Ra đời ngón tay robot bọc da sống
(DNTO) - Các nhà khoa học Nhật Bản đã chế tạo thành công ngón tay robot bằng da sống trông như đang thật sự tiết mồ hôi. Đây được xem là kỹ thuật đột phá, mang tiềm năng xây dựng mối quan hệ mới giữa con người và vật thể máy.
Trong kỳ vọng đưa những rô-bốt thực sự giống người đến gần hơn một bước, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển một ngón tay máy được bao phủ trong lớp da sống trông thật đến nỗi người xem cứ nghĩ tay máy cũng “đang đổ mồ hôi”. Ngón tay cơ học có khả năng tự chữa lành này đang được xem là một kỳ tích kỹ thuật ấn tượng, làm mờ ranh giới giữa xác sống và máy móc.
Đạt thành tựu ấn tượng như vậy, nhưng các nhà khoa học vẫn phân vân chuyện liệu người thường có cảm thấy thích thú với cấu trúc giải phẫu sống động như thật của sản phẩm, hay cảm thấy nó rùng rợn. Theo giáo sư Shoji Takeuchi thuộc Đại học Tokyo, chuyên gia đứng đầu công trình ngón tay máy, cả ê-kíp sáng tạo rất ngạc nhiên bởi thấy mô da phù hợp hoàn hảo với bề mặt của robot. Tuy vậy, ông vẫn khiêm tốn đánh giá thành công này chỉ là bước đầu trong ý đồ tạo ra những con rô-bốt được bao phủ bởi da sống.
Suy nghĩ của nhóm nghiên cứu dựa trên lập luận: mô hình càng giống thật càng có khả năng tương tác tự nhiên với cộng đồng trong nhiều vai trò, bao gồm cả ở khía cạnh chăm sóc điều dưỡng và các ngành dịch vụ khác. Takeuchi nhận định, lớp da chính là giải pháp tối ưu để mang lại cho robot hình dáng và cảm giác của các sinh vật sống, bởi như thế sẽ giống hệt vật liệu bao phủ cơ thể của các loài động vật. Ông đánh giá, những tiến bộ như vậy có khả năng xây dựng nên mối quan hệ mới càng ngày càng thân thiện giữa con người và robot.
Thực ra trước đây, giới khoa học đã sản xuất được các mảnh ghép da, ví dụ như khâu da với nhau trong phẫu thuật tái tạo, tuy nhiên lại rất khó khăn khi phải vật lộn cố gắng tạo ra chất da sống trên các vật thể động, ba chiều. Trong công trình mới nhất, nhóm nghiên cứu lần đầu tiên nhúng ngón tay robot vào một hình trụ chứa đầy dung dịch collagen và nguyên bào sợi hạ bì, hai thành phần chính tạo nên các mô liên kết của da. Những chất này sẽ được dùng phủ lên bề mặt như một lớp sơn lót, tạo ra một mảng liền mạch cho dải tế bào sừng biểu bì của con người bám vào.
Động tác uốn cong ngón tay qua lại sẽ khiến hình thành trên các khớp ngón những nếp nhăn trông thật tự nhiên. Chưa hết, khi bị thương, vùng da “nhân tạo” có thể tự phục hồi như da người với sự trợ giúp của băng collagen, mang lại cảm giác trông như da bình thường. Mặc dầu các chuyển động cũng mang tính cơ học rõ rệt, nhưng riêng ngón tay vẫn đang trong quá trình được chỉnh sửa hoàn thiện dần. Bởi phần da này yếu hơn nhiều so với lớp biểu bì tự nhiên và chúng phải được giữ ẩm, nếu không có hệ thống tuần hoàn, các tế bào sẽ chết vì bị khô.
Khi ra ngoài môi trường nuôi cấy, nhìn thẳng ngón tay trông hơi đẫm mồ hôi. Do ngón được một động cơ điện điều khiển nên cũng thật thú vị khi người ta nghe thấy tiếng lách cách của động cơ hòa quyện khi ngón tay trông giống như ngón tay thật ấy hoạt động. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Burcu Ürgen thuộc Đại học Bilkent ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, chính sự kết hợp giữa máy móc trông giống như thật này lại có thể gây ra cảm giác nước đôi giữa kỳ vọng và thất vọng. Đó là bởi có thể ngoại hình giống con người của một số robot gây ra các ảo tưởng nhất định, nhưng nếu chúng không đáp ứng được những kỳ vọng đó, hiệu ứng ngược sẽ xuất hiện, dễ dẫn tới nản lòng.
Thực ra ban đầu mọi người có thể phản ứng tiêu cực đối với sự kết hợp giữa các tính năng của con người và rô-bốt, nhưng phản ứng này ít nhiều sẽ thay đổi tùy thuộc vào thời gian tương tác kéo dài và những trải nghiệm đạt được. Qua một khuôn mặt robot được da bao phủ, nhóm nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch kết hợp các cấu trúc có chức năng phức tạp hơn bên trong da, chẳng hạn như tế bào thần kinh cảm giác, nang lông, móng tay và cả tuyến mồ hôi nữa.