “diều hâu” hơn so với dự báo của thị trường. Nhiều ngân hàng trung ương chưa nới lỏng chính sách tiền tệ vốn thắt chặt lâu nay. Việc Việt Nam đang đi ngược với xu hướng trên có thể tạo áp lực về tỷ giá và dòng vốn trong nước.
Dù vậy, thị trường chứng khoán sáu tháng cuối năm vẫn có nhiều động lực tăng trưởng như môi trường lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; lợi nhuận thị trường sẽ phục hồi trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái và kỳ vọng dòng vốn ngoại chảy vào thị trường nhờ mức định giá rẻ.
Nhóm ngành nào được hưởng lợi?
Những ngành phục hồi theo chu kỳ được nhận định sẽ có câu chuyện tăng trưởng trong nửa cuối còn lại của năm nay, bao gồm: ngân hàng, chứng khoán, thép, bán lẻ, thuỷ sản, dệt may, với luận điểm đầu tư: lãi suất kỳ vọng hạ nhiệt, rủi ro lạm phát có thể giảm dần trên thế giới.
Ngoài ra, theo MBS, các nhóm ngành như xây lắp hạ tầng và đá, cũng được cho sẽ được hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, với hai cổ phiếu đáng chú ý là FCN và KSB.
Các cổ phiếu tâm điểm của MBS Research bao gồm: ACB, STB, HPG, PNJ, DGW, VHC và KSB.